Hình tượng nghệ thuật từ hiện thực cuộc sống

Một phần của tài liệu Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh (Trang 69 - 77)

III. Phân tích và nhận xét

b. Hình tượng nghệ thuật từ hiện thực cuộc sống

Thơ Tú Xương đậm chất dân gian nhưng cũng rất đậm chất thời sự. Ông như một nhà quay phim, luôn chăm chú quan sát để quay được những cảnh phim sống động về cuộc sống đương thời. Hiện lên trong thơ ông là

những cảnh, những người chân thực. Chân dung của kẻ thị dân được ông khắc hoạ khá rõ nét trong nhiều bài thơ của mình.

* Hình tượng kẻ thị dân

Thị dân là những người sống ở thành thị. Vào trong thơ Tú Xương nó là một hình tượng nghệ thuật khá độc đáo và mới lạ. Tú Xương đã dựng lên chân dung của kiểu người này với vẻ bên ngoài thật kệch cỡm. Trong cái không gian "phố nửa làng", "phố phường tiếp giáp với bờ sông", họ chẳng ra quê, chẳng ra tỉnh, học đòi lối sống mới dẫn đến tha hoá, biến chất. Họ chưng diện theo lối tỉnh thành nhưng trông thật lố bịch:

Chí cha chí chát khua giầy dép Đen thủi đen thui cũng lượt là

(Xuân)

Chỉ bằng hai câu thơ, Tú Xương đã lột tả được cái thói a dua "theo giọng tỉnh" của những kẻ vốn "đen thủi đen thui". Giọng thơ kèm cả nỗi bực mình. Không bực mình sao được khi những kẻ vốn dĩ trông đáng gớm lại đang khua giầy dép, khoe lụa là, đang cười nói hô hô, ha ha với nhau. Tú Xương vốn ác cảm với những loại người khoe mẽ, đây lại là sự khoe lố bịch, càng làm cho ông khinh thường hơn.

Những kẻ học đòi ấy đang cố lấy những bộ quần áo lụa là để che đậy cái bản chất xấu xa. Nhưng dưới con mắt tinh đời của nhà thơ, đó chỉ như vải thưa che mắt thánh. Tú Xương nhìn thấu tim đen của bọn chúng. Trước hết là thói đạo đức giả, luôn nói tình cảm nhưng trong bụng thì chẳng có chút tình nghĩa nào. Nhân việc người cháu khóc cô chồng, Tú Xương đã khái quát lên cái thói giả nhân, giả nghĩa của xã hội đương thời:

Người có cô sao cháu không cô Nắng phơi nước mắt dễ hầu khô Xác xơ lông cánh con chim Việt Nung nấu buồng gan cái ngựa Hồ

(Cháu khóc cô chồng)

Bằng hình ảnh "Nắng khô nước mắt dễ hầu khô", Tú Xương mỉa mai tình cảm thương xót "thật lòng" của người cháu dâu. Nhưng kiểu giả dối đó chỉ đáng cười chứ không đáng phê phán gay gắt. Cái mà Tú Xương lên án là thói ăn chơi đàng điếm theo kiểu "chồng chung vợ chạ" của bọn chúng. Có những lúc ông đã không khỏi ngạc nhiên trước những kẻ luôn ra dáng là "người trinh thục" nhưng trong dạ thì trăng hoa "xiết nói năng":

Con người như thế mà như thế Như thế thì ra nghĩ cũng xằng

(Gái goá nhà giầu)

Tú Xương không biết bao lần phải ngạc nhiên như thế. Sự tha hoá trong bản chất con người thật ghê gớm. Mẹ vợ với chàng rể cũng tư tình với nhau, hậu quả là bà phải "nuôi to cái dại", còn ông rể thì "ẵm con so":

Ai về nhắn bảo việc này cho Nhắn bảo ai rằng việc nhỡ to Chép miệng bà nuôi to cái dại Phờ râu ông rể ẵm con so Cắm sào sâu quá nên thêm khổ Néo chặt dây vào hoá phải lo Vẫn biết sống lâu nhiều sự lạ Tử quy thắt lại một con cò

(Mẹ vợ và chàng rể)

Mẹ chẳng ra mẹ, con chẳng ra con, cái trật tự, đạo đức trong gia đình còn đảo lộn, huống hồ ngoài xã hội thì nó khủng khiếp đến thế nào? Chính vì thế Tú Xương đã cảnh tỉnh những đức ông chồng:

Thọ kia mày có biết hay chăng Con vợ mày kia xiết nói năng Vợ đẹp của người không giữ được

