- Tỉnh có 26 cơ sở chế biến đường mật mía và 14 cơ sở sản xuất đường kết tinh, tổng vốn đầu tư 3,288 tỷ đồng. Đa số các cơ sở được xây dựng từ những năm 80, quy mô nhỏ, thiết bị giản đơn, tỷ lệ thành phẩm thấp và không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm.
Cũng như ngành mía đường cả nước, trong vài năm lại đây, ngành mía đường Tiền Giang gặp rất nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, sản xuất có xu hướng giảm dần. Năm 1996 sản lượng 10.988 tấn, năm 1997 giảm còn 7.566 tấn, năm 1998 còn 4.084, giảm hơn 50% so với năm 1996.
- Nguồn nguyên liệu nông sản của tỉnh còn được dùng để chế biến các sản phẩm tinh bột và bánh kẹo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh và tham gia thị trường các tỉnh, thành phố khác. Sản phẩm được chế biến từ tinh bột có hủ tiếu, bánh phở, bún, bánh
tráng... Toàn tỉnh có 304 cơ sở chế biến với vốn đầu tư 7,157 tỷ đồng. Sản xuất bánh, mứt, kẹo có 134 cơ sở với tổng vốn đầu tư 4,522 tỷ.
Những cơ sở này phân bố ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, đa số sản xuất với quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ giản đơn theo hộ gia đình mang tính chất truyền thống. Những năm gần đây do thị trường bất lợi nên sản xuất giảm liên tục. Năm 1996 sản lượng 2.819 tấn (bao gồm các sản phẩm tinh bột và bánh kẹo các loại), năm 1997 giảm còn 2.266 tấn, năm 1998 còn 2.101 tấn.
Vì vậy để duy trì, phát triển ngành sản xuất chế biến này, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội, vừa tạo công ăn việc làm cho một lượng đáng kể lao động của địa phương, qua đó tăng sức tiêu thụ nguyên liệu nông sản thì phải tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở đầu tư cải tiến, nâng cấp, đổi mới máy móc trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời phải chú trọng bảo đảm vệ sinh công nghiệp, vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Có vậy mới cạnh tranh được trên thị trường.