Phong trào quốc tế về phòng,chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 50 - 55)

- Thứ nhất, vi phạm pháp luật phòng,chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ luôn là hành vi được xác định của con người.

1.6.1.Phong trào quốc tế về phòng,chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Phong trào quốc tế loại trừ bạo lực gia đình chống lại phụ nữ hình thành từ rất sớm và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Lần đầu tiên, bạo lực gia đình được đề cập đến trong báo cáo tại Hội nghị quan trọng của Liên Hợp Quốc năm 1982 ở Copenhagen (Đan Mạch): Hội nghị thế giới về Thập kỷ về Phụ nữ của Liên hợp quốc: Bình đẳng, Phát triển và Hoà bình . Báo cáo nêu rõ: "Cần ban hành và thực hiện các văn bản pháp luật để phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực tình dục đối với phụ nữ. Cần thực thi tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả biện pháp lập pháp, để bảo đảm cho các nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực tình dục được đối xử công bằng trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự" [41].

Đó là mốc rất quan trọng khởi đầu cho một phong trào đấu tranh vì con người, bảo vệ người phụ nữ và vì sự tiến bộ chung của thế giới. Tiếp theo đó là các hội nghị rất quan trọng về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ, vì sự phát triển của phụ nữ. Hội nghị lần thứ hai, Hội nghị Thế giới về phụ nữ lần thứ III ở Nairobi (Kê-ni-a) cũng kêu gọi các chính phủ "thực hiện các biện pháp hiệu quả, bao gồm việc huy động các nguồn lực ở cộng đồng để xác định phòng, chống và xoá bỏ tất cả các hình thức bạo lực, bao gồm bạo lực gia đình, bạo lực chống lại phụ nữ trong gia đình và để cung cấp những nơi trú ngụ tạm thời, các dịch vụ hỗ trợ và trợ giúp tâm lý cho những phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng".

Tháng 6 năm 1993, tại Viên (áo), Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ II, đã thông qua tuyên bố Viên và Chương trình hành động. Tuyên bố Viên nêu rõ: "... Hội nghị thế giới về quyền con người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành động tiến tới xoá bỏ bạo lực chống lại phụ nữ trong đời sống công cộng và riêng tư... việc xoá bỏ những định kiến giới trong hoạt động tố tụng và việc xoá bỏ bất kỳ xung đột nào có thể nảy sinh giữa các quyền của phụ nữ và những tác động có hại gây ra bởi một số tập tục truyền thống" [46], để thúc đẩy việc xoá bỏ các hình thức phân biệt, đối xử với phụ nữ, Hội nghị kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo Tuyên bố về bạo lực đối với phụ nữ.

Hưởng ứng Chương trình hành động của Hội nghị Viên, tháng 12 năm 1993, Đại hội đồng liên Hợp quốc đã nhanh chóng thông qua Tuyên bố về xoá bỏ nạn bạo lực đối với phụ nữ...Tuyên bố gồm ba nội dung chính: hệ thống lại vấn đề bạo lực đối với phụ nữ; định nghĩa bạo lực đối với phụ nữ cùng các hình thức thể hiện của nó; khẳng định trách nhiệm của các quốc gia trong việc lên án mọi hành vi bạo lực đối với phụ nữ và đưa ra những biện pháp, hành động cụ thể để xoá bỏ chúng. Tuyên bố về xoá bỏ nạn bạo lực đối

với phụ nữ ra đời có ý nghĩa rất sâu sắc. Lần đầu tiên, một định nghĩa đầy đủ và toàn diện về bạo lực đối với phụ nữ đựơc đưa ra, đó không chỉ là hành vi xâm hại về thể chất, tình dục và tâm lý mà còn bao gồm cả việc đe doạ có những hành động trên; bạo lực đối với phụ nữ không chỉ có bạo lực diễn ra trong gia đình mà bao gồm cả bạo lực diễn ra ngoài xã hội đồng thời đối tượng gây ra bạo lực cho phụ nữ không chỉ là cá nhân mà còn có cả các cơ quan, nhân viên nhà nước gây nên hoặc bao che, bỏ qua. Trách nhiệm của Nhà nước được đặt ra trong việc ứng phó, xử lý các hành vi bạo lực, bất kể hành động đó xảy ra trong đời sống cộng đồng hay trong đời sống riêng tư. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo vệ người phụ nữ một cách tốt nhất trong việc tránh khỏi bạo lực nói chung.

Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ tư tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995 đã nhất trí thông qua Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, thể hiện quyết tâm của các Chính phủ tham dự Hội nghị trong việc ngăn chặn và xoá bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Cương lĩnh lần đầu tiên xác định rõ bạo lực gia đình là một hình thức vi phạm quyền con người, theo đó: "Bạo lực chống lại phụ nữ không chỉ vi phạm mà còn hạn chế hoặc ngăn cản việc phụ nữ hưởng thụ các quyền con người và tự do cơ bản của họ" [45].Việc xác định như vậy là rất quan trọng vì những gì thuộc về phụ nữ chính là thuộc về con người , bạo lực chống lại phụ nữ là vi phạm quyền con người. Do vậy trách nhiệm của các Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các chủ thể khác cần tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm chống lại tình trạng bạo lực chống lại phụ nữ, trong đó bao gồm việc tăng cường hệ thống pháp luật có liên quan để giải quyết vấn đề bạo lực gia đình.

Phong trào quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ càng mạnh mẽ hơn tại Hội nghị của Liên hợp quốc Bắc Kinh+ 5 với chủ đề Bình đẳng giới, Phát triển và Hoà bình cho thế kỷ XXI vào năm 2000. Hội nghị đã đưa ra báo cáo đề cập cụ thể những trở ngại mà phụ nữ phải đối mặt hiện nay, trong đó có vấn đề bạo lực gia đình. Báo cáo khẳng định: Phụ nữ tiếp tục là nạn nhân của nhiều dạng bạo lực khác nhau và sự thiếu hiểu biết; sự phân biệt đối xử; định kiến về văn hoá là những nguyên nhân gốc rễ của tất cả các hình thức bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái.

Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Cùng với việc chỉ ra nguyên nhân của bạo lực gia đình đối với phụ nữ, báo cáo cũng đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế tiến tới loại bỏ nạn bạo lực gia đình chống lại phụ nữ. Cụ thể: 1. Rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luậtcó liên quan để bảo đảm tất cả phụ nữ và trẻ em gái được

bảo vệ chống lại tất cả các dạng bạo lực về thể chất, tâm lý và tình dục; 2. cần truy tố và trừng phạt tất cả những kẻ vi phạmbất cứ hình thức bạo lực nào chống lại phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời cần có những biện pháp nhằm phục hồi cho các nạn nhân; 3. Cần quy định tất cả những hình thức bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái ở bất kỳ độ tuổi nào đều là hành vi cấu thành tội phạm và phải bị trừng trị theo quy định của pháp luật; 4. Cần ban hành các quy định pháp luật và tăng cường các cơ chế thích hợp để giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến tất cả các hình thức bạo lực gia đình...

Như vậy, bạo lực gia đình chống lại phụ nữ là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải trừng trị thích đáng những kẻ đã thực hiện hành vi bạo lực gia đình, những người có chức năng đã bỏ qua, không xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Pháp luật là công cụ hữu hiệu để phòng và chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ có hiệu quả nhất. Vì vậy, mỗi quốc gia cần rà soát và sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình để có cơ sở pháp lý hoàn thiện, khung pháp lý đảm bảo trong việc hạn chế, ngăn chặn bạo lực gia đình nhất là bạo lực gia đình chống lại phụ nữ.

