XÂY DỰNG NHÀ XƯỞNG, CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC

Một phần của tài liệu Quản trị dự án đầu tư (Trang 50 - 52)

1. Xác định nhu cầu về nhà xưởng, công trình kiến trúc.

Nhà xưởng, công trình kiến trúc của dự án bao gồm các hạng mục xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động bình thường của dự án, đồng thời có dự tính đến khả năng phát triển quy mô dự án trong tương lai.

Để xác định các hạng mục công trình xây dựng phải căn cứ vào đặc điểm kỹ thuật của máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nhu cầu dự trữ nguyên vật liệu, cất trữ bán thành phẩm, thành phẩm, nhu cầu về số lượng lao động sẽ sử dụng và cơ sở hạ tầng sẵn có. Các hạng mục công trình có thể bao gồm:

- Văn phòng, các phân xưởng sản xuất chính, phụ, nhà kho.

- Hệ thống cơ sở hạ tầng nội bộ: hệ thống cấp nước, điện, chiếu sáng, điều hoà không khí, thông tin liên lạc, hệ thống giao thông nội bộ, sân bãi đậu xe, bến đỗ, bốc dỡ hàng các loại, nhà ăn, phòng thay quần áo, khu giải trí, nhà vệ sinh, hệ thống phòng cháy chữa cháy, cây xanh, tường rào,…

- Hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

2. Nguyên tắc bố trí và xây dựng nhà xưởng.

Việc dự kiến nhu cầu và bố trí xây dựng nhà xưởng, các công trình kiến trúc là tuỳ thuộc từng dự án cụ thể nhưng cần chú ý đến các nguyên tắc chung sau đây:

- Phù hợp với công nghệ và thiết bị đã được chọn sao cho đảm bảo các khâu của quy trình công nghệ được thực hiện liên tục và kế tiếp nhau theo đúng sơ đồ công nghệ.

- Đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động, các quy định về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ, bụi, độ thông thoáng,…

- Đảm bảo độ bền công trình phù hợp với cấp công trình.

- Bố trí văn phòng, xưởng sản xuất, kho bãi tiện lợi, hợp lý.

- Thỏa mãn các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, phòng gian bảo mật.

3. Tổ chức xây dựng.

Trước khi tiến hành xây dựng cần xác định các hạng mục công trình thực hiện theo phương thức tự làm, các hạng mục phải thuê bên ngoài hay đấu thầu. Đối với các công việc phải đấu thầu cần xác định hình thức, điều kiện đấu thầu, chọn nhà thầu thiết kế, nhà thầu xây dựng.

Các công việc cụ thể cần hoàn tất trước khi tiến hành xây dựng:

- Lập bản vẽ toàn bộ mặt bằng.

- Lên bản vẽ thiết kế của từng hạng mục công trình, phối cảnh.

- Xác định cấp hạng các hạng mục công trình.

- Lựa chọn các giải pháp kết cấu, vật liệu.

- Lựa chọn các giải pháp về kỹ thuật và thiết bị thi công.

- Xác định tiến độ thi công và thể hiện trên sơ đồ GANTT hoặc sơ đồ PERT.

- Lập bảng dự trù nguyên vật liệu, xe máy thi công, lịch trình huy động.

- Các biện pháp an toàn trong thi công.

- Lập bảng khái toán chi phí xây dựng theo đơn giá tổng hợp theo quy định hiện hành của nhà nước hoặc theo đơn giá của các đơn vị thiết kế, thi công. Trường hợp không có chỉ tiêu tổng hợp thì phải xác định chi phí xây dựng công trình trên cơ sở khối lượng công trình, khối lượng và giá cả vật tư, số lượng ca máy thi công và đơn giá mỗi ca máy, khối lượng và đơn giá lao động xây dựng, có xét đến các tỷ lệ, hệ số được quy định trong hướng dẫn lập dự toán công trình (theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng).

Sau khi đã phân tích, tính toán như trên, trong phần nội dung về xây dựng và kiến trúc của dự án trình bày rõ các điểm sau:

1/ Khối lượng các hạng mục:

Tên hạng mục Đơn vị tính Quy mô Đơn giá Thành tiền I. Các hạng mục xây dựng mới

II. Các hạng mục sửa chữa, cải tạo …

Tổng cộng

(Các hạng mục có các bản vẽ thiết kế kèm theo nếu cần thiết, các hạng mục có kết cấu đặc biệt cần có chú thích giải trình về quy cách)

2/ Sơ đồ tổng mặt bằng xây dựng. 3/ Tổng tiến độ xây dựng.

4/ Các giải pháp xây dựng: kết cấu, xây dựng tầng cao, an toàn. 5/ Những yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật và thiết bị xây lắp đặc biệt. 6/ Nhu cầu, nguồn và lịch trình cung ứng nguyên vật liệu xây dựng.

7/ Hình thức và điều kiện đấu thầu thiết kế, đấu thầu mua sắm thiết bị và đấu thầu xây lắp.

Một phần của tài liệu Quản trị dự án đầu tư (Trang 50 - 52)