Đặc điểm PHGN của các HND KG là sự phản ánh những nét tiêu biểu từ cấu trúc bên trong đến hình thức biểu hiện bên ngoài của sự phân hóa. PHGN ở đây không nằm ngoài hoặc bên trên PHGN trong xã hội mà được xem như một bộ phận chủ yếu của nó. Hiện nay, PHGN ở KG đang nổi lên những đặc điểm cơ bản sau:
Một là: PHGN của các HND KG ngoài đặc điểm chung như ở các địa phương khác trong cả nước, có những nét riêng. Đó là các tiêu chí về mặt định lượng thường được xác định cao hơn so với chuẩn mực chung của cả nước. Điều này do sự phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Kiên Giang nói riêng mà có
Hai là: PHGN của các HND KG thể hiện rất rõ theo địa bàn lãnh thổ theo phân vùng sinh thái. Điều đó chịu ảnh hưởng của yếu tố địa lý tự nhiên, điều kiện sản xuất và đời sống của vùng này. Những địa bàn sản xuất và đời sống khó khăn thì ở đó sự PHGN của các HND diễn ra càng mạnh mẽ. Do đó bức tranh về PHGN trên các địa bàn sinh thái của các HND Kiên Giang càng đa dạng mà các vùng địa phương khác không có
Ba là: PHGN của các HND KG còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa và cơ cấu thành phần dân tộc. Cộng đồng người Hoa vốn đoàn kết và có kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh doanh nên HND thành phần dân tộc này có tỷ lệ hộ nghèo là thấp nhất. Ngược lại, HND người Khmer có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Bên cạnh đó, HND trong cộng đồng người Bắc di cư ở Tân Hiệp, Hòn Đất.. cũng có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn. Từ đó, hình thành những gam màu sắc khác nhau trong phân hóa giàu nghèo.
Bốn là, PHGN của các HND KG là khác nhau trong các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp khác nhau. Hiện nay trong nông nghiệp KG còn nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác: tổ đoàn kết, tập đoàn sản xuất, HTX nông nghiệp và kinh tế trang trại, nông trại. Một điều dễ hiểu là trong kinh tế hộ cá thể, người nông dân dễ bị tổn thương nhất. Rất nhiều những nguy cơ như thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, thiếu hiểu biết tổ chức quản lý, thiếu thông tin, thiếu thị trường.... luôn đặt toàn bộ cơ nghiệp của họ đối mặt với những nguy cơ đó mà nếu không vượt qua được, họ như "rơi ở trạng thái tự do" xuống nghèo khổ. Vì thế, tỷ lệ hộ giàu ở đây là thấp, ngược lại tỷ lệ hộ nghèo là cao. Điều đó ít xảy ra trong HND của kinh tế hợp tác. Trong các HTX sản xuất nông nghiệp hiện nay mà tiêu biểu như HTX Kinh Tư A ở xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, số hộ nghèo còn lại chỉ chừng dăm bảy hộ, còn lại từ trung bình trở lên. HTX còn chủ trương xây dựng hệ thống giao thông thủy bộ theo kiểu phố làng, bê tông hóa hệ thống kênh mương thủy lợi. Đương nhiên, kết cấu hạ tầng khác như trường học, trạm y tế, trụ sở xã ấp, nhà thờ khá khang trang. Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng... là những huyện đã và đang có kinh tế HTX ngày càng phát triển. Nhờ đó góp phần giảm bớt PHGN trong nông nghiệp, nông thôn KG.
Năm là, PHGN của các HND KG chịu ảnh hưởng to lớn của các nhân tố chính trị xã hội, sự lãnh đạo quản lý của Đảng và chính quyền các cấp. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân KG luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong các chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thực hiện chủ trương này, những năm qua sản xuất và đời sống của HND không ngừng được nâng lên, nhiều cơ sở vật chất hạ tầng được tu bổ, xây dựng. Điều đó làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn KG thay đổi lớn lao.
Việc thực hiện thắng lợi các chính sách kinh tế xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo có một ý nghĩa lớn lao trong việc giải bài toán về PHGN nhất là đối với HND KG. Kể từ khi thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh năm 1993 đến nay, dưới tác động của các chủ trương biện pháp mà BCĐ các cấp đưa ra, số hộ nghèo nói chung và số HND nghèo nói riêng liên tục giảm [40], năm 1999 còn 11% so với mục tiêu 10% vào cuối năm 2000 mà Đại hội VI Đảng bộ tỉnh đề ra. Số HND nghèo
càng giảm đi, số HND đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng lên minh họa cho nhận định nói trên [43].