Ngoài những Hội nghị quan trọng kể trên, một số hội nghị khác của Liên hợp quốc cũng thông qua các văn kiện đề cập đến vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình như: Chương trình hành động thông qua tạ Hội nghị quốc tế về dân số và Phát triển tổ chức tại cai-rô (Ai -Cập) năm 1994. Chương trình hành động nêu rõ: các Chính phủ cần phải chú ý đến việc phòng, chống tất cả các hình thức bạo lực chống lại phụ nữ. Yêu cầu này tiếp tục được nhấn mạnh trong Chương trình hành động tại Hội nghị quốc tế về dân số và Phát triển lần thứ hai năm 1999 (Hội nghị Cai-rô+5). Hội nghị thế giới về chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc, tình trạng bài ngoại và những hình thức thiếu khoan dung khác có liên quan tổ chức ở Durban (Nam Phi) năm 2001 đã thông qua Tuyên bố và Chương trình hành động Durban. Văn bản này đã thừa nhận rằng: sự giao thoa giữa các yếu tố như giới, chủng tộc, sắc tộc và các yếu tố khác có thể khiến phụ nữ trở lên đặc biệt dễ bị tổn thương với một số dạng bạo lực nhất định, và kêu gọi các chính phủ "xem xét việc thông qua và thực hiện các chính sách và chương trình di cư mà có thể cho phép những người di trú, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình hoặc bạo lực trong hôn nhân được tự giải phóng mình khỏi những quan hệ bạo lực đó" [15].

Bên cạnh các hội nghị, các Tuyên bố về xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ, Uỷ ban nhân quyền liên hợp quốc còn cử báo cáo viên đặc biệt (speci rapporteur) với nhiệm vụ quan trọng: "Tìm kiếm và tiếp nhận các thông tin về bạo lực chống lại phụ nữ, những nguyên nhân và hậu quả của tình trạng đó, từ các chính phủ, các uỷ ban giám sát các công ước quốc tế về quyền con người, các cơ quan của LHQ và các báo cáo viên đặc biệt khác... và đưa ra những khuyến nghị về các phương hướng, biện pháp, cách thức ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế để xoá bỏ bạo lực chống lại phụ nữ và các nguyên nhân của tình trạng đó, cũng như để giải quyết những hậu quả của tình trạng đó". Với hành động quan trọng này,với nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, chỉ trong thời gian từ năm 1994 đến năm 2003, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc và bạo lực chống lại phụ nữ đã đưa ra 28 báo cáo về chủ đề này. các báo cáo đã đề cập đến rất nhiều hình thức bạo lực khác nhau mà phụ nữ phải chịu đựng, xảy ra ở rất nhiều quốc gia trên thế giới và rất nhiều hình thức bạo lực đó có thể xếp vào dạng bạo lực gia đình. Một trong các báo cáo đó đã đề cập cụ thể đến bạo lực gia đình, trong đó khuyến nghị về một văn bản pháp luật mẫu ở cấp quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình có tên "Luật mẫu về bạo lực gia đình". Luật mẫu về bạo lực gia đình được uỷ ban nhân quyền của LHQ thông qua ngày 02/02/1996 và được coi là tài liệu tham khảo quan trọng, là cẩm nang cho các quốc gia khi xây dựng Luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Có ý nghĩa hơn nữa trong việc phòng, chống bạo lực gia đình khi cộng đồng quốc tế đã thống nhất lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày quốc tế về xoá bỏ nạn bạo lực đối với phụ nữ. Đây là ngày kỷ niệm, đề cao và tăng thêm quyết tâm cho phong trào xoá bỏ nạn bạo lực gia đình chống lại phụ nữ trên thế giới từ đó tiến tới xoá bỏ vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Quan trọng hơn, đây là dịp để thúc đẩy, tuyên truyền cho các quyền con người của người phụ nữ để người phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt hơn các quyền của mình, kiên quyết hơn trong việc chống lại các hành vi bạo lực đối với họ. Đây cũng là một mốc thời gian nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng đối với hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ, từ đó có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ, thể hiện ý chí quyết tâm trong việc ngăn chặn bạo lực gia đình, tình trạng vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, thúc đẩy xã hội phát triển.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 50 - 55)