Chồng ngu mượn tiếng để chơi nhăng Ra đường đáng giá người trinh thục Trong dạ sao mà những gió trăng Mới biết hồng nhan là thế thế Trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng

(Để vợ chơi nhăng)

Có thể câu cuối bài thơ ông đã phóng đại, nhưng nó là sự phóng đại dựa trên cơ sở thực tế chứ không phải là do ông bịa đặt ra. Trong xã hội ấy không chỉ những người còn trẻ mới lẳng lơ, đĩ thoã mà ngay cả những kẻ già rồi nhưng vẫn còn làm những trò thật đáng cười. Tú Xương khắc hoạ cảnh một ông già chơi trống bỏi:

Hỏi lão ở đâu? Lão ở Liêm Trông ra bóng dáng đã hom hem Lắng tai non nước nghe chừng nặng Chớp mắt trăng hoa giả cách nhèm Cũng đã sư mô cùng đứa trẻ

Lại còn tấp tểnh với đàn em Xuân thu ướm hỏi đà bao tá?

Cái miếng phong tình vẫn chửa khem

(Già chơi trống bỏi)

Ông này tai đã hơi nghễnh ngãng, nhưng mắt nhìn trăng hoa, nhìn phụ nữ thì vẫn còn tinh lắm, có lèm nhèm cũng là giả vờ đó thôi. Đúng là "tình yêu không có tuổi" đối với những lão già chửa biết khem cái "miếng phong tình" như thế!

Xã hội kiểu Tây ta lẫn lộn đã làm thay đổi những chuẩn mực văn hoá truyền thống, làm cho một số người trở thành những kẻ "cổ cong mặt lệnh", chẳng còn biết đạo đức và nhân phẩm là gì, hơn thế nữa, nó còn sản sinh ra

những con buôn trục lợi theo kiểu lừa đảo. Tú Xương đã vạch ra một số thủ đoạn của bọn chúng:

Nước buôn như chị mới ăn người Chị thấy ai ru chị cũng cười

(Gái buôn II)

Rồi thì xảo quyệt, lấy nhan sắc của mình ra để câu khách, lợi dụng sự mê muội của lũ người háo sắc mà mua rẻ, bán đắt:

Ai đấy ai ơi khéo hợm mình Giầu thì ai trọng khó ai khinh

Thằng Ngô mất gánh, say câu chuyện Chú lái nghiêng thoi, mắc giọng tình

(Gái buôn I)

Lợi dụng để vơ vét của cải của người khác, con buôn đã lộ rõ bộ mặt của kẻ tham tiền và xảo quyệt. Tú Xương không ưa gì loại người cơ hội này, ông lên tiếng phê phán cái kiểu "ăn người" của chúng.

Còn rất nhiều chân dung của những kẻ thị dân khác, nào là một anh kiệt nay lại chơi hoang, nào là những kẻ "keo cú như cứt sắt'', quanh năm chỉ "rặt thở chuyện hơi đồng".... Như thế hình tượng người thị dân được khắc hoạ trong thơ Tú Xương khá đậm nét. Đó là những kẻ với vẻ ngoài a dua "theo giọng tỉnh" hết sức lố bịch, tính cách bên trong thì tha hoá đủ đường: Tham lam, keo kiệt, giỏi lừa đảo, đặc biệt giỏi "chung chạ". Tú Xương quan sát và phản ánh chân thực hình ảnh của bọn chúng, kèm một thái độ coi thường, khinh bỉ.

Hình tượng kẻ thị dân là một hình tượng mới mẻ so với văn học dân gian và thơ Hồ Xuân Hương, chỉ trong xã hội Tú Xương mới xuất hiện. Nhưng nó đã gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc, bởi qua đó ta có thể hiểu rõ thêm về bức tranh xã hội đương thời.

Thế giới hình tượng trong thơ Tú Xương thật sinh động. Tác giả vừa tiếp nối những mô típ hình tượng của văn học dân gian vừa có những sáng tạo riêng của mình. Với hai hình tượng nghệ thuật tiêu biểu: hình tượng quan lại và hình tượng kẻ thị dân ông đã giúp cho chúng ta hình dung ra được bộ mặt của xã hội đương thời: Quan lại thì tham lam ngu dốt, người dân thì biến chất, tha hoá. Đó chính là sản phẩm của xã hội nửa Tây nửa ta cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Qua việc tìm hiểu hệ thống hình tượng trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương người viết rút ra những nhận xét như sau:

