Phát triển CNCBNS trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế của các chủ thể tham gia sản xuất nguyên liệu chế biến tiêu thụ sản phẩm

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở tỉnh Tiền Giang hiện nay doc (Trang 64 - 65)

2. Những yếu kém

3.1.4. Phát triển CNCBNS trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế của các chủ thể tham gia sản xuất nguyên liệu chế biến tiêu thụ sản phẩm

chủ thể tham gia sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ sản phẩm

Lợi ích kinh tế là mục tiêu cao nhất của mọi chủ thể kinh tế. Lợi ích đó được thể hiện bằng lợi nhuận mà chủ thể thu được trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Xuất phát từ mối quan hệ giữa các khâu sản xuất nguyên liệu - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, để tạo động lực cho từng chủ thể thì vấn đề có tính nguyên tắc là phải xử lý đúng đắn mối quan hệ lợi ích giữa ba chủ thể, bảo đảm sao cho từng chủ thể đạt được mục tiêu lợi nhuận của mình. Người sản xuất nguyên liệu (trong điều kiện bình thường, không bị thiên tai) phải có lãi sau khi trừ tất cả các chi phí để có thể tái sản xuất mở rộng. Các cơ sở chế biến đảm bảo thực hiện được nguyên tắc lấy thu bù chi và có lợi nhuận thỏa đáng để tích lũy tái sản xuất mở rộng. Người hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nhất thiết phải thu được lợi nhuận thương nghiệp. Trong xử lý mối quan hệ lợi ích phải đảm bảo sao cho mỗi chủ thể đều đạt được lợi nhuận thỏa đáng, khắc phục sự cạnh tranh chèn ép, bắt chẹt nhau làm cho người này bị thiệt trong khi người kia được lợi.

Để đảm bảo xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích như đã nêu trên, có thể thực hiện theo phương hướng:

- Xây dựng mối liên kết, hợp tác giữa các chủ thể thông qua các hợp đồng kinh tế, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo lợi ích của các chủ thể trước pháp luật. Mỗi chủ thể xuất phát từ điều kiện, khả năng của mình mà tham gia ký kết hợp đồng kinh tế, đảm bảo cho các chủ thể khác có nguyên liệu chế biến, có nơi tiêu thụ ổn định. Có thể rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình liên kết bằng hợp đồng kinh tế của Xí nghiệp Liên hiệp xuất khẩu rau quả và Công ty Lương thực tỉnh đã làm trong thời gian qua. Xí nghiệp Liên hiệp xuất khẩu rau quả có hai nông trường trồng khóm, cung cấp khóm nguyên liệu cho nhà máy chế biến, nhưng thường không đủ nguyên liệu. Xí nghiệp đã ký hợp đồng với nông dân trồng khóm huyện Tân Phước để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy. Xí nghiệp đầu tư ứng trước một phần chi phí, bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận. Người trồng khóm phải đảm bảo cung cấp số lượng theo hợp đồng với chất lượng khóm đã thỏa thuận trước. Công ty Lương thực tỉnh cũng ký hợp đồng kinh tế, đầu tư ứng trước một phần chi phí và bao tiêu lúa đặc sản của nông dân Chợ Gạo, Gò Công. Qua liên kết bằng hợp đồng mà lợi ích của xí nghiệp, công ty và người nông dân đều được đảm bảo.

- Hình thành các đơn vị kinh tế khép kín từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong mối quan hệ khép kín đó, chủ thể mỗi khâu phải tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất - kinh doanh của mình trên cơ sở điều hòa, giúp đỡ và ràng buộc lẫn nhau, đảm bảo sự hoạt động ổn định và lợi ích thỏa đáng trong từng khâu. Đây là mô hình đòi hỏi vốn đầu tư lớn và trình độ tổ chức - quản lý cao.

Trong nền kinh tế thị trường, sản xuất và lưu thông hàng hóa chịu sự tác động mạnh mẽ của các quy luật giá trị, cung - cầu, cạnh tranh... nên việc liên kết nhằm đảm bảo xử lý hài hòa về lợi ích kinh tế của chủ thể các khâu sản xuất nguyên liệu - chế biến và tiêu thụ sản phẩm là yêu cầu khách quan để CNCBNS phát triển ổn định, vững chắc, đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở tỉnh Tiền Giang hiện nay doc (Trang 64 - 65)