Phát triển HTXNN kiểu mới ở Thái Bình trong những năm tới phải hướng vào đổi mới mạnh mẽ nhận thức của xã hội về lợi ích, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các HTXNN trong tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn
thể các cấp đối với quá trình phát triển HTXNN kiểu mới; lợi ích, trách nhiệm, quyền hạn, nghĩa vụ của người nông dân khi tham gia HTXNN; nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước về phát triển HTX nói chung và HTXNN nói riêng. Thực hiện được yêu cầu đó, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.
Để phát huy tác dụng của công tác này, cần sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, giải thích phù hợp với từng loại đối tượng; tài liệu tuyên truyền gồm nhiều loại, với nhiều cấp độ khác nhau. Thí dụ, tài liệu dưới hình thức ngắn gọn, đơn giản như: Hỏi đáp về Luật HTX, về các văn bản hướng dẫn thi hành v.v... Thực hiện xã hội hóa các tài liệu, kết quả nghiên cứu về HTXNN để cung cấp cho cán bộ các cấp trực tiếp chỉ đạo về công tác này.
Mục tiêu cụ thể của công tác tuyên truyền là:
Thứ nhất, giúp mọi người nắm được sự cần thiết khách quan phải phát triển
HTXNN kiểu mới trong quá trình phát triển nền nông nghiệp hàng hóa; mối quan hệ biện chứng giữa trình độ phát triển sản xuất hàng hóa trong nông nghiệp với quá trình hình thành, phát triển của HTX kiểu mới trong nông nghiệp; những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới về HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thứ hai, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật HTX và các văn bản
hướng dẫn của Nhà nước, giúp mọi người phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa hai mô hình HTX "kiểu cũ" và "kiểu mới". Mục đích, yêu cầu, tác dụng và các bước tiến hành cần thiết của quá trình chuyển đổi, xây dựng HTXNN kiểu mới. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với HTXNN. Tránh lặp lại những hạn chế như: chuyển đổi hình thức, chạy theo phong trào, "hợp tác xã cả làng", v.v... Ngược lại, không thể vì những sai lầm trong quá trình hợp tác hóa trước đây mà kỳ thị với HTXNN kiểu mới.
Tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi, xây dựng HTXNN kiểu mới theo đúng Luật HTX. Đồng thời, phải coi trọng việc tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và nhân rộng các
mô hình có hiệu quả. Công việc này trước hết phải do cơ sở thực hiện, kết hợp với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và các cơ sở nghiên cứu. Cùng với việc làm trên, cần chú ý tổ chức cho đại diện cán bộ HTXNN, nông dân đi tham quan thực tế các mô hình HTXNN hoạt động có hiệu quả ở các địa phương khác để học tập, rút kinh nghiệm. Trên cơ sở theo dõi, tổng kết thực tiễn chuyển đổi, phát triển các HTXNN kiểu mới trong tỉnh và các địa phương khác, kịp thời điều chỉnh công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện Luật HTX để đạt được hiệu quả cao.