2. Nguồn lực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của Tỉnh Phú Thọ
2.2.1 Đặc điểm địa hình:
Phú Thọ là tỉnh miền núi nên có đặc điểm địa hình chia cắt tương đối mạnh do nằm cuối dãy Hoàng Liên Sơn, nơi chuyển tiếp giữa miền núi cao và miền núi
thấp, gò đồi, độ cao giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Địa hình Phú Thọ được chia làm 2 tiểu vùng:
- Tiểu vùng miền núi (gồm các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hoà và một phần của huyện Cẩm Khê): diện tích 182.475,82 ha, dân số khoảng 418.266 người, mật độ dân số 228 người/km2; có độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 200 - 500 m. Là vùng đang khó khăn về giao thông và dân trí còn thấp lại nhiều dân tộc nên việc khai thác tiềm năng nông lâm khoáng sản... để phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế.
- Tiểu vùng trung du, đồng bằng (gồm thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Thuỷ, Tam Nông, Đoan Hùng và phần còn lại của huyện Cẩm Khê, Hạ Hoà). Diện tích tự nhiên 169.489,5 ha, dân số khoảng 884.734 người, mật độ 519 người/ km2, có độ cao trung bình so với mực nước biển từ 50 - 200m. Là tiểu vùng có kinh tế - xã hội phát triển, có nhiều khu, cụm, điểm công nghiệp, thuận lợi cho việc trồng các cây nguyên liệu giấy, cây công nghiệp dài ngày như chè, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Tuy nhiên, đã xuất hiện hiện tượng đất bị thoái hóa ở một vài nơi, còn dải đất ven sông lại màu mỡ. thuận lợi cho phát triển chè, đậu tương, lạc, vừng, cây ăn quả, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản..., là tiểu vùng thuận lợi về điều kiện giao thông vận tải, có đất đai phù hợp cho phát triển khu công nghiệp và đô thị.
Tóm lại, với địa hình đa dạng, vừa có miền núi, vừa có trung du và đồng bằng ven sông, đã tạo ra nguồn đất đai đa dạng, phong phú để phát triển DNNVV. Tuy nhiên do địa hình chia cắt, mức độ cao thấp khác nhau nên việc đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, phát triển hạ tầng để phát triển DNNVV phải đầu tư tốn kém nhất là giao thông, thuỷ lợi, cấp điện, cấp nước.