Hồ Dầu Tiếng tạo nên một nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên khá phong phú cho tỉnh Tây Ninh nói riêng và các vùng lân cận nói chung. Hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn thuỷ sản cho nhân dân, giải quyết việc làm và đời sống cho hàng nghìn lao động, nhất là các lao động nghèo, không có đất đai, phương tiện sản xuất. Bên cạnh đó đây còn là nơi quan trọng để xây dựng và phát triển ngành ngư nghiệp của tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, do công tác quản lý bảo vệ không được thực hiện tốt, đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt dần nguồn lợi thuỷ sản ở đây. Theo các thống kê đã được thực hiện, thì trong giai đoạn những năm từ 1986 đến 1990, sản lượng cá thu hoạch bình quân hàng năm trong hồ Dầu Tiếng đạt khoảng 3.000 tấn, nhưng đến giai đoạn suốt từ các năm 1991 đến năm 2005 thì sản lượng cá hàng năm đánh bắt được chỉ còn khoảng 400 tấn. Nguyên nhân của sự sút giảm mạnh về nguồn lợi thuỷ sản trong hồ được xác định là do hiện tượng đánh bắt khai thác bừa bãi, sử dụng các công cụ phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt hàng loạt như: hoá chất, xung điện, thuốc nổ, lưới cào kèm xung điện, lưới cá cơm, lưới bén mắt nhỏ, vó đèn đêm, dến (một loại công cụ được làm từ lưới cá cơm như màng chống muỗi),…
Về sự đa dạng các chủng loại cá trong hồ, theo kết quả điều tra của Chi cục quản lý nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Tây Ninh thì trong hồ có khoảng hơn 54 loài cá, trong đó có hơn 10 loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá Thát Lát, Lươn đồng, cá Lăng (có 3 loài), cá Lóc,
cá Rô đồng, cá Chạch (2 loài), cá Cơm,... Ngoài ra, hồ còn có 9 loài cá có giá trị làm cá cảnh như: cá Thái Hổ, cá Hồng Vẹn, cá Lòng Tong Sọc, cá Ngựa Nam, cá Ngũ Vân, cá Chốt Cờ, cá Sơn Xiêm, cá Bãi Trầu, cá Chạch Bông.
Nhằm mục đích khôi phục và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng, từ năm 2005 cho đến nay UBND tỉnh Tây Ninh có chủ trương và đã thực hiện 5 lần thả cá giống vào trong hồ, số lượng khoảng gần 7 triệu con với nhiều chủng loại cá khác nhau. Trong đó có nhiều loài cá quý hiếm như: cá Tra Dầu, cá Hô, cá Lăng Nha, cá Thác Lác Cườm,… Kết quả mang lại từ việc thả cá giống vào hồ được đánh giá tốt, khi rất nhiều loài cá được thả vào thích nghi và phát triển khá tốt với môi trường tự nhiên trong hồ, kết quả từ các cuộc khảo sát cho thấy nguồn cá giống được thả nuôi đến khi đánh bắt rất có giá trị kinh tế như: cá Mè nặng tới 9 kg, cá Rô Phi nặng 2,5 kg, đây có thể xem là một bằng chứng nữa cho thấy sự thích nghi tốt của các loài cá giống được thả nuôi trong hồ. Hơn nữa, việc thả cá giống đã làm cho sản lượng cá trong hồ tăng lên nhanh chóng, ước tính trong năm 2009 sản lượng cá đánh bắt được trong lòng hồ đã đạt tới 1.000 tấn, trong đó các loại cá có giá trịnh kinh tế cao - chủ yếu là các loài cá thả nuôi chiếm khoảng 30% tổng sản lượng đánh bắt.
Theo tính toán của các chuyên gia về ngành thuỷ sản của tỉnh Tây Ninh, nếu đầu tư mỗi năm khoảng 1 tỷ đồng, thả từ 1,5 đến 2 triệu con cá giống vào hồ, trong đó tăng cường thả các loại cá quý hiếm, có giá trị cao như: cá Chép, Lăng Nha, Bống Tượng, Thát Lát Cườm, cá Tra Dầu, cá Hộ,… đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ, khai thác hợp lý trong vòng ba năm, thì sản lượng cá trong hồ Dầu Tiếng sẽ dễ dàng tăng lên mức 3.000 tấn/năm. Trong thời gian gần đây, theo kết quả nghiên cứu của Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Tây Ninh thì trong hồ Dầu Tiếng đã có xuất hiện thêm các loài cá mới như cá Chốt Sọc, cá Măng, cá Heo (lớn cỡ hai ngón tay) và một số lượng nhỏ cá Nóc Hổ (còn được gọi là cá Nóc béo) với chất lượng thịt rất thơm ngon nhưng không có độc tố như cá Nóc biển. Điều này đã chứng tỏ rằng, môi trường tự nhiên trong khu vực hồ Dầu Tiếng đã và tiếp tục được cải thiện, hứa hẹn sẽ phát triển thêm nhiều chủng loại thuỷ sản mới có
giá trị, đa dạng, góp phần nâng cao sự đa dạng về chủng loại, sản lượng, đồng thời góp phần nâng cao mức sống cho người dân trong khu vực.
Tuy nhiên, cùng với việc phục hồi tốt của nguồn lợi thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng trong thời gian qua, một vấn đề được đặt ra là song song với các chính sách cần thiết như tiếp tục thả cá giống thì cũng cần xây dựng một cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thuỷ sản trong hồ một cách có hiệu quả nhất, nhằm phục vụ cuộc sống người dân đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn lợi thuỷ sản ở đây. Như vậy, có thể xem xét việc thành lập một cơ quan chuyên trách, với đầy đủ khả năng, quyền hạn và một khung pháp lý đủ mạnh cho việc quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản trong hồ.
Với nguồn lợi thuỷ sản khá đa dạng về chủng loại và nhiều về số lượng như trên. Hiện nay vùng hồ Dầu Tiếng là trọng điểm của ngành ngư nghiệp tỉnh Tây Ninh, với gần 1.000 phương tiện khai thác và khoảng hơn 1.000 lao động tham gia đánh bắt thuỷ sản trong hồ, nhiều gia đình đã sống bằng nghề khai thác thuỷ sản trong lòng hồ.
Ngoài ra, với lợi thế về tiềm năng thuỷ sản như trên, thì hồ Dầu Tiếng được xem là một điều kiện lý tưởng để xây dựng và phát triển mạnh hoạt động du lịch câu cá phục vụ thư giãn, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.