nông nghiệp, nông thôn và CNH, HĐH của tỉnh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Thái Bình là một tỉnh nông nghiệp lạc hậu với hơn 90% dân số sống dựa vào nông nghiệp, nông thôn, nhiệm vụ CNH, HĐH trước hết được quy về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
CNH, HĐH nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng thành tựu KHCN, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường. CNH, HĐH nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động của các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân nông thôn.
Từ nội dung tổng quát của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cả nước, căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn Thái Bình trong những năm tới có các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
+ Chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Quy vùng sản xuất lúa chất lượng cao để có sản lượng tập trung phục vụ xuất khẩu. Nghiên cứu chọn lọc, tiếp thu bộ giống cây, giống con có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất, tạo ra giá trị kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.
+ Ưu tiên phát triển mạnh mẽ và toàn diện kinh tế biển, bao gồm: nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến, dịch vụ, du lịch và vận tải. Trong những năm tới cần tập trung cao cho nuôi trồng hải sản. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mô hình thâm canh. Khai thác hết diện tích đầm, bãi bồi; chuyển một phần đất nhiễm mặn, đất làm muối hiệu quả thấp sang làm đầm nuôi tôm sú, tôm xảo, cua, ngao và các loại hải sản khác có giá trị kinh tế cao.
+ Phát triển mạnh mẽ nghề và làng nghề chú trọng đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường. Duy trì phát triển các nghề mới để thu hút ngày càng nhiều lao động vào các làng nghề, tạo điều kiện phân bố lại lao động trong nông nghiệp nông thôn giảm số hộ thuần nông.
+ Triền khai xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung. Lựa chọn các ngành, các sản phẩm có thế mạnh để phát triển sản xuất. Đầu tư xây dựng cơ sở cấp đông ở các huyện, thành phố, phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu, phát triển thêm một số cơ sản xuất công nghiệp thu hút nhiều lao động.
+ Mở mang các dịch vụ kinh tế và kỹ thuật như tưới tiêu, chế biến, vật tư, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ KHCN…
+ Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn như điện, đường, trường, trạm, công trình phục vụ sản xuất chế biến, lưu thông sản phẩm, công trình văn hóa, tiến tới đô thị hóa nông thôn…
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn vừa là điều kiện hình thành, phát triển các HTXNN với các mô hình phù hợp, đồng thời cũng là mục tiêu phát triển các HTXNN của tỉnh. Do vậy, phát triển các HTXNN phải hướng vào thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ mà CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đặt ra, đồng thời phải căn cứ vào mức độ thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đó trên thực tế ở từng địa bàn cụ thể để xây dựng các mô hình
HTXNN phù hợp.
Mặt khác, trong thời gian tới, nước ta chủ động mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tình hình đó đặt nền kinh tế đất nước, trong đó có các HTXNN trước những thời cơ và thách thức mới. Để đứng vững và phát triển trong bối cảnh đó, các HTXNN phải được chuẩn bị về nhiều mặt, từ lựa chọn lĩnh vực hoạt động, mô hình tổ chức, đội ngũ cán bộ, khả năng về tài chính đến các mối liên kết kinh tế…