Xác định nguyên nhân của PHGN cũng chính là xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng giàu - nghèo của các HND. Vấn đề ở đây cũng chính là việc tìm và trả lời cho câu hỏi vì sao nghèo, vì sao giàu?
Vì sao các HND lâm vào nghèo đói ?
Những nguyên nhân của PHGN theo một số công trình nghiên cứu, có thể do những tác động sau: do bản thân người nghèo, hộ nghèo; do điều kiện tự nhiên và môi trường và do thể chế, chính sách lạc hậu. Các công trình đều nhất trí rằng, nghèo đói của các HND do một phức hệ các nguyên nhân kinh tế và xã hội, khách quan và chủ quan.
Thực tiễn ở nông thôn nhiều địa phương trong cả nước cho thấy, HND nghèo chủ yếu là những hộ thuần nông, không có nghề phụ, ở những địa bàn khó khăn về vị trí địa lý, đất đai thổ nhưỡng cằn cỗi chật hẹp, phèn mặn, khí hậu khắc nghiệt... Mặt khác, trong nhiều trường hợp HND trở thành người nghèo, hộ nghèo còn do thiên tai, bệnh tật thất thường, hoặc do việc điều chỉnh đất đai bất hợp lý.
Như vậy, để xác định nguyên nhân của vấn đề này, cần xác định theo các nhóm sau:
Nhóm 1: Là những nguyên nhân từ bản thân các cá nhân và HND, phổ biến là: "Thiếu hoặc không có vốn; đông con, ít lao động; không đủ năng lực tổ chức sản xuất -
kinh doanh, yếu kém kỹ thuật thâm canh..; chi tiêu không kế hoạch, lãng phí, lười biếng, rượu chè, cờ bạc..." [14, 84]. Có tác giả còn xếp vào nhóm này nguyên nhân: trình độ văn hóa thấp [50, 44]; phong tục tập quán lạc hậu [19]; nhóm này cho thấy: nghèo đói là do những nguyên nhân chủ quan.
Nhóm 2: Phản ánh những nguyên nhân khách quan - là những nguyên nhân được xét từ những điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội chưa thuận lợi cho quá trình sản xuất và đời sống của HND. Chẳng hạn, về nguyên nhân tự nhiên, có thể liệt kê như sau: Đất canh tác ít; đất cằn cỗi, sỏi đá, phèn mặn, vị trí xa xôi hẻo lánh; thời tiết khí hậu không thuận lợi cho sản xuất, canh tác; giao thông vận chuyển khó khăn...
Những nguyên nhân xã hội là những nguyên nhân liên quan đến chính sách cơ chế của Nhà nước và tác động của cộng đồng đối với hộ nghèo và vấn đề nghèo đói. Ví dụ, chính quyền trung ương, địa phương chưa xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm; chưa có chính sách điều chỉnh ruộng đất hợp lý; do thiếu thị trường, giá cả thị trường không ổn định, giá nông sản thấp khó tiêu thụ, bị ép cấp, ép giá, giá vật tư phân bón cao; chưa có biện pháp hành chính, giáo dục thích đáng để hạn chế các tệ nạn xã hội;... [31, 219].
Nhóm 3: Là nhóm các hộ nghèo đói do các nguyên nhân kết hợp. Các nhóm 1, 2 nêu trên là những nguyên nhân trực tiếp có tính chất chủ quan và khách quan, kết hợp lại tạo thành ba dạng nguyên nhân gây nghèo đói. Chẳng hạn: Vì mắc các tệ nạn xã hội; thiếu ruộng đất, do bị thu hồi điều chỉnh bớt ruộng đất; do không biết làm gì khác ngoài nghề nông...
Gần đây, chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo giai đoạn 1998 - 2000 đã xác định những nguyên nhân chính và phân thành ba nhóm:
* Nhóm nguyên nhân do điều kiện tự nhiên không thuận lợi: khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, bão lụt, hạn hán, sâu bệnh, đất đai cằn cỗi, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn đã và đang kìm hãm sản xuất, gây ra tình trạng nghèo đói.
* Nhóm nguyên nhân do chủ quan của người nghèo: thiếu vốn, đông con, thiếu lao động, không có việc làm, thiếu kiến thức làm ăn, mắc các tệ nạn xã hội hay lười lao động.
* Nhóm nguyên nhân thuộc về cơ chế chính sách: thiếu hoặc không đồng bộ về chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu vực khó khăn, chính sách khuyến khích sản xuất, vốn tín dụng, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, lâm, ngư, chính sách giáo dục đào tạo, y tế, giải quyết đất đai, định canh định cư, kinh tế mới và nguồn lực đầu tư còn hạn chế... [8, 7].
Đây là những nguyên nhân mang tính tổng hợp phổ quát cho mọi địa phương, mọi tầng lớp xã hội, dĩ nhiên với mỗi đối tượng cụ thể, có thể có một nguyên nhân đóng vai trò chủ đạo.
Vì sao có những HND trở nên giàu có ?
Qua khảo sát nghiên cứu, có thể thấy được những nguyên nhân cơ bản làm cho nhiều hộ giàu lên như sau:
- Do thích ứng nhanh với cơ chế mới trong sản xuất - kinh doanh, những cá nhân và HND biết tính toán, tổ chức điều hành, làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao. Họ không chỉ làm nông nghiệp mà còn biết làm nhiều nghề khác nữa như buôn bán, dịch vụ, làm quản lý... Thu nhập từ đó không những đủ trang trải chi dùng thường ngày trong gia đình, mà còn dùng để mua sắm tài sản, mở rộng sản xuất và tích lũy.
- Do họ gặp được cơ hội, tranh thủ được thời cơ, thuận đạt, may mắn trong sản xuất và cuộc sống, hoặc vốn dĩ gia đình thân nhân có điểm xuất phát đã khá giả.
- Cũng có một bộ phận nhỏ các HND giàu lên nhờ có người thân sống và làm việc ở nước ngoài thường tài trợ. Nhờ đó mà họ có thêm điều kiện cho sản xuất kinh doanh và tăng thêm thu nhập.
Tóm lại, quy mô, tốc độ cũng như động thái của sự PHGN giữa các HND do nhiều nguyên nhân, chịu sự chi phối tác động của nhiều nhân tố khác nhau, có thể xếp vào hai nhóm nhân tố chính sau đây:
* Nhóm nhân tố tự nhiên và xã hội. Đó là những nhân tố thuộc về môi trường, và các điều kiện sinh tồn gắn với từng cá nhân và hộ gia đình trong những thời điểm lịch sử nhất định. Theo đó, PHGN là tự nhiên, khó thay đổi vì tính nhẫn nhục, cam chịu của các HND, như thói quen tập tục của cộng đồng" [22, 34].
* Nhóm nhân tố về chính trị - xã hội: Cơ chế chính sách là những nhân tố, những công cụ tác động của thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở. Đó là mục tiêu chính trị của giai cấp cầm quyền, quan điểm nhận thức, phương thức, phương pháp giải quyết, xử lý vấn đề công bằng xã hội của hệ thống chính trị.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) của Đảng ta đã đề ra trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội coi mục tiêu cao nhất là vì con người và do con người, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh. Chính những điều này thể hiện và quán triệt trong mọi văn kiện chỉ đạo và thực hiện của Đảng và chính quyền các cấp. PHGN của các HND cũng như với các đối tượng khác trong xã hội nước ta chịu tác động, chi phối của nhân tố này cả về quy mô, mức độ, xu hướng.