Chất lượng sản phẩm
Cũng như các doanh nghiệp chế biến điều trên đất nước Việt Nam, công ty Long Sơn kinh doanh trên nguồn nguyên liệu điều tốt nhất thế giới. Rất nhiều khách hàng lớn trên thế giới cho rằng chất lượng điều Việt Nam đứng hàng đầu trong các nước trồng điều, nếu giá thu mua các nước bằng nhau thì họ sẽ ưu tiên mua hàng của các công ty Việt Nam. Quả thực như vậy, điều Việt Nam khi chiên lên có vị ngọt, thơm, bùi trong khi điều các nước khác không thể có hương vị như vậy. Thậm chí điều của họ còn có vị chua, chất lượng kém hơn hẳn. Hương vị là đặc điểm nổi trội của mặt hàng điều Việt Nam, cũng như điều của công ty Long Sơn trên thị trường Mỹ và thế giới.Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta nguồn cung cấp điều trong nước không phục vụ đủ cho nhu cầu xuất khẩu của các nhà máy, lượng điều thô nhập khẩu từ châu Phi càng ngày càng tăng. Đó là tình hình chung của cả ngành cũng như tình hình riêng của công ty. Chính vì vậy điều nhân xuất khẩu có chất lượng không đồng đều mặc dù vẫn thuộc loại tốt trên thị trường.
Mặc dù công ty rất quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng quy trình sản xuất mới đáp ứng những yêu cầu quan trọng mà khách hàng đưa ra mà chưa thực hiện theo tiêu các tiêu chuẩn HACCP, ISO 9002. Trong khi đó sản phẩm của nhiều công ty đối thủ đã có chứng nhận này từ vài năm nay. Như vậy, mặc dù sản phẩm của công ty chưa bị khách hàng phàn nàn về vệ sinh nhưng vẫn
kém cạnh tranh hơn sản phẩm của những công ty đã được cấp chứng chỉ quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giá cả sản phẩm
Thông thường trên thị trường điều, giá cả của những công ty có uy tín lâu năm cao hơn giá của những công ty nhỏ, chưa có tên tuổi với khách hàng quốc tế. Đó cũng là điều dễ hiểu trong kinh doanh, đó là khoản tiền phải trả cho sự đảm bảo. Công ty Long Sơn là công ty đã xây dựng được thương hiệu của mình trên thị trường điều nhân quốc tế, nên giá của công ty thường cao hơn mức giá trung bình 1 cent đến 2 cent /pound, đặc biệt là những hàng cao cấp nhân trắng.Tuy nhiên mức giá này vẫn có sức cạnh tranh do thấp hơn giá của điều Brazil và Ấn Độ,
Bảng 2.5. So sánh giá của công ty Long Sơn với giá điều xuất khẩu vào của thị trường Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam
Năm
Giá trung bình của công ty
(USD/tấn)
Giá trung bình của Việt Nam
(USD/tấn)
Chênh lệch giá công ty so với giá trung bình
củaViệt Nam (%)
2004 4.087 4.058 +0,71
2005 4.461 4.448 +0,29
2006 3.982 3.966 +0,40
2007 4.365 4.335 +0,69
Nguồn: Phòng kinh doanh điều và www.usitc.com
Thương hiệu sản phẩm
Bắt đầu hoạt động từ năm 2000, mặc dầu muộn hơn so với nhiều doanh nghiệp khác nhưng với định hướng xây dựng thương hiệu ngay từ đầu, đến nay tên tuổi công ty đã lấy được lòng tin của các nhà nhập khẩu quốc tế, chưa bao giờ bội tín với khách hàng. Trong ngành điều, chuyện các công ty chế biến ký hợp đồng giao sau, nhưng đến thời hạn giá trên thị trường lên cao hơn giá trong hợp đồng thì không giao hàng, ép khách hàng phải mua với giá giao sau cao hơn là chuyện "cơm bữa".Và "số doanh nghiệp Việt Nam làm ăn uy tín chỉ đếm trên đầu ngón tay" theo như nhận xét của các nhà nhập khẩu. Khách hàng mua điều nhân rất quan tâm đến giải thưởng "Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín" của Bộ Công thương
