Theo Việt Nam Tân từ điển minh họa, Thanh Nghị, nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1967 thì: “Nhân vật” (personnage) là “người giữ một vai trò trong truyện, trong kịch”[45, tr.1006]. Hiểu sâu hơn, nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học bằng các phương tiện văn học. Miêu tả con người, đó chính là việc xây dựng nhân vật của nhà văn. M. Gorki có lần khuyên một nhà văn trẻ: “Anh hãy bỏ nghề viết đi. Đấy không phải là việc của anh. Anh hoàn toàn không có khả năng miêu tả con người cho sinh động, mà đấy lại là điều cốt yếu”[28, tr.126].
Tác phẩm văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì nó là hình thức cơ bản để qua đó nhà văn miêu tả thế giới một cách hình tượng. Bản chất của văn học là một quan hệ đối với đời sống, nó chỉ tái hiện được đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những tấm gương của cuộc đời. Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ, có những dấu hiệu để nhận ra như tên tuổi, nguồn gốc xuất thân, hoàn cảnh cuộc sống, ngoại hình, ngôn ngữ, tính cách, mục đích lí tưởng v.v… Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ao ước và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó. Nói cách khác, nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng.
Nhân vật là công cụ, cho nên việc tìm ra nhân vật mới bao giờ cũng là chìa khóa để mở rộng các mảng đề tài mới. Người ta đã nói đến vai trò mở rộng đề tài của các nhân vật hề, nhân vật du đãng, những kẻ đầy tớ, những người ăn mày trong văn học Châu Âu. Cũng có thể nói như vậy về vai trò của các nhân vật a hoàn trong các tác phẩm văn xuôi cổ điển Trung Quốc. Mỗi nhà
văn, ở mỗi tác phẩm cũng thường sáng tạo những motif nhân vật độc đáo mà qua đó mở ra những phạm vi đời sống mới được phản ánh. Như kiểu nhân vật công tử, nhà báo, luật sư, thanh niên tình lẻ v.v… trong Tấn trò đời của Honoré de Balzac.
Nhìn từ những góc độ khác nhau, trong tác phẩm có nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm; nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nhân vật lưỡng phân; nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng v.v…Để khắc họa nhân vật, nhà văn sử dụng nhiều phương thức, phương tiện và biện pháp khác nhau: miêu tả bằng chi tiết về chân dung, ngoại hình, hành động, những mâu thuẫn, xung đột, sự kiện v.v… Những chi tiết đó có thể được miêu tả trực tiếp nhưng cũng có thể miêu tả gián tiếp qua sự cảm nhận của mọi người xung quanh đối với nhân vật, qua đồ vật, môi trường mà nhân vật sống. Nhân vật còn được thể hiện bằng các phương tiện liên kết, các phương tiện ngôn ngữ, các phương thức miêu tả riêng của thể loại. Nhưng tất cả đều nhằm khái quát một nội dung đời sống và một quan niệm sâu sắc, một cảm hứng tình điệu tha thiết với cuộc đời.
Nói như nhà văn Nam Cao qua nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa
rằng: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho, văn chương chỉ dung nạp những kẻ biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” để thấy tầm quan trọng của cái mới, cái độc đáo trong sáng tác văn chương như thế nào. Nhà văn muốn khẳng định sự tồn tại của mình có lẽ trước hết là phải chứng tỏ cái mới đó – cái mới độc đáo, đặc sắc và phù hợp với hiện thực cũng như phù hợp với cảm quan người tiếp nhận. Tìm ra những hình thức xây dựng nhân vật độc đáo trong tác phẩm – đặc biệt là đối với nhân vật tự sự – là một nhiêm vụ trung tâm trong cái nhiệm vụ chung là khẳng định cái mới đó.
Cũng theo Việt Nam Tân từ điển minh họa, “Tái” là: “lại lần nữa”[45, tr.1183, còn “Tái hiện” là: “Hiện lại lần nữa”(réappa raitre)[45, tr.1184]. Như
vậy nhân vật tái xuất hiện là khái niệm chỉ những nhân vật văn học (trong truyện, kịch) được xuất hiện trên một lần trong những tác phẩm khác nhau. Trong Tấn trò đời của Balzac, có rất nhiều nhân vật đã xuất hiện trong tác phẩm này nhưng sau đó lại được tác giả cho xuất hiện trở lại một, hai, ba … lần nữa ở những tác phẩm sau. Căn cứ vào cách giải nghĩa của Việt Nam
Tân từ điển minh hoạ nêu ở trên thì kiểu nhân vật này có thể được gọi là
Nhân vật tái xuất hiện. Hay còn có một cách gọi khác, sát nghĩa hơn mà vẫn
có khá nhiều người sử dụng là Nhân vật trở đi trở lại.
Cũng cần lưu ý rằng, khái niệm Nhân vật tái xuất hiện thực ra đã được xuất phát từ các nhà nghiên cứu Pháp khi họ nghiên cứu Tấn trò đời từ cuối thế kỉ XIX, sau đó được các nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp thu. Tuy nhiên, ở đây thiết nghĩ không cần phải đi tìm ngọn nguồn của thuật ngữ này, bởi chúng ta chỉ cần tiếp xúc với tác phẩm của Balzac và căn cứ vào những cuốn từ điển thông thường thì hoàn toàn có thể hiểu thế nào là Nhân vật tái xuất hiện một cách hết sức đơn giản.
Trong lịch sử văn học thế giới Đông Tây kim cổ, kiểu nhân vật tái xuất hiện này được khai sinh đầu tiên trong tác phẩm của Balzac, và không phải một sự khai sinh nhỏ lẻ, yếu ớt mà rất rầm rộ. Và chưa bàn đến hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp này, cũng chưa đi sâu khảo sát cụ thể hiện trạng của kiểu nhân vật này như thế nào, nhưng trước hết, phải thừa nhận đây là một loại nhân vật đặc biệt, là một trong những cách tân vĩ đại nhất trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của thể loại tự sự thế giới.