CÔNG NGHỆ, TRANG THIẾT BỊ

Một phần của tài liệu Quản trị dự án đầu tư (Trang 43 - 45)

1. Khái niệm công nghệ.

Công nghệ là những phương thức, phương tiện, quy trình được sử dụng nhằm chuyển hoá các nguồn lực thành sản phẩm hàng hóa. Theo quy ước thống nhất của các tổ chức quốc tế về công nghệ thì công nghệ gồm bốn thành phần:

- Công nghệ thể hiện bằng vật thể được gọi là phương tiện hoặc phần kỹ thuật (“phần cứng” của công nghệ), bao gồm công cụ, thiết bị và cơ sở hạ tầng.

- Công nghệ thể hiện ở con người - thành phần trung tâm của công nghệ. Đó là tri thức, kiến thức, kỹ xảo, khả năng sáng tạo và kinh nghiệm của cá nhân hoặc tập thể được cụ thể hoá qua việc sử dụng, vận hành, điều khiển dây chuyền thiết bị (phần “con người” của công nghệ).

- Công nghệ thể hiện ở các tài liệu nhằm cung cấp các thông tin về các quá trình, quy trình, kỹ thuật, thủ thuật, phương pháp, tính năng kỹ thuật, các mối liên hệ được mô tả trong các tài liệu, các ấn phẩm, các bản thiết kế, thuyết minh,…(phần “thông tin” của công nghệ).

- Công nghệ thể hiện ở thể chế hay là cơ cấu tổ chức. Mục đích của việc bố trí, sắp xếp các thành phần của cơ cấu tổ chức là nhằm tạo điều kiện phù hợp nhất cho việc kết hợp có hiệu quả các phương tiện, năng lực và thông tin. Như vậy, phần “tổ chức” của công nghệ bao gồm các quy trình quản lý, cách sắp xếp tổ chức và các mối liên kết, liên hệ giữa các thành phần của cơ cấu tổ chức trong quá trình kết hợp ba thành phần trên của công nghệ.

2. Phân tích lựa chọn công nghệ cho dự án.

Các yêu cầu cơ bản phải xem xét khi lựa chọn công nghệ:

- Đảm bảo sản xuất được sản phẩm đạt chất lượng như yêu cầu đặt ra của dự án.

- Phù hợp với nguyên liệu và năng lượng sử dụng.

- Đánh giá trình độ, khả năng tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả công nghệ được lựa chọn của cán bộ quản lý sản xuất và công nhân.

- Khả năng tài chính của doanh nghiệp.

- Mức độ ảnh hưởng của công nghệ tới môi trường.

Sau khi đã phân tích các vấn đề trên, trước khi đưa ra quyết định lựa chọn công nghệ cho dự án, nhà đầu tư phải tiếp tục xem xét những nội dung cụ thể dưới đây với một số lưu ý sau:

- Nên xây dựng nhiều phương án khác nhau để có thể so sánh lựa chọn. Với mỗi phương án phải xác định được quy trình công nghệ, quy trình sản xuất (trong dự án có thể kèm theo sơ đồ quy trình công nghệ chủ yếu), đánh giá mức độ hiện đại, các ưu việt và hạn chế của công nghệ lựa chọn thông qua sự so sánh các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật như khả năng sản xuất được các sản phẩm có chất lượng, khả năng sử dụng hợp lý tài nguyên, mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhân công, mức đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, bảo vệ môi trường…

- Cần làm rõ các vấn đề về chuyển giao bí quyết, chuyển giao công nghệ, giá cả công nghệ, phương thức thanh toán; các điều kiện tiếp nhận chuyển giao; các cam kết về hướng dẫn lắp đặt, vận hành, về đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật; cam kết về bảo đảm quyền sở hữu công nghệ và việc sử dụng tên hoặc các dấu hiệu thương mại;…

- Đặc biệt chú ý đến tác động môi trường của công nghệ lựa chọn.

3. Lựa chọn trang thiết bị.

Quyết định lựa chọn máy móc thiết bị phụ thuộc trước hết vào quyết định về công nghệ. Trên cơ sở công nghệ đã xác định nhà đầu tư dự kiến các loại máy móc thiết bị phù hợp có thể được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau.

Năng suất và chất lượng của sản phẩm phụ thuộc phần lớn vào máy móc thiết bị. Cho dù công nhân có tay nghề cao, nguyên vật liệu đầu vào tốt nhưng thiết bị kém chất lượng thì năng suất sản xuấr và chất lượng sản phẩm khó có thể cao. Như vậy, có thể thấy việc lựa chọn thiết bị thích hợp là một khâu rất quan trọng trong kế hoạch đầu tư của dự án. Nói chung, khi lựa chọn thiết bị cần chú ý đến các yếu tố sau:

- Yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

- Công suất dự kiến của dự án.

- Đặc tính của nguyên vật liệu sử dụng cho dự án.

- Tay nghề của công nhân.

- Khả năng về nguồn vốn.

- Khả năng tiếp cận với các nhà cung cấp thiết bị trong và ngoài nước. Và dưới đây là một số tiêu chuẩn để lựa chọn máy móc thiết bị cho dự án:

- Nhà cung cấp máy móc thiết bị phải có uy tín.

- Máy móc thiết bị phải đồng bộ; phụ tùng thay thế phải dễ kiếm.

- Giá cả của máy móc thiết bị phải chăng.

- Máy móc thiết bị phải phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Sau khi đã chọn được máy móc thiết bị cho dự án phải lập bảng liệt kê, mô tả đầy đủ, chi tiết theo các căn cứ để lựa chọn được trình bày ở trên. Trong bảng liệt kê máy móc thiết bị cần chia thành hai nhóm gồm các loại thiết bị mua trong nước và các loại thiết bị được nhập khẩu. Sau đó cần sắp xếp chúng theo các loại như dưới đây:

- Máy móc thiết bị chính trực tiếp sản xuất.

- Thiết bị phụ trợ.

- Thiết bị và dụng cụ điện.

- Máy móc thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng, dụng cụ phòng thí nghiệm.

- Thiết bị và dụng cụ sửa chữa, phụ tùng thay thế.

- Thiết bị an toàn, bảo hộ lao động, phòng cháy chữa cháy

- Thiết bị xử lý chất thải.

- Các loại xe chuyên dụng, xe đưa đón công nhân, xe con, xe tải.

- Các loại thiết bị khác.

Các thiết bị được lựa chọn phải được mô tả kỹ trên các khía cạnh sau:

- Nguồn cung cấp, mẫu mã, số lượng, đơn giá.

- Các tính năng, thông số kỹ thuật, đặc tính kỹ thuật.

- Điều kiện và kế hoạch lắp đặt, kế hoạch vận hành thử, điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế.

- Điều kiện về đào tạo kỹ thuật.

Ngoài ra, cần chú ý đến hao mòn vô hình của các thiết bị, tức là phải xét đến tuổi thọ của chúng để làm căn cứ ước đoán giá trị còn lại của thiết bị sau khi kết thúc vòng đời của dự án.

Cần lưu ý, việc lựa chọn thiết bị cần phải qua quá trình phân tích, tính toán, so sánh các chỉ tiêu của các phương án (tối thiểu là hai phương án) trên tất cả các mặt. Trên cơ sở các kết quả tính được, lựa chọn công nghệ, thiết bị thích hợp, tối ưu nhất.

Một phần của tài liệu Quản trị dự án đầu tư (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)