Khái niệm vi phạm pháp luật phòng,chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 31 - 34)

Bạo hành gia đình có thể tấn công vào bất kỳ gia đình nào và nạn nhân có thể là tất cả các đối tượng như: nam giới, phụ nữ, người già, trẻ em... nhưng theo những nghiên cứu gần đây nhất thì nạn nhân của bạo hành gia đình chủ yếu là phụ nữ và trẻ em trong đó có từ 95-98% nạn nhân bạo hành gia đình là phụ nữ.

Trong gia đình, người phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng một nghịch lý xảy ra là rất nhiều người phụ nữ lại bị đầy đoạ, hành hạ, đánh đập, xỉ nhục trong chính gia đình của mình mà người gây ra những nỗi đau ấy lại là người chồng, người bạn tình- người mà họ đã đem lòng yêu thương, hy sinh, phấn đấu để xây dựng một mái ấm. Thực tế đã cho thấy, rất nhiều người phụ nữ đang và có nguy cơ phải gánh chịu những nỗi đau như vậy. Nhưng trước tình trạng nạn bạo hành đang tấn công ồ ạt vào mỗi quốc gia, mỗi địa phương và từng gia đình thì nhiều người còn mơ hồ về khái niệm "bạo hành gia đình", vì thế không nhận thức được hành vi bạo hành gia đình là hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều người đã cho rằng, trong gia đình, mâu thuẫn giữa vợ và chồng là chuyện bình thường

không thể tránh khỏi trong cuộc sống và là chuyện riêng của mỗi gia đình, vì vậy, chồng có đánh vợ cũng là chuyện bình thường nhất là khi người vợ thấy mình có lỗi. Thậm chí, nhiều người phụ nữ bị đánh đập thường xuyên nhưng vẫn không nghĩ rằng mình đã bị xâm hại đến quyền con người và mình là đối tượng được pháp luật bảo vệ, vì thế vẫn cắn răng chịu đựng rồi dần dần thành quen. Hơn nữa, do ảnh hưởng trong một thời gian dài tư tưởng "trọng nam khinh nữ" nên trong xã hội nhiều ông chồng ngang nhiên đánh vợ, coi vợ như vật sở hữu của mình, cho vợ làm gì thì vợ mới được làm và họ coi đó là việc hiển nhiên, là quyền "được dạy vợ" của mình. Có những ông chồng "phàm phu tục tử" dạy vợ bằng cách ép vợ "học" những trận đòn vô cớ, để lại những vết thương trên da thịt; còn có những ông chồng "học rộng tài cao" thì lại có cách dạy vợ "văn minh" hơn, kín tiếng nhưng lại vô cùng thâm thuý như: chửi bới, lăng mạ, xỉ nhục gây ức chế cho người phụ nữ... Những hành động này tuy không để lại những vết thương trên cơ thể nhưng lại làm cho người phụ nữ tê liệt về tinh thần, bị trầm cảm kéo dài, tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần và thể xác...

Cho đến nay, chúng ta đã có một hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh về bạo lực gia đình. Lần đầu tiên, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình vẫn không giảm bởi vì người trong cuộc thì cam chịu và không nhận thức được thế nào là hành vi vi phạm pháp luật phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Nạn nhân bị bạo hành thì không ý thức được quyền lợi của mình nên cứ tiếp tục cam chịu; người gây ra bạo hành thì không nhận thức được hành vi bạo hành của mình là vi phạm pháp luật nên cứ "hồn nhiên" vi phạm pháp luật hoặc có hiểu pháp luật nhưng lại có ý thức coi thường pháp luật; còn những người ngoài cuộc thường không can thiệp vì thường có suy nghĩ đó là chuyện riêng của mỗi gia đình, vợ chồng tự giải quyết các mâu thuẫn và tự chịu trách nhiệm đối với tổ ấm của họ. Chính vì vậy, chỉ khi nào các vụ việc xảy ra quá nghiêm trọng như gây thương tích nặng hay chết người thì các cơ quan có thẩm quyền mới phát hiện ra để có các biện pháp can thiệp cần thiết. Những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đặc biệt những quy định cụ thể, chi tiết trong Luật phòng, chống bạo lực gia đình chính là phương tiện quan trọng nhất để các ông chồng không lấy được "gia đình" ra làm rào chắn, để che đậy hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình của mình.

Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Luật hoá. Vì vậy, bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật. Những hành vi xâm hại đến các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình là những hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Trong những trường hợp nhất định, khi nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình là phụ nữ, thì những hành vi đó là hành vi vi phạm pháp luật pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Từ những phân tích trên, vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ được hiểu là những hành vi trái pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, có lỗi, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện, xâm hại đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình mà nạn nhân của bạo hành gia đình là người phụ nữ.

Như vậy, vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ là các hành vi bạo hành gia đình đối với phụ nữ mà trong đó nạn nhân là người phụ nữ, người gây ra bạo hành chủ yếu là nam giới. Đồng thời, vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ còn là các hành vi liên quan đến việc phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ như những hành vi trái pháp luật trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp bạo hành gia đình đối với phụ nữ.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, trong xu thế gia đình ở Việt Nam là gia đình mở, người phụ nữ không chỉ bị bạo hành từ phía người chồng mà còn bị bạo hành từ phía gia đình nhà chồng, bố, mẹ chồng, anh em của chồng. Mặt khác, trong thực tế có nhiều ông chồng cũng phải chịu bạo lực gia đình nhưng trong khuôn khổ luận văn này, tác giả chỉ nghiên cứu, đề cập đến các vụ bạo hành gia đình đối với phụ nữ, việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vụ bạo lực gia đình đối với phụ nữ trái với pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Đó chính là nội dung cơ bản của vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

1.3.2. Đặc điểm của vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Để hiểu chính xác và đầy đủ về vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ, chúng ta cần phân biệt Bạo lực gia đình đối với phụ nữ với vi phạmpháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Trước hết, chúng ta cần khẳng định bạo lực gia đình với phụ nữ là hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình với phụ nữ nhưng bạo lực gia đình đối với phụ nữ chỉ là một nội dung cơ bản, một phần trong vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ . Bởi vì, ngoài hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ, vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ còn nhiều nội dung, cũng như nhiều hành vi khác liên quan tới việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ.

Đặc điểm của bạo lực gia đình đối với phụ nữ là:

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam hiện nay doc (Trang 31 - 34)