4. Kết quả và thảo luận
4.1.2. Kết quả điều tra tình hình tiêu chảy ở lợn theo lứa tuổ
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, hội chứng tiêu chảy xảy ra ở tất cả các lứa tuổi nhưng ở mỗi lứa tuổi tỷ lệ mắc có khác nhau.
Từ kết quả điều tra tổng hợp trong bảng 4.2 của chúng tôi về tình hình tiêu chảy ở đàn lợn nuôi tại huyện Yên Định trong hai kiểu chuồng nuôi cũng cho thấy, ở cả hai kiểu chuồng nuôi nhóm tuổi sơ sinh đến cai sữa tỷ lệ mắc hội chứng tiêu chảy cao hơn so với nhóm từ cai sữa – 60 ngày tuổi.
Cụ thể ở kiểu chuồng sàn: Lợn từ sơ sinh – cai sữa , điều tra 7634 con, có 2128 con bị tiêu chảy với tỷ lệ bị tiêu chảy là 27,88 %; tỷ lệ chết do tiêu chảy là 1,91%.
Lợn cai sữa - 60 ngày tuổi, điều tra 6499 con, tỷ lệ bị tiêu chảy 18,63%; tỷ lệ chết do tiêu chảy là 0,86%.
ở kiểu chuồng nền: Lợn từ sơ sinh – cai sữa , điều tra 7183, có 2866 con bị tiêu chảy với tỷ lệ bị tiêu chảy là 39,90 %; tỷ lệ chết do tiêu chảy là 2,84%.
Lợn cai sữa - 60 ngày tuổi, điều tra 6288 con, tỷ lệ bị tiêu chảy 21,79%; tỷ lệ chết do tiêu chảy là 1,19%.
Từ các số liệu trên chúng tôi nhận thấy:
- Xét về lứa tuổi cho thấy lợn ở các lứa tuổi khác nhau, tỷ lệ tiêu chảy và tỷ lệ chết khác nhau. Nguyên nhân là do ở mỗi giai đoạn sinh trưởng phát triển, vật nuôi có những đặc điểm sinh lý, đặc điểm tiêu hoá, khả năng đề kháng với các tác nhân gây bệnh cũng khác nhau nên tỷ lệ bệnh cũng khác nhau.
Giai đoạn sơ sinh – cai sữa: là giai đoạn lợn con theo mẹ, sở dĩ giai đoạn này có tỷ lệ tiêu chảy cao là do đặc điểm sinh lý của lợn con, trong cơ thể mẹ lợn con nhận được các điều kiện lý tưởng về nhiệt, độ ẩm, dinh dưỡng và sự bảo vệ gần như tuyệt đối của buồng tử cung. Khi ra khỏi cơ thể mẹ, ngay lập tức cơ thể yếu ớt của lợn con phải chống chịu với hàng loạt các tác nhân gây bệnh của môi trường đặc biệt là nhiệt độ và độ ẩm, trong khi cơ chế điều tiết thân nhiệt của lợn con chưa hoàn chỉnh, lượng Glycozen dự trữ ít, lớp mỡ dưới da mỏng, lông thưa thớt, bộ máy tiêu hóa chưa hoàn thiện, dịch dạ dày ít ,chưa có men Pepsin do vậy chưa có khả năng tiêu hóa hoàn toàn thức ăn. Lượng kháng thể truyền qua sữa mẹ ngày càng giảm, nhất là lợn con dưới 21 ngày tuổi, điều tiết thân nhiệt chủ yếu bằng sự tiêu tốn glucoza nên sức đề kháng giảm, dễ nhiễm bệnh đường tiêu hóa.
Mặt khác lợn con sơ sinh chưa hình thành chắc chắn và ổn định hệ vi khuẩn đường ruột do vậy dễ bị rối loạn tiêu hoá.
