Từ tục tiếng chửi

Một phần của tài liệu Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh (Trang 97 - 99)

III. Phân tích và nhận xét

b. Từ tục tiếng chửi

Loại từ này thường chỉ xuất hiện trong lời nói cửa miệng của người bình dân. Đôi khi nó được dùng có chủ đích, đôi khi như một quán tính, để hạ bệ đối tượng nào đó hoặc xả những bức xúc của người nói. Trong văn học bác học nó xuất hiện rất dè dặt. Trước Hồ Xuân Hương, các tác giả hầu

như không sử dụng loại từ này, vì đó là những từ vượt ra ngoài quy phạm. Nhưng đến Xuân Hương, bà đã dũng cảm đưa ngôn ngữ đó vào thơ một cách thật tự nhiên và thoải mái. Đó chính là những tiếng chửi đổng mà nữ sĩ muốn văng vào mặt những kẻ giả dối, cũng như cái xã hội với đầy bất công, ngang trái là nguyên nhân dẫn đến những đau khổ cho con người:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

(Làm lẽ)

Rúc rích thây cha con chuột nhắt Vo ve mặc mẹ cái ong bầu

(Quan thị)

Bá ngọ con ong bé cái nhầm

(Sư bị ong châm)

Cha kiếp đường tu sao lắt léo

(Chùa Quán Sứ)

Những tiếng chửi ấy đã cho thấy bản lĩnh của Xuân Hương. Bởi những từ tục xuất hiện trong khuôn khổ sang trọng của bài thơ Đường thi đã gây không ít sự bất bình. Nhưng nó vẫn tồn tại sừng sững như những chiếc đinh nhọn đâm vào những kẻ giả dối, ngu dốt. Đọc thơ bà bọn quan quyền, sư sãi tức tối bao nhiêu thì người bình dân lại hả hê bấy nhiêu. Bởi bà đã dùng ngôn ngữ của họ để nói lên tâm tư của họ một cách hết sức tài tình. Thơ Xuân Hương có sức sống lâu bền là vì vậy.

Đến với thơ Trần Tế Xương, bên cạnh những tiếng chửi đời, ta còn thấy những từ tục được ông sử dụng rất nhiều lần. Khi thì để ông chửi thẳng viên quan huyện dốt nát nhưng lại được làm chủ khảo trong một kì thi:

Đ. Mẹ thằng ông biết chữ gì

(Chế ông huyện) Khi để đùa ông hàn thật ác:

Ví phỏng quyển thi ông được chấm Đù cha, đù mẹ đứa riêng ai

(Đùa ông hàn) Khi để chửi một cách bóng gió:

Tìm hươu chẳng thấy cha thằng hoắng Xấu hổ khen chê mẹ cái lầm!

(Mẹ cái lầm)

Rồi thì đôi khi văng cái nọ, văng cái kia, bực tức quá mà chửi cả thói đời đen bạc: "Cha mẹ thói đời ăn ở bạc"... Có lẽ nhờ thế mà thơ Tú Xương đậm chất hiện thực hơn, giá trị tố cáo mạnh hơn. Không còn là những bức tranh mang vẻ đẹp Đường thi trang trọng, nó là đời sống thực tế với những điều thật gai góc. Bằng ngôn ngữ của đời sống giầu giá trị biểu cảm, Tú Xương đã giúp cho người đọc hiểu hơn về cái xã hội lố lăng, ô hợp thời ông.

Có thể thấy thơ Tú Xương ngoài những bài thơ mang âm hưởng trữ tình ngọt ngào với những ngôn từ mượt mà, chau chuốt, đầy sức quyến rũ, thì còn có những bài thơ tả thực với ngôn ngữ hết sức bình dân, đọc xong có thể làm tím mặt đối tượng nhưng làm cho chúng ta hả hê, sung sướng.

Như vậy xét về mặt nghệ thuật, Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương là hai tác giả có sự phá cách rất lớn trong các tác giả văn học trung đại. Với hệ thống từ tục, tiếng chửi được dùng một cách rất tự nhiên và hợp lí, thơ họ dường như đã đi ra ngoài quỹ đạo của thể loại thơ văn cao quý đương thời. Nhưng nó lại giúp truyền tải được sức nặng của hiện thực, truyền tải được những thông điệp mà tác giả muốn nhắn gửi đến người đọc. Những từ ngữ ấy không làm mất đi cái thanh, cái trong của thơ mà giúp thơ tăng thêm giá trị biểu cảm, giúp thơ bình dị hơn, gần gũi hơn với đời sống của người lao động.

Một phần của tài liệu Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh (Trang 97 - 99)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(109 trang)
w