* Nhận xét

Điểm giống nhau là cả hai nhà thơ đều tiếp thu những mô típ hình tượng vốn là tiêu biểu trong văn học và văn hoá dân gian: hình tượng người phụ nữ, hình tượng miếng trầu, hình tượng quan lại.... Họ cùng đứng trên quan điểm của nhân dân để đánh giá cũng như thể hiện thái độ với những nhân vật được biểu hiện. Họ yêu mến những người có phẩm chất tốt đẹp nhưng kém may mắn, họ phê phán những kẻ xấu xa, tham lam, quỷ quyệt. Nhưng bên cạnh đó họ vẫn có những sáng tạo riêng, độc đáo, thể hiện được cá tính và phong cách của mình. Là một nữ sĩ, Hồ Xuân Hương chú ý khắc hoạ hình tượng người phụ nữ với những vẻ đẹp vừa giống những cô gái trong thơ ca dân gian, vừa có những nét riêng của cá tính và sự phá cách. Không phải là vẻ đẹp nhu mì mà đó là vẻ đẹp mạnh mẽ, sẵn sàng nổi loạn để giành lại hạnh phúc, quyền sống cho chính mình. Với những hình tượng nghệ thuật mang tính phồn thực, bà đưa vào thơ với mật độ dầy đặc để truyền tải được tinh thần của tín ngưỡng dân gian là cầu sự sinh nở, no đủ . Nó không hề là tục, bởi nó kêu gọi con người hãy trở về với cuộc sống tự nhiên, tôn trọng và bảo vệ tự nhiên. Nó là bài ca ca ngợi sự sống, đề cao quyền lợi chính đáng của con người. Hồ Xuân Hương tiếp thu những biểu

tượng gốc trong tín ngưỡng phồn thực nhưng bên cạnh đó bà còn sáng tạo ra những biểu tượng riêng của mình, thể hiện tài năng của nữ sĩ.

Với Tú Xương, tiếp thu mạch thơ ca trào phúng trong dân gian, ông dựng lên chân dung của bọn quan lại phong kiến với đủ hình dạng, tính cách xấu xa. Bên cạnh đó, ông còn sáng tạo ra một hình tượng nghệ thuật khá độc đáo là hình tượng kẻ thị dân- hình tượng khá mới mẻ trong văn học. Tài năng và phong cách của hai nhà thơ giúp cho họ tiếp thu dân gian nhưng vẫn có những sáng tạo mới mẻ riêng, lồng vào đó tinh thần riêng của thời đại mình.

Điểm khác nhau trong cách xây dựng hình tượng giữa Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương là ở mức độ chân thực và sống động. Nếu như trong thơ Hồ Xuân Hương hình tượng nghệ thuật còn ít nhiều mang tính tượng trưng, trừu tượng thì trong thơ Tú Xương nó là những hình tượng sống động của cuộc sống hàng ngày. Với chất hiện thực đậm nét, đọc thơ ta như được gặp những con người thực với đầy đủ tên tuổi, quê quán, tính cách. Điều này có thể là do nguyên nhân thời đại. Tú Xương sống trong một xã hội nửa thực dân, nửa phong kiến với những xáo trộn mãnh liệt làm tha hoá những giá trị truyền thống tốt đẹp nên thơ ông là tiếng nói tố cáo và phản kháng. Chất trào phúng trong thơ ông được thể hiện rõ nét. Để trào phúng ông phải dựng lên được những chân dung điển hình. Chính những bức chân dung ấy làm thơ ông hiện thực hơn, đời thường hơn.

Cùng tiếp thu những mô típ hình tượng của văn học và văn hoá dân gian nhưng cách xử lí và tái tạo lại của mỗi nhà thơ là khác nhau, mang dấu ấn cá nhân của từng nghệ sĩ. Nếu Hồ Xuân Hương nghiêng về những hình tượng mang ý nghĩa văn hoá và tôn giáo thì Tú Xương lại chú ý tới những hình ảnh hiện thực sống động hàng ngày. Nếu trong thơ Hồ Xuân Hương hình tượng luôn là những biểu tượng đa nghĩa thì trong thơ Tú Xương nó khá trực tiếp, dễ hiểu... Chính những điểm giống và khác nhau trong cách

tiếp thu những mô típ hình tượng mang tính dân gian này đã cho thấy tài năng, phong cách của từng nghệ sĩ. Một lần nữa cho ta hiểu rằng ở những nghệ sĩ lớn bao giờ thơ họ cũng thấm nhuần tinh thần dân tộc, thấm nhuần những giá trị văn hoá truyền thống. Thơ họ có sức sống mãi với thời gian là vì thế.

Chương III: So sánh yếu tố dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương qua ngôn ngữ nghệ thuật

I. Thống kê phân loại

Một phần của tài liệu Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh (Trang 69 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w