Về phương hướng sản xuất nguyên liệu nông sản

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở tỉnh Tiền Giang hiện nay doc (Trang 59 - 60)

2. Những yếu kém

3.1.3.1. Về phương hướng sản xuất nguyên liệu nông sản

Triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 6 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về phát triển nông nghiệp - nông thôn, ngành nông nghiệp Tiền Giang xác định phương hướng: "Xây dựng kinh tế nông nghiệp - nông thôn phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp - thủ công nghiệp và dịch vụ nông thôn; trong đó tập trung đẩy mạnh việc hình thành các vùng chuyên canh, áp dụng kỹ thuật thâm canh - tăng năng suất cây trồng, vật nuôi là thế mạnh của tỉnh để gia tăng sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, sản lượng lớn, phục vụ CNCB và xuất khẩu" [36, 69].

Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2010, hàng năm sản xuất nông nghiệp có thể cung cấp cho CNCB các sản phẩm nguyên liệu chủ yếu như sau:

+ Thóc: 1,2 triệu tấn/năm, trong đó sử dụng cho chế biến gạo xuất khẩu khoảng 500.000 tấn.

+ Trái cây các loại khoảng 450.000 tấn trong tổng sản lượng 600.000 tấn.

Để đạt các mục tiêu trên, phương hướng phát triển sản xuất nông nghiệp nên xác định như sau:

- Đối với nhóm cây lương thực (chủ yếu là lúa): ưu tiên phát triển theo chiều sâu, ổn định sản lượng nhưng chú ý nâng cao chất lượng, nhất là chất lượng lương thực xuất khẩu. Cây lúa, đến 2010, ổn định diện tích khoảng 100.000 ha, năng suất 5,36 tấn/ha/vụ, sản lượng 1,2 - 1,3 triệu tấn. Cây ngô, sắn, khoai lang, đến năm 2010 có diện tích khoảng 5.000 ha, tổng sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm (tăng chút ít so với năm 1999).

- Đối với cây ăn quả các loại: Nghiên cứu phát triển mạnh các giống cây có giá trị kinh tế cao, tiếp tục đẩy mạnh cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên trên toàn bộ diện tích vườn của tỉnh, dự kiến đến 2010 trên 50.000 ha, tổng sản lượng khoảng 500.000 - 600.000 tấn.

- Đối với nhóm cây công nghiệp: Tiếp tục đầu tư khai thác phát triển vùng đất phèn Đồng Tháp Mười thành vùng chuyên canh cây công nghiệp. Trong đó, nâng diện tích khóm (dứa) lên khoảng 8.000 - 10.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm; Cây mía, tùy tình hình thị trường, thời gian tới có thể nâng diện tích khoảng 2.000 ha (gấp đôi 1999), sản lượng 100.000 tấn, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đường trong tỉnh. Cây dừa ổn định diện tích từ 10.000 - 11.000 ha, sản lượng 50.000 - 60.000 tấn (bằng năm 1998, 1999).

Thời gian tới cần đẩy mạnh việc cung ứng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt lưu ý những vấn đề sau đây:

+ Đưa vào sản xuất bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, đáp ứng yêu cầu của CNCB.

+ Xây dựng hệ thống nông lịch gieo trồng thích hợp cho từng vùng đất đai (tránh phèn, tránh lũ và mặn) để cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh trong thời gian có điều kiện ngoại cảnh tốt nhất, giảm thiểu các rủi ro của tự nhiên.

+ Tiến hành rộng khắp phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM), tránh ô nhiễm môi trường, tránh tồn trữ chất độc hại trong nông sản.

+ Tổ chức tốt các dịch vụ làm đất, bơm nước, tuốt lúa, đặc biệt là dịch vụ sau thu hoạch (phơi, sấy) để bảo quản lúa gạo, trái cây, giảm tỷ lệ hao hụt và đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho khâu chế biến tiếp theo.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở tỉnh Tiền Giang hiện nay doc (Trang 59 - 60)