II. Một số giải pháp chủ yếu phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát ở Việt Nam
1. Nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
1.2. Giải pháp về thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu
1.2.1. Giải pháp về thị trường
Do thị trường luôn biến động nên các doanh nghiệp trong ngành Bia – Rượu – Nước giải khát cần xây dựng chiến lược kinh doanh, tổ chức nghiên cứu thị trường để nắm bắt được nhu cầu và thị hiếu khách hàng. Đặc biệt đối với sản phẩm của ngành Bia – Rượu – Nước giải khát, thói quen và “gu” tiêu dùng rất quan trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, do vậy cần nghiên cứu kỹ những yếu tố này để có giải pháp hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu, giữ vững và phát triển thị phần.
Doanh nghiệp nên xây dựng và phát triển tốt hệ thống đại lý và tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của các chi nhánh nhằm tăng tính chủ động trong kinh doanh. Doanh nghiệp cần tham khảo, học hỏi các mô hình phân phối hiện đại của
các tập đoàn hàng đầu thế giới. Chẳng hạn như ở Việt Nam hiện nay, Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) đã tổ chức được hệ thống sản xuất và phân phối theo hướng chuyên môn hóa: các nhà máy chuyên về sản xuất sản phẩm, hệ thống 9 công ty thương mại, 1000 nhà phân phối chuyên về phân phối bán hàng, đồng thời đang có kế hoạch đưa mảng marketing về hệ thống này. Đây chính là một trong những lý do thành công trong việc giữ vững và mở rộng thị phần của SABECO.
Nghiên cứu phương thức quảng bá hình ảnh của sản phẩm và doanh nghiệp một cách hiệu quả cũng là việc rất cần thiết. Tích cực tham gia các giải thưởng, các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm là một trong những hoạt động quảng bá có hiệu quả.
Các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường, tích cực tìm hiểu, tìm cơ hội xuất khẩu vào các thị trường mới, có tiềm năng. Bên cạnh đó, tích cực tận dụng vai trò của thương nhân Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát thâm nhập thị trường, nhất là những khu vực có cộng đồng người Việt sinh sống.
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát cần tổ chức tốt mạng lưới thông tin dự báo tình hình thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa để cung cấp cho các hội viên và doanh nghiệp.
1.2.2. Giải pháp về xây dựng và bảo vệ thương hiệu
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt, thương hiệu chính là tài sản vô hình nhưng rất lớn của doanh nghiệp. Thực tế phát triển thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp không có thương hiệu rất khó phát triển và tồn tại. Tuy nhiên xây dựng được thương hiệu nổi tiếng và có uy tín vô cùng khó khăn, nó không chỉ đòi hỏi nhiều chi phí, thời gian mà còn nhiều điều kiện khác nữa. Bởi
vậy các doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của mình.
Đối với các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, thói quen và thị hiếu chi phối mạnh đến quyết định tiêu dùng sản phẩm. Bởi vậy, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này nên dựa trên cơ sở truyền thống, bản sắc dân tộc và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với các thương hiệu Việt đã nổi tiếng, có uy tín trong nước như Bia Sài Gòn, bia Hà Nội, rượu vodka Hà Nội, Lúa mới, vang Thăng Long, vang Đà Lạt, nước khoáng Lavie, Vĩnh Hảo…cần có chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, mở rộng sản xuất để giữ vững và phát triển thị phần. Củng cố và phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm bảo đảm tin cậy, thuận lợi, uy tín với khách hàng. Đặc biệt các doanh nghiệp cần chủ động đưa ra các biện pháp để chống lại việc bị làm giả, làm nhái sản phẩm của mình như cải tiến mẫu mã sản phẩm, dán tem chống hàng giả…Kinh nghiệm đối với sản phẩm nước uống tinh khiết Joy của Coca Cola, với việc đầu tư dây chuyền sản xuất chai có dập chữ nổi lên vỏ chai, sản phẩm này đã ít bị làm giả và làm nhái đi rất nhiều.