Việt Nam bình chọn có tham khảo ý kiến của các nhà nhập khẩu quốc tế. Năm 2007 có 12 doanh nghiệp điều được nhận giải thưởng này, trong đó có công ty Long Sơn. Năm 2006 thương vụ Việt Nam ở Úc đã đề cử công ty Long Sơn cho
giải thưởng “2006 BUSINESS EXCELLENCE AWARDS”.Giải thưởng này do
Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế, Báo Thương Mại, Thương Mại điện tử phối hợp cùng với 54 Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại các nước và khu vực thực hiện. Và công ty Long Sơn cùng với 18 doanh nghiệp kinh doanh trong các ngành khác nhau được bình chọn là " Doanh nghiệp Xuất khẩu mặt hàng/nhóm mặt hàng có tính cạnh tranh cao". Trong năm 2007 vừa rồi, trong cuộc họp của các nhà môi giới điều tại Việt Nam bình chọn doanh nghiệp xuất khẩu điều uy tín, công ty Long Sơn không bị một phiếu bất tín nhiệm nào. Thương hiệu là một lợi thế nổi bật của mặt hàng điều của công ty Long Sơn, để có được sự công nhận này là cả quá trình nỗ lực lớn của công ty. Nhưng do phần lớn khách hàng của công ty là các nhà nhập khẩu nên tên tuổi công ty chưa được người tiêu dùng trên thị trường Mỹ biết đến, đây là điều mà công ty cần khắc phục.
Độ đa dạng về chủng loại của sản phẩm
Sự đa dạng là điểm yếu của sản phẩm điều của công ty. Mặc dù hạt điều có thể chế biến thành rất nhiều loại thực phẩm nhưng sản phẩm điều của công ty rất đơn điệu, đa số là điều nhân- sản phẩm có giá trị gia tăng thấp và một ít điều chiên muối. Mặc dù cơ cấu sản phẩm điều chiên có tăng trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa đáng kể. Sản phẩm điều chiên mới bán nội địa và xuất khẩu sang Úc, chưa thâm nhập được vào thị trường Mỹ. Hiện nay, đã có hai doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu điều chiên vào thị trường Mỹ đó là công ty TNHH Nhật Huy và công ty TNHH Nam Long. Sản phẩm điều chiên của những công ty này khá đa dạng : điều chiên muối, điều chiên mật ong, điều chiên gia vị,...Hiện nay trên thị trường Mỹ có khá nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ hạt điều, không ít trong số đó là của các công ty điều Brazil và Ấn Độ. Những sản phẩm này có giá trị cao hơn nhiều so với điều nhân và không bị phụ thuộc
nhiều vào sự biến động giá điều thế giới. Để nâng cao năng lực cạnh tranh mặt hàng điều trên thị trường Mỹ, công ty cần khắc phục điểm yếu này.
Phân phối sản phẩm
Đây là cũng là điểm kém cạnh tranh của sản phẩm công ty. Hiện tại trên thị trường Mỹ phân phối sản phẩm chỉ mới dừng lại ở các nhà nhập khẩu chưa tiếu cận được với nhà bán lẻ, các siêu thị, chưa tiếp cận được người tiêu dùng cuối cùng. Thực tế này xuất phát từ sản phẩm chủ yếu của công ty là điều nhân, không phải là những sản phẩm tiêu dùng ngay.Chính vì thế mà công ty khó có thể tiếp cận được với người tiêu dùng để xác định nhu cầu của họ.
Tóm lại, sản phẩm của công ty có ưu thế về giá cả, chất lượng, uy tín tuy nhiên chưa thâm nhập sâu vào thị trường, độ đa dạng và kênh phân phối kém. Do vậy có thể đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm của công ty trên thị trường Mỹ thuộc loại trung bình, cần phải tạo thêm sự khác biệt cho sản phẩm.Việc khắc phục những điểm yếu này để nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm là hết sức cần thiết, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế Mỹ suy thoái hiện nay.