- Thứ nhất, vi phạm pháp luật phòng,chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ luôn là hành vi được xác định của con người.
1.6.2.1. Phòng,chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Nhật Bản:
Nhật Bản là một quốc gia ở Châu á có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt và là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, chống vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Điều quan trọng nhất là đến nay Nhật Bản đã xây dựng được khung pháp lý về phòng, chống bạo lực gia đình khá hoàn thiện. Nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình đã được thông qua như: Luật về phúc lợi cho trẻ em (1947); Luật về đảm bảo cuộc sống (1950) ; Luật về phúc lợi xã hội (1951); Luật về phúc lợi cho bà mẹ, trẻ em và người goá (1964); Luật về cảnh sát; Bộ luật Hình sự; Luật về phòng, ngừa bạo lực hôn nhân và bảo vệ nạn nhân năm 2001 và sửa đổi năm 2004 là đạo luật trụ cột, làm cơ sở quan trọng để phòng, chống bạo lực gia đình. Đạo luật này đã quy
định một cách chặt chẽ các vấn đề về bạo lực gia đình như: khái niệm về bạo lực gia đình; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật phòng, ngừa bạo lực hôn nhân; quyền của nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của Chính phủ và chính quyền địa phương; chính sách và định hướng cơ bản của công tác phòng, chống bạo lực gia đình...
Chính vì có hệ thống pháp luật khá hoàn thiện, trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc được áp dụng đối với chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực hôn nhân, nên nhận thức của người Nhật Bản về bạo lực gia đình rất cao, do vậy họ hiểu và thực hiện khá tốt phòng, chống bạo lực gia đình; tình trạng vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực hôn nhân nói chung, bạo lực gia đình đối với phụ nữ ngày một giảm đi đáng kể.
Cùng với hệ thống pháp luật khá hoàn thiện, Chính phủ Nhật Bản còn thành lập các Trung tâm tư vấn và hỗ trợ về bạo lực hôn nhân. Các trung tâm này có nhiệm vụ: 1. Tư vấn cho các nạn nhân về các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của họ hoặc giới thiệu họ với các nhân viên tư vấn phụ nữ hoặc các tổ chức tư vấn thích hợp; 2. Tư vấn hướng dẫn về y tế, tâm lý hoặc các vấn đề khác giúp họ phục hồi về tinh thần và thể chất; 3. Cung cấp các biện pháp bảo vệ tạm thời cho nạn nhân và cả các thành viên khác trong gia đình trong trường hợp có các thành viên khác trong gia đình; 4. Cung cấp thông tin, tư vấn và thông tin cho các tổ chức liên quan, cùng với các hình thức hỗ trợ khác có liên quan; 5. Cung cấp thông tin, tư vấn, hợp tác, liên kếtvới các tổ chức liên quan, cũng như các hình thức trợ giúp khác liên quan đến các cơ sở mà nạn nhân có thể sống và được bảo vệ...
Các trung tâm tư vấn và hỗ trợ về bạo lực hôn nhân đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình và đây chính là một biện pháp rất hữu hiệu nhằm giúp người phụ nữ tránh được bạo lực hôn nhân, khắc phục được những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra, đem lại niềm tin trong cuộc sống cho những người phụ nữ.
Như vậy, với một hệ thống pháp luật hoàn thiện cùng với các biện pháp tích cực trong đó có biện pháp thành lập các trung tâm tư vấn và hỗ trợ về bạo lực hôn nhân, Nhật Bản là một trong các nước ở khu vực Châu á đạt được kết quả cao trong việc phòng, chống vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phu nữ. Những kinh nghiệm quý báu này là bài học quý giá cho các nước khác trong đó có Việt Nam trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ.