- Hệ thống pháp luật phòng,chống bạo lực gia đình còn thiếu các quy định trực tiếp về tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
1.1.3. Quán triệt quan điểm và xu hướng xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, sự phát triển của xã hội dân sự được đặt ra như một yêu cầu cấp bách trong sự nghiệp xây dựng một "xã hội công bằng, dân chủ và văn minh" của đất nước ta trong giai đoạn mới. Bởi vậy, bên cạnh việc nghiên cứu, phát triển lý luận về xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền, thì vấn đề xã hội dân sự ở Việt Nam cũng đã được tập trung nghiên cứu và đề cập trên các diễn đàn khoa học cũng như trong một số bài viết, công trình nghiên cứu dưới nhiều góc độ, bình diện, tư duy, nhận thức khoa học khác nhau.
Xã hội dân sự là xu thế khách quan của thế giới, thể hiện quá trình dân chủ hoá với sự tham gia ngày càng trực tiếp, rộng rãi của quần chúng nhân dân trong đời sống chính trị và xã hội của các quốc gia. Xã hội dân sự là xã hội xây dựng được mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước và ở đó, quyền của công dân luôn luôn được tôn trọng. Xã hội dân sự còn đồng nghĩa với việc nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp. Một số công việc của nhà nước cần chuyển giao cho các tổ chức ấy thực hiện. Với những ưu thế, mặt tích cực của xã hội dân sự, việc xây dựng và phát triển xã hội dân sự ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân, vì nhân dân; thực hiện một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, việc phát triển một xã hội dân sự là một nhu cầu mang tính khách quan, là quy luật của sự phát triển, do đó, không thể thiếu được xã hội dân sự khi xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Đó chính là 3 yếu tố quyết định thành công trong việc xây dựng một đất nước văn minh, hiện đại, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Trong xã hội dân sự, quyền của công dân được tôn trọng. Vì vậy, khi công dân đặc biệt là người phụ nữ bị xâm hại đến quyền công dân, quyền con người mà biểu hiện phổ