Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý tài chính ở Đại học Đà Nẵng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pot (Trang 58 - 61)

IV. Chi khoa học công nghệ (11-01) 7.135.000.000 V Chi thực hiện chương trình mục tiêu 6.600.000

2.2.2.Những hạn chế và nguyên nhân

Hiện nay Bộ đã phân cấp cho Đại học vùng một số công việc để giảm nhẹ thủ tục hành chính, theo cơ cấu tổ chức hiện nay, khi phân cấp trong nội bộ Đại học vùng nếu không tính toán kỹ thì sẽ có một cấp trung gian vừa thừa lại vừa thiếu chức năng, cần nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm mô hình Đại học vùng để từ đó có sự phân cấp hợp lý giữa Bộ và Đại học vùng, giữa Đại học vùng với các Trường thành viên và đặc biệt trong quản lý tài chính và tự chủ tài chính. Từ những nghiên cứu phân tích ở trên, ta thấy việc quản lý tài chính ở Đại học Đà Nẵng còn một số hạn chế sau:

- Nguồn NSNN cấp cho Đại học Đà Nẵng tăng hằng năm, nhưng nhìn chung chỉ đủ nhu cầu chi thường xuyên, chưa có chiến lược, định hướng, biện pháp tổ chức thực hiện và quản lý theo kế hoạch để đáp ứng mục tiêu đào tạo của Nhà trường trong dài hạn, đặc biệt là trong thời kỳ Đại học Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng mô hình trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực như định hướng của Đại học Đà Nẵng, từ nay đến năm 2015.

- Nguồn tài chính của Đại học Đà Nẵng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn NSNN cấp hằng năm. Nguồn kinh phí do trường tự huy động còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Định mức thu học phí như hiện nay không đáp ứng được yêu cầu tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong khi đó, nhu cầu học tập của xã hội ngày càng tăng cao, đặc biệt là khi Đại học Đà Nẵng xây dựng và thực hiện mô hình trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực và phạm vi tuyển sinh mở rộng trên cả nước, song với nguồn NSNN tăng chậm, do vậy sẽ không đáp ứng được nhu cầu chi cho quy mô đào tạo vượt chỉ tiêu Nhà nước giao. Nguồn thu từ hoạt động sản xuất, hợp tác và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chiếm tỷ trọng thấp. Các nguồn thu khác từ hoạt động hợp tác, đào tạo quốc tế còn ít, điều này cũng cho thấy trường chưa khai thác hết tiềm lực hiện có, cả về khả năng của đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng như tận dụng các trang thiết bị hiện có. Việc phân bổ giữa các nội dung chi cũng chưa hợp lý, chưa đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Chính sách chi cũng còn nhiều bất cập, chưa tạo ra cơ cấu chi cân đối hợp lý giữa các ngành đào tạo, giữa chi thường xuyên với chi cho xây dựng cơ bản, chi cho các chương trình mục tiêu và chi cho cơ sở vật chất trang thiết bị.

- Việc khai thác các nguồn ngoài ngân sách nhà nước cũng còn nhiều bất cập, chưa có kế hoạch, định hướng rõ nét về các nguồn gốc có thể khai thác và hướng sử dụng các nguồn này. Điều này ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách của Trường. Do vậy, việc nâng cao đời sống cho cán bộ, giảng viên đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ còn chưa được quan tâm. Việc thực hiện Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các trường Đại học đã được triển khai áp dụng và đạt được một số kết quả nhất định. Đại học Đà Nẵng đã khai thác được các nguồn tài chính từ bên ngoài phục vụ cho giảng dạy và học tập, tạo lập các mối quan hệ liên doanh, liên kết với các cơ sở sản xuất trong, ngoài thành phố và khu vực… Tuy nhiên, Đại học Đà Nẵng chưa tạo được cơ chế ổn định để tăng cường sự quản lý tài chính cũng như cơ chế quản lý và khai thác cơ sở vật chất, trang thiết bị có hiệu quả. Mặt khác, cán bộ tài chính - kế toán còn chưa đáp ứng được yêu cầu mới của cơ chế quản lý tài chính theo hướng tăng cường tính tự chủ của trường như hiện nay, chưa đáp ứng được chức năng tham mưu về tài chính cho Ban Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, việc phân phối chênh lệch thu-chi hằng năm còn ít, chưa trích lập các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp dùng để đầu tư phát triển nâng cao hoạt động sự nghiệp, bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị, nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, trợ giúp thêm đào tạo, huấn luyện, nâng cao tay nghề, năng lực công tác cho cán bộ giảng viên của Đại học Đà Nẵng.

* Những nguyên nhân chủ yếu: Nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục - đào tạo còn hạn hẹp, mới chỉ chiếm khoảng 16%, trong khi tại các nước Asean vào những năm 90 tỷ lệ đầu tư cho giáo dục - đào tạo đã là từ 20-22 %. Xét mức bình quân đầu người, Việt Nam đạt 7-8USD/người; mức chi đó chỉ bằng 1/29 so với Hàn Quốc và 1/22 so với Malaisia; 1/8 so với Thái Lan…

Việc xã hội hoá giáo dục chưa được thể chế hoá bằng văn bản pháp luật nên chưa tạo được hành lang pháp lý cho việc huy động và sử dụng nguồn tài chính huy động được một cách có hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy đã được đầu tư nâng cấp, nhưng vẫn chưa đáp ứng được với sự phát triển và sự gia tăng về quy mô sinh viên. Vì vậy, tình trạng phổ biến hiện nay vẫn là dạy và học chay, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng đào tạo của Đại học Đà Nẵng.

Việc nhận thức về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Nghị định 10 còn chưa đầy đủ, do đó tạo tâm lý lo ngại sau khi được giao quyền tự chủ, NSNN cấp sẽ giảm đi, chất lượng đào tạo sẽ giảm hoặc hạn chế phúc lợi trong thu nhập của Đại học Đà Nẵng. Mặt khác các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 10/NĐ-CP còn chưa đồng bộ, còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Việc phân cấp vẫn chưa xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các đơn vị dự toán trong cơ chế tự chủ tài chính, đặc biệt là đối với các trường Đại học vùng và cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Để việc tự chủ đi đôi với việc tự chịu trách nhiệm, mặt khác việc tự chủ tài chính trong điều kiện quy định về mức học phí và chỉ tiêu đào tạo vẫn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định, gây rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm đủ nguồn thu cho các hoạt động của Đại học Đà Nẵng.

Đội ngũ cán bộ quản lý tài chính - kế toán còn chưa đáp ứng được xu hướng mới về quản lý tài chính theo hướng xã hội hoá giáo dục và tự chủ tài chính. Mặt khác, việc hiện đại hoá cơ sở vật chất và tin học hoá các hoạt động quản lý tài chính chưa được chú trọng và cũng chưa phát huy hiệu quả do hạn chế về năng lực, trình độ của cán bộ quản lý tài chính.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý tài chính ở Đại học Đà Nẵng - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pot (Trang 58 - 61)