Mô típ hình tượng mang tính phồn thực

Một phần của tài liệu Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh (Trang 60 - 63)

III. Phân tích và nhận xét

b. Mô típ hình tượng mang tính phồn thực

Để hiểu về mô típ hình tượng mang tính phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương có lẽ cùng nên nhắc lại khái niệm về tín ngưỡng phồn thực- một tín ngưỡng phổ biến đã từng tồn tại trong nền văn hoá của thế giới và Việt Nam.

"Tín ngưỡng phồn thực là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, sùng bái sự sinh tồn nảy nở của tự nhiên và con người. Được hình thành từ rất xa xưa trong lịch sử, bản chất của tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng cầu sinh nở và no đủ.

ở nước ta tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử dưới hai dạng biểu hiện: thờ cơ quan sinh dục nam nữ và thờ bản thân hành vi giao phối." (Hỏi đáp về văn hoá Việt Nam- Trang 100).

Xuân Hương đã đưa những biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực vào thơ mình với một mật độ dầy đặc. Vào thế giới Hồ Xuân Hương ta như bước vào một nhà kính vạn gương, những biểu tượng phồn thực được nhân lên đến vô hạn, tạo thành một thế giới riêng biệt... đó là ống kính đặc tả của nhà thơ để ghi lại những trạng thái sung mãn nhất của sự sống.

Các hình tượng mang tính phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương rất đa dạng, phong phú. Như trên đã thống kê, nó bao gồm các biểu tượng liên quan đến cơ quan sinh dục nam nữ, đến hành vi tính giao, thân thể phụ nữ... Xuất hiện với mật độ cao nên nhiều người cho thơ bà là tục tĩu, bởi nó gợi cho người ta nghĩ đến những cái chẳng mấy thanh cao, chẳng nên có mặt trong thơ văn bác học. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng nó không

hề có ý tục, chỉ là phương tiện để bà nói lên những ý nghĩa khác, để chống áp bức, chống lại bọn thống trị. Tuy nhiên cả hai cách tư duy, nhận xét trên đều không giải thích thoả đáng được hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương. Thơ Xuân Hương vừa thanh vừa tục, nếu bảo là hoàn toàn thanh thì làm sao giấu được cái nghĩa phô ra mà ai cũng hiểu đó. Nếu bảo hoàn toàn là tục thì nghĩa là không hiểu được bản chất của những hình tượng mang ý nghĩa phồn thực trong thơ bà. Những biểu tượng đó chính là những biểu tượng mang ý nghĩa lịch sử tôn giáo, nó gắn chặt với một điều thiêng liêng là cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho mùa màng, con người, động vật và cây cối. Trong ý thức dân gian người ta cũng không coi đó đơn thuần là dâm tục. Chỉ có trong ý thức chính thống của xã hội thì đó mới là dâm tục, bởi vì người ta tách rời những biểu tượng này khỏi cái thiêng là cầu mong sự phồn thực, phồn sinh.

Lấy những biểu tượng từ trong tín ngưỡng dân gian, phổ vào đó thêm những nét nghĩa mới mẻ, Xuân Hương đã thể hiện rõ bà là người rất yêu sự sống, bảo vệ sự sống- sự sống của cây cối, mùa màng, của động vật và con người. Cái lí của bà là cứ theo tự nhiên, bởi vì con người cũng là một phần của tự nhiên. Chính vì thế bà mới ghét cay, ghét đắng lũ sư sãi- kẻ đã tuyên ngôn cái chân lí tu hành diệt dục đi ngược lại tự nhiên. Bà nhìn thấy trong hòn đá vốn vô tri, vô giác cũng có xuân tình:

Đá kia còn biết xuân già giặn Chả trách người ta lúc trẻ trung

Trở về với cái tự nhiên thuần khiết, nhưng tự nhiên đó là dựa trên cơ sở của tín ngưỡng phồn thực, đề cao sự sinh sôi nảy nở, đề cao sức sống, đề cao sự trường tồn. Đó là một thứ triết lí tự nhiên kết hợp được với những yếu tố của văn hoá cổ đại, dân gian lẫn những yếu tố bác học, duy lí của văn hoá thời đại.

Ví như khi bà miêu tả cái thân thể trong trạng thái tự nhiên đến hồn nhiên của người phụ nữ lúc đang qúa giấc nồng, ngoài việc ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên hài hoà và lí tưởng của con người bà còn thể hiện sự phản ứng lại với thói đạo đức giả, thói khinh thường thân thể, coi thể xác là thấp kém của đạo đức Khổng giáo thời đại bà.

Không chỉ tiếp thu những hình tượng mang ý nghĩa phồn thực trong tín ngưỡng dân gian, Hồ Xuân Hương còn sáng tạo thêm những hình tượng phồn thực mới mẻ mà chỉ trong thơ bà, trong văn cảnh bài thơ đó nó mới có ý nghĩa như thế. Như hình ảnh mặt trăng:

Một trái trăng thu chín mõn mòn Nảy vừng quế đỏ, đỏ lòm lom Giữa in chiếc bích khuôn còn méo Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm Ghét mặt kẻ trần đua xói móc

Ngứa gan thằng cuội đứng lom khom Hỡi người bẻ quế rằng ai đó

Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm

(Trăng thu)

Hay các vị thuốc, dao cầu thuyền tán cũng mang ý nghĩa biểu tượng gợi về nghĩa phồn thực:

Thạch nhũ trần bì sao để lại Quy thân, liên nhục tẩm mang đi Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ?

(Bỡn bà lang khóc chồng)

Thậm chí đầu sư- một thứ rất đáng kính mà trong thơ Hồ Xuân Hương cũng gợi cho người ta nghĩ đến một thứ khác, hay lâm tuyền cũng gợi đến hình ảnh của âm vật.

Xuân Hương đã sử dụng và sáng tạo thêm những hình tượng mang ý nghĩa phồn thực. Sự trở về với những biểu tượng phồn thực cổ xưa và dân gian của thơ Hồ Xuân Hương đã làm bật lên cái triết lý ca ngợi sự sống, ca ngợi bản chất tự nhiên của con người, khuyến khích con người sống, phát triển theo tự nhiên, chống lại những gì cản trở con người sống theo tự nhiên, làm què quặt con người. Theo triết lí tự nhiên, con người vừa phát triển được những thiên hướng riêng của mình, trở thành cá nhân, nhưng vẫn không tách rời khỏi thiên nhiên, khỏi cộng đồng. Triết lí tự nhiên đó, ở Hồ Xuân Hương, là triết lí phồn thực, một sáng tạo riêng của bà.

Tìm hiểu hình tượng nghệ thuật trong thơ Hồ Xuân Hương ta nhận thấy những hình tượng nghệ thuật đó gắn rất chặt với văn học và văn hoá dân gian. Nhưng bên cạnh đó nó lại có những ý nghĩa, những sắc thái riêng là sản phẩm của cá tính sáng tạo và tài năng Xuân Hương. Tiếp thu dân gian nhưng không lặp lại dân gian vẫn là một mẫu số chung trong nghệ thuật thơ Hồ Xuân Hương.

Một phần của tài liệu Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh (Trang 60 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w