hợp kết hợp với chuyên môn hóa theo ngành, vùng
Thực tiễn phát triển các HTXNN ở nước ta và các nước trên thế giới cho thấy, khi nền sản xuất nông nghiệp mang tính tự cấp, tự túc thì nhu cầu hợp tác của các hộ nông dân còn thấp, giản đơn, quy mô nhỏ và chỉ ở một vài khâu của chu trình sản xuất nông nghiệp, do vậy, các tổ chức hợp tác của họ thường rất đơn giản, quy mô nhỏ như tổ đổi công, vần công, khuyến nông… Khi nền nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa thì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của người nông dân sẽ càng rõ rệt, do đó, nhu cầu hợp tác trong sản xuất - kinh doanh của họ ngày càng cao và phong phú cả về nội dung và hình thức, bao trùm tất cả các khâu của quy trình sản xuất nông nghiệp, từ đầu vào đến đầu ra. Lúc này, hình thức và nội dung hoạt động của các HTXNN sẽ phong phú và mở rộng hơn.
Kinh nghiệm thực tiễn cũng cho thấy, các HTXNN phải được tổ chức ở những khâu, những lĩnh vực mà HTX làm tốt hơn hộ gia đình, tốt hơn tư nhân, tốt hơn DNNN. Do đó, lựa chọn ngành nào, khâu nào, ở quy mô nào, dưới hình thức nào để HTXNN làm là việc hết sức quan trọng. Việc lựa chọn đó phải được tiến hành trên cơ sở đánh giá những ngành, mặt hàng có thế mạnh truyền thống hoặc tiềm năng của địa phương, dựa vào điều kiện sản xuất thực tế ở địa phương, khả năng hiện có của HTX về vốn, về tổ chức bộ máy,
cán bộ kỹ thuật và quản lý… Trong đó, cán bộ là khâu rất quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả của HTX.
Hiện nay, các HTXNN trước hết cần tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các thành viên, từng bước mở rộng ngành nghề, sản xuất - kinh doanh tổng hợp. Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết giữa các HTXNN với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là với doanh nghiệp nhà nước. Khi các HTXNN phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các liên hiệp HTX.
Thái Bình là tỉnh có hệ thống các HTXNN hình thành sớm, sau khi thực hiện Chính sách khoán 10 trong nông nghiệp, các HTXNN của tỉnh đều chuyển sang hoạt động dịch vụ nông nghiệp. Từ khi triển khai thực hiện Luật HTX đến nay, 99% số HTXNN của tỉnh đã thực hiện chuyển đổi theo Luật. Với điều kiện nhất định về cơ sở vật chất - kỹ thuật, vốn, quỹ, các HTXNN tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao số lượng và chất lượng các hoạt động dịch vụ nông nghiệp cho hộ nông dân, tổ chức chế biến và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn Thái Bình đang dư thừa một lực lượng lao động khá lớn. Đây là một trong những nguyên nhân hạn chế nhu cầu hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong điều kiện sản xuất còn manh mún, mang tính tự cung tự cấp. Do vậy, để phát triển mạnh được, các HTXNN ở Thái Bình phải đi vào sản xuất - kinh doanh, dịch vụ tổng hợp, hướng đến phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch…trên địa bàn nông thôn, góp phần thu hút lực lượng lao động dư thừa từ nông nghiệp, nông thôn; làm gia tăng nhu cầu hợp tác trong sản xuất nông nghiệp.