Giai đoạn từ cai sữa – 60 ngày tuổi: chức năng các hệ cơ quan đã hoàn chỉnh hơn, bộ máy tiêu hóa của lợn con đã tương đối hoàn thiện, có khả năng tiêu hóa hoàn toàn thức ăn, pH ở trong dạ dày ở 45 ngày tuổi thấp đã ức chế được các loại vi khuẩn gây bệnh trong đường tiêu hóa, nhưng là thời điểm lợn con cai sữa, chuyển đổi khẩu phần ăn, từ thức ăn tập ăn và bú sữa mẹ sang ăn thức ăn hoàn toàn. Thực tế điều tra cho thấy thay đổi khẩu phần ăn, kỹ thuật cai sữa, thay đổi môi trường sống là yếu tố stress tác động gây bệnh. Theo kết quả theo dõi của chúng tôi, tỷ lệ tiêu chảy tập chung chủ yếu sau cai sữa 2-3 ngày.
- Xét về tỷ lệ mắc hội chứng tiêu chảy ở lợn nuôi trong các kiểu chuồng khác nhau cho thấy: Lợn nuôi trong chuồng sàn tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ chết thấp hơn so với lợn nuôi trong chuồng nền ở cả hai nhóm tuổi. Nguyên nhân đã được trình bày ở phần 4.1.1.
Đặc biệt nhóm tuổi từ sơ sinh – cai sữa tỷ lệ tiêu chảy ở kiểu chuồng sàn là 27,88%, trong khi đó lợn nuôi trong chuồng nền có tỷ lệ mắc cao hơn nhiều 39,90% (gấp 1,43 lần), sự sai khác này có ý nghĩa P < 0,05. Điều này phù hợp với những đặc điểm sinh lý của lợn con đã trình bày ở trên bởi điều kiện ngoại cảnh, chuồng trại và vệ sinh chuồng trại là một trong những nguyên nhân gây bệnh, lợn con là đối tượng chịu tác động của điều kiện ngoại cảnh mạnh nhất bởi các phản ứng thích nghi và bảo vệ của cơ thể còn rất yếu.
Với nhóm tuổi từ cai sữa – 60 ngày tuổi: chúng tôi nhận thấy tỷ lệ bệnh có giảm đi qua các năm và lợn nuôi trong chuồng sàn có tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết thấp hơn (18,63% và 0,86%) so với kiểu chuồng nền (21,79% và 1,19%), sự sai khác này có ý nghĩa P < 0,05. Điều đó là hợp lý bởi ở kiểu chuồng sàn, sau khi cai sữa lợn vẫn được nuôi trên chuồng sàn do vậy không bị tác động bởi sự thay đổi điều kiện chuồng trại. Thêm nữa qua theo dõi chúng tôi thấy một số cơ
sở chăn nuôi đã xây dựng được quy trình chu chuyển đàn hợp lý nên đã giảm được các yếu tố stress tác động, tỷ lệ bệnh giảm.
Còn ở kiểu chuồng nền, tại một số địa điểm điều tra cho thấy lợn con theo mẹ nuôi trên chuồng sàn, sau khi cai sữa được chuyển xuống nuôi trong chuồng nền. Sự thay đổi khẩu phần ăn, kỹ thuật cai sữa, thêm vào đó là thay đổi điều kiện chuồng trại là những nhân tố tác động gây bệnh và làm cho tỷ lệ mắc ở nhóm tuổi này trong chuồng nền cao hơn.
