Kết quả nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển tổng thể phát triển du lịch Hải Dương đến 2020 cho phép rút ra một số kết luận cơ bản sau đây:
1. Về hiện trạng phát triển du lịch của tỉnh
1.1. Du lịch và các dịch vụ du lịch của Hải Dương phát triển với xuất phát điểm không cao thể hiện trong các lĩnh vực như: Quản lý, kinh doanh, đầu tư phát triển, công tác quy hoạch, kế hoạch và đào tạo.
1.2. Lượng khách du lịch đến Hải Dương ngày một tăng cả khách trong và ngoài nước cũng như về chỉ số ngày khách, đó là một cơ hội và thách thức đối với ngành du lịch tỉnh trong những năm tiếp theo.
1.3. Đóng góp của ngành du lịch Hải Dương vào cơ cấu kinh tế chung tuy còn khiêm tốn nhưng ngày càng tỏ rõ vị trí quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.
2.1. Tiềm năng, tài nguyên du lịch Hải Dương khá phong phú và đa dạng hội tụ được nhiều yếu tố quan trọng để hình thành các loại hình, sản phẩm du lịch thế mạnh, đặc biệt loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
2.2. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung đang được tập trung đầu tư xây dựng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, để du lịch có thể phát triển với tốc độ nhanh và bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng cần được nâng cấp hoàn thiện hơn nữa, đặc biệt ở các trọng điểm du lịch đã được xác định.
2.3. Trong thời gian qua, Hải Dương đã đang chú trọng công tác tôn tạo, bảo tồn hệ thống di tích lịch sử, phát triển nền văn hoá nghệ thuật dân gian kết hợp với việc khôi phục, phát triển hệ thống làng nghề truyền thống góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch nhân văn của tỉnh. Đặc biệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn Khu di tích lịch sử-văn hóa Côn Sơn-Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 920/QĐ-TTg ngày 18/6/2010. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch Hải Dương trong giai đoạn tới.
2.4. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển du lịch đã được các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch đầu tư, nâng cấp nhưng còn thiếu đồng bộ. Chất lượng trang thiết bị, lao động phục vụ tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, vui chơi giải trí v.v... còn chưa tương xứng với yêu cầu ngày càng cao của du khách. Hoạt động du lịch còn chịu ảnh hưởng nhiều của tính mùa vụ, nên hiệu quả kinh doanh chưa cao.
3. Về điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch Hải Dương đến năm 2020
3.1. Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương là việc làm hết sức quan trọng và cấp bách góp phần khai thác hợp lý, phát huy thế mạnh về vị trí, tiềm năng du lịch đưa du lịch Hải Dương đi lên phù hợp với tiềm năng và những điều kiện, bối cảnh phát triển mới trong xu thế hội nhập với du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng, với du lịch cả nước và khu vực.
3.2. Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến 2020, là bước cụ thể hoá Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006-2020, là bước triển khai các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển du lịch trên địa bàn địa phương và làm cơ sở cho các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư phát triển ngành.