Đối với các dự án đầu tư mới của các cá nhân, tổ chức nhưng chưa hình thành tư cách pháp nhân thì cần thiết phải thành lập doanh nghiệp. Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào có ảnh hưởng đến dự án đầu tư, nhất là trong quá trình thực hiện dự án và trong suốt vòng đời của dự án trên các mặt sau:
- Mức độ mà chủ sở hữu có thể tham gia vào việc ra quyết định.
- Các nghĩa vụ của chủ sở hữu doanh nghiệp.
- Mức độ khó hay dễ trong việc chuyển nhượng các phần vốn.
- Khả năng huy động các nguồn vốn.
- Thời hạn hoạt động của doanh nghiệp.
Mỗi loại hình doanh nghiệp có những ưu điểm và hạn chế khác nhau. Dựa trên sự phân tích các ưu nhược điểm này mà chủ đầu tư quyết định lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể và khả năng của mình. Theo pháp luật hiện hành, ở Việt Nam hiện có các loại hình doanh nghiệp sau:
- Doanh nghiệp nhà nước.
- Doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty hợp danh.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Công ty cổ phần.
Ngoài ra còn một số loại hình khác như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh hay nhóm kinh doanh.
Các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp cũng có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp của mình theo quy định của pháp luật.
Và một số loại hình đặc thù như các cơ sở giáo dục, đào tạo tư thục, dân lập, bán công; cơ sở y tế tư nhân, dân lập; cơ sở văn hóa dân tộc được thành lập và hoạt động hợp pháp.