Dục vọng cá nhân – sản phẩm tâm lý của thời đại.

Một phần của tài liệu NHÂN VẬT TÁI XUẤT HIỆN TRONG TÁC PHẨM CỦA HONORÉ DE BALZAC (Trang 30 - 32)

Rất nhiều sĩ quan cao cấp của Napoléon xuất thân từ tầng lớp tiểu tư sản, thợ thủ công và nông dân. Và từ chính tấm gương của Napoléon Bonaparte, người ta rút ra được một chân lí: bất kỳ một người xuất thân ở tầng lớp nào cũng có quyền nuôi tham vọng, do đó tất cả mọi người đều có một tâm lí phổ biến là không bằng lòng với vị trí hiện tại của mình, đều cố vươn lên tìm một chỗ đứng cao hơn cho cá nhân mình. Vươn tới một địa vị cao sang hơn, sở hữu được nhiều đồng tiền vàng hơn là mục đích của tuyệt đại đa số thanh niên lúc bấy giờ. Khát vọng đó tạo điều kiện cho sự ra đời hàng loạt những thiên tài cho nước Pháp, nhưng mặt khác nó cũng làm cho con người trở nên tàn nhẫn hơn, cô độc hơn, ích kỉ hơn. Chính Balzac đã viết rằng: “Xã hội ngày nay mời tất cả con em của nó cùng dự chung một bữa tiệc, đã thức tỉnh tham vọng trong họ ngay từ thuở họ mới bước vào đời. Xã hội làm cho tuổi trẻ mất tính chất đáng yêu và làm hư hỏng hầu hết tình cảm rộng rãi để xen vào đó mọi tính toán”[50, tr.364].

Với quan niệm: “Đồng tiền là động lực duy nhất bắt cái xã hội này quỳ gối”[8, tr.194], có tiền là có tất cả, chuyện làm giàu, chuyện kiếm tiền không còn là ước muốn của riêng ai. Tham vọng giàu sang cho cá nhân được coi như điều dĩ nhiên, chính đáng thậm chí là một phẩm chất cần thiết cho xã hội. Những kẻ phủ nhận nét tâm lý này được xem là mất trí, điên rồ như hầu tước Espard trong Lut đình ch.

Nét tâm lý trên là một sản phẩm trực tiếp của thế kỷ XIX ở Pháp. Các cuộc cách mạng tư sản đã xoá bỏ các đặc quyền, đặc lợi của giai cấp quý tộc quyền bình đẳng trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho mọi cá nhân trong xã hội chạy đua làm giàu nếu có tham vọng, mà tham vọng thì ai ai cũng

sở hữu cho nên toàn xã hội rầm rộ thi đua kiếm tiền. Cuộc đấu tranh sinh tồn vì đồng tiền trong xã hội diễn ra còn ác liệt hơn cả những chết chóc trên chiến trường. Nhiều kẻ phất lên nhanh chóng nhưng cũng vô số người trở nên bần cùng, phá sản, thất nghiệp …Và để bảo toàn được những thành quả trên “chiến trường” làm ăn đó, người ta thường lui về cố thủ để bảo vệ những quyền lợi cá nhân của mình. Quyền tư hữu ngày càng được củng cố bền chặt.

Từ cơ sở xã hội đó mà dục vọng cá nhân trở thành một tính cách tâm lý xã hội những năm mà Balzac đã sống và viết. Tất thảy thanh niên thời đại này đều tự xem mình như là những anh hùng, hoàng đế, những người không thể thiếu, là trung tâm của vũ trụ. Từ đó mà thói hãnh tiến ra đời và nhanh chóng lan rộng, ăn sâu vào tận mọi ngõ ngách xã hội, trở thành căn bệnh thời đại. Mỗi loại người có cách thể hiện sự hãnh tiến khác nhau: những kẻ tầm thường nhưng có tiền tìm cách mạ vàng dòng họ của mình bằng tiểu từ De quý tộc; những kẻ nghèo khó tham vọng chinh phục giới thương lưu, kiếm thật nhiều tiền; gã quý tộc hay tư sản thì mơ tới một cái ghế nguyên lão nghị viên trong triều đình v.v…

Như trên đã nói, tham vọng làm giàu và chinh phục đã tạo ra một động lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Nó cũng làm cho đời sống của con người trở nên sinh động hơn, phong phú hơn. Mặt khác, xã hội tư sản là một xã hội trẻ trung, cường tráng, kích thích năng lực, mở ra nhiều viễn cảnh cho ý chí và nỗ lực cá nhân. Vì thế mà nước Pháp thế kỷ XIX sản sinh ra hàng loạt những tên tuổi lớn trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật v.v… Song chính dục vọng cá nhân này cũng đã làm cho con người ngày càng thoái hóa đi về nhân cách. Bởi vì hễ đi đến đâu thì đồng tiền đều làm cho những tình cảm không còn thuần khiết như trước nữa, nó làm biến thái mọi mối quan hệ, nó làm đảo lộn mọi chuẩn mực, nó làm con người loá mắt trước mọi chuẩn mực đạo đức, người ta chỉ còn thấy trước mắt mình một vị thần sừng sững – thần Tiền. Để có tiền và giữ được tiền, người ta không từ

một thủ đoạn nào: giết người, lừa đảo, đầu cơ, cho vay nặng lãi, con ruồng bỏ cha, vợ ruồng bỏ chồng, anh em ruồng bỏ nhau … Con người có xu hướng co mình lại để hòng bảo vệ cho được những gì mình có. Họ luôn ở thế “một mình chống lại tất cả”, do đó con người cũng trở nên cô độc, sầu muộn vì những mối dây tình cảm ràng buộc họ với đồng loại đã trở nên mong manh. Hơn những tính cách khác, tính tham lam và keo kiệt phát triển cao nhất, cốt để làm giàu. Khi đã giàu có, đồng tiền làm nguội lạnh trái tim và từ đó những tính cách khác dần dần được sinh ra.

Trong thời buổi xã hội đầy rẫy những kẻ suốt ngày lo tích cóp làm giàu hoặc quằn quại đau đớn vì mắc phải bệnh nghèo thì cũng có không ít kẻ trọc phú lắm tiền nhưng không biết dùng làm gì ngoài những trò hưởng thụ và phô trương rẻ tiền. Đó là những kẻ mới phất nhờ cách mạng tư sản nhưng ô trọc và thiếu văn hoá. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận những kẻ “tích cực” lao vào những trận chơi thâu đêm suốt sáng nhưng thực chất bên trong là nợ nần, túng bấn. Lớp người này chủ yếu là tầng lớp quý tộc trong thời đại tư sản hóa. Lối sống sa đọa thật sự ghê tởm nhất trong giai đoạn của đế chế Quân chủ tháng Bảy (1830 – 1848) vốn được xem như là giai đoạn giãy chết của giai cấp quý tộc.

Tựu trung lại, dù là thói hãnh tiến, tham lam, hà tiện hay sự sa đọa về lối sống thì cũng đều là những biểu hiện của dục vọng cá nhân. Tất cả mọi tính cách đều có động lực và cơ sở khách quan của nó. Hiện thực xã hội với những thuộc tính đó đã được thể hiện trong hàng loạt những tác phẩm chính trị kinh điển của các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học là Marx và Engels, với văn học thì biểu hiện hết sức sâu sắc và chân thực trong Tn trò đời của Honoré de Balzac.

Một phần của tài liệu NHÂN VẬT TÁI XUẤT HIỆN TRONG TÁC PHẨM CỦA HONORÉ DE BALZAC (Trang 30 - 32)