Bảng 4.2: Kết quả điều tra tình hình hội chứng tiêu chảy ở lợn các lứa tuổi khác nhau Kiểu Chuồng Tuổi lợn Năm Sàn Nền Số điều
Bị tiêu chảy Chết do tiêu chảy Số điều tra
Bị tiêu chảy Chết do tiêu chảy Số mắc (con) Tỷ lệ (%) Số chết (con) Tỷ lệ (%) Số mắc (con) Tỷ lệ (%) Số chết (con) Tỷ lệ (%) Sơ sinh – cai sữa 2006 2934 824 28,08 63 2,15 2700 1086 40,22 80 2,96 2007 3126 864 27,64 55 1,76 2854 1120 39,24 74 2,59 2008 1574 440 27,95 28 1,79 1629 660 40,52 50 3,07 Tổng hợp 7634 2128 27,88 146 1,91 7183 2866 39,90 204 2,84 Cai sữa – 60 ngày tuổi 2006 2510 512 20,39 26 1,04 2280 534 23,42 30 1,31 2007 2652 470 17,72 19 0,87 2700 560 20,74 31 1,15 2008 1337 229 17,13 11 0,82 1308 276 21,10 14 1,07 Tổng hợp 6499 1214 18,63 56 0,86 6288 1370 21,79 75 1,19
Kết quả nghiên cứu tỷ lệ mắc tiêu chảy ở lợn nuôi kiểu chuồng nền của chúng tôi thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Hoàng Văn Tuấn (1998) [63] theo dõi tình hình tiêu chảy ở lợn ngoại tại trại lợn Thiệu Yên- Thanh Hoá. Tác giả đã cho biết tỷ lệ lợn con theo mẹ bị tiêu chảy là 80%, ở lợn sau cai sữa là 31,7%. Tỷ lệ chết do tiêu chảy ở lợn con theo mẹ là 12,18% và lợn con sau cai sữa là 3,57%. Lí do là trong thời điểm tác giả nghiên cứu (1996-1998) lợn ngoại mới được đưa vào nuôi tại Thanh Hoá. Người chăn nuôi chưa có kinh nghiệm nuôi lợn ngoại bởi ngoài những ưu điểm vượt trội về tầm vóc, tăng trọng nhanh, tỷ lệ nạc cao,chăn nuôi lợn ngoại cũng yêu cầu điều kiện chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, chất lượng thức ăn hợp lý. Trong khi đó chuồng nuôi chủ yếu là chuồng kiểu K64 dùng nuôi lợn nội,thức ăn công nghiệp còn khan hiếm,lợn ngoại lại kém chịu đựng sự kham khổ, dễ bị bệnh khi kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng không hợp lý, lợn lại chưa được nuôi qua thích nghi nên kém chống chịu với các yếu tố bất lợi như chuồng trại,thời tiết khí hậu, thức ăn không đẩm bảo chất lượng, tỷ lệ mắc bệnh cao.
Hình 4.2: So sánh tỷ lệ lợn bị tiêu chảy ở các lứa tuổi lợn nuôi trong hai kiểu chuồng
Tô Thị Phượng (2006)[43], cho biết lợn 1-21 ngày nuôi ở chuồng sàn, tỷ lệ lợn bị tiêu chảy là 28,92%, tỷ lệ chết là 1,83%; nuôi ở chuồng nền tỷ lệ 41,69% và 2,40%. Tương tự, lợn 22-60 ngày tuổi nuôi ở chuồng sàn là 15,16% và 0,88%; ở chuồng nền là 21,26% và 1,16%. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với những kết quả nghiên cứu của tác giả.
Hình 4.2 cho thấy tỷ lệ tiêu chảy xảy ở lợn nuôi trong chuồng nền cao hơn ở lợn nuôi trong chuồng sàn ở cả hai lứa tuổi nghiên cứu trong đó lợn ở lứa tuổi sơ sinh – cai sữa có tỷ lệ mắc cao hơn lứa tuổi cai sữa – 60 ngày tuổi ở cả hai kiểu chuồng nuôi.
Từ kết quả điều tra tình hình tiêu chảy ở lợn cho thấy, tỷ lệ lợn bị bệnh tiêu chảy khác nhau ở các lứa tuổi và khác ở hai kiểu chuồng nuôi. Điều này cho thấy tỷ lệ tiêu chảy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: mức độ nhiễm khuẩn, điều kiện ngoại cảnh …trong đó có chuồng trại và vệ sinh chuồng trại.