1.1.2.1. Những mâu thuẫn xã hội gay gắt.
Sự thay đổi liên tiếp sáu chế độ chính trị là minh chứng thuyết phục nhất cho một nước Pháp luôn ở trong tình trạng xung đột gay gắt giữa các giai cấp, các thế lực, các tập đoàn, các tư tưởng, trào lưu v.v... khác nhau. Theo quan điểm triết học duy vật biện chứng, mâu thuẫn sẽ được giải quyết bằng đấu tranh, nhưng rồi sau khi cách mạng thắng lợi lại nảy sinh mâu thuẫn mới giữa giai cấp cầm quyền và lực lượng tham gia cách mạng bị phản bội. Cái vòng xoáy ấy đã trở thành đặc trưng của các cuộc cách mạng ở Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Và đó cũng chính là điểm đặc trưng nhất của xã hội Pháp lúc bấy giờ. Có thể nói, chưa có lúc nào những mâu thuẫn xã hội lại diễn ra gay gắt như thời đại này.
Từ khi dòng vua Bourbons trở về nước, tình trạng tranh giành quyền lực giữa hai giai cấp: giai cấp quý tộc – chiếm hữu ruộng đất, và giai cấp tư sản – đã trở thành trọng tâm của toàn bộ cuộc đấu tranh chính trị Pháp. Và từ 1830, khi giai cấp công nhân thực sự ra đời thì quan hệ xã hội và đấu tranh giai cấp đi tới hình thái đơn giản hóa nhất, đồng thời đạt mức độ sâu sắc, gay gắt nhất, mâu thuẫn chủ yếu, nổi lên hàng đầu là mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản. Trong hoàn cảnh ấy, nghệ sĩ có khả năng khám phá bản chất của
chế độ xã hội sâu sắc hơn, phản ánh thực tế đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn các thời kỳ trước. Vấn đề mâu thuẫn giai cấp là trọng tâm của các vấn đề xã hội cho nên mọi vấn đề được miêu tả trong tác phẩm đều có liên quan đến xung đột giai cấp. Và “chỉ có những người cố ý nhắm mắt lại mới không thấy rằng cuộc đấu tranh giữa các giai cấp lớn ấy và sự xung đột vì lợi ích của họ là động lực của toàn bộ lịch sử cận đại”[50, tr.173].