- Hệ thống pháp luật phòng,chống bạo lực gia đình còn thiếu các quy định trực tiếp về tội phạm liên quan đến bạo lực gia đình đối với phụ nữ.
1.1.2. Quán triệt quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay
của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ở Việt Nam hiện nay
Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền là một bước tiến khoa học vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước riêng gắn liền với một giai cấp, như nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa, mà là một hình thức tổ chức nhà nước, một trình độ phát triển của nhà nước về phương diện tổ chức - thiết kế, hoạt động trong đó có sự phân công và tổ chức quyền lực nhà nước để bảo đảm Hiến pháp và pháp luật giữ vị trí tối cao. Chính vì tính tối ưu của
Nhà nước pháp quyền mà Đảng ta nhất quán chủ trương xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sẽ là tiền đề quan trọng tạo ra sự đồng thuận, phát triển trong xã hội, xây dựng một đất nước hiện đại, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.
Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII (1-1994), Đảng ta đã dùng khái niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong nội dung phần 2 về những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới, đã nêu nhiệm vụ thứ 7: "xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì dân". Đại hội VIII cũng đã tiếp tục khẳng định tinh thần, quan điểm này. Văn kiện Đại hội IX khẳng định: "Nhà nước là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" [17].
Văn kiện đại hội X cũng khẳng định đường lối tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: "xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp . Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền".[18]
Nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện có các đặc trưng sau đây:
Một là, đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Hai là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ba là, Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm cho Hiến pháp và các đạo luật giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bốn là, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa nhà nước và công dân; thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cường, kỷ luật.
Năm là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời đảm bảo sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mật trận.
Với năm đặc trưng này, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân. Mỗi người dân, khi họ thực sự là chủ thể của mọi quyền lực và là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, họ sẽ có trách nhiệm hơn đối với đất nước, phát huy và cống hiến hết khả năng của mình cho đất nước. Điều này sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp rất lớn, sức mạnh ấy là tiền đề quyết định sự thành công trong sự nghiệp đổi mới toàn diện xã hội. Đồng thời, với vai trò là người chủ của quyền lực nhà nước, mỗi công dân sẽ sống tốt hơn, thực hiện nghiêm minh những quy định do ý chí chung của toàn xã hội đặt ra, sống và làm việc theo pháp luật, đặt mình trong khuôn khổ pháp luật, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật nói chung trong đó có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bao lực gia đình. Các cơ quan nhà nước, trong phạm vi quyền hạn và nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt chức năng của mình, có sự phối kết hợp trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Như vậy, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được hạn chế ngay từ khi nó có nguy cơ hình thành đồng thời mọi hành vi vi phạm sẽ được phát hiện và xử lý nghiêm minh, từ đó hình thành nên ý thức pháp luật cao trong xã hội. Pháp luật là phương tiện quan trọng và hữu hiệu nhất trong việc điều chỉnh hành vi của con người, các mối quan hệ xã hội. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức và mọi công dân đều phải đặt mình trong khuôn khổ pháp luật. Phòng, chống bạo lực gia đình đã được luật hoá, mỗi thành viên trong gia đình được bảo vệ trong hành lang pháp luật. Do vậy, các chủ thể trong xã hội không thể lấy gia đình ra làm rào chắn cho hành vi trái pháp luật của mình và họ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý khi xâm hại đến các quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ là hành vi xâm hại đến quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nạn nhân của bạo hành gia đình sẽ được bảo vệ kịp thời và tốt nhất, đảm bảo các quyền con người và quyền công dân của mình.
Như vậy, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta, thể hiện sự nhận thức sâu sắc tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một đảm bảo để loại bỏ, triệt tiêu mọi lực cản đối với sự phát triển trong xã hội trong đó có tình trạng vi phạm pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình. Quán triệt và thực hiện tốt chủ trương này, nhất định Việt Nam sẽ thu được nhiều thành công tốt đẹp trên con đường đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.