III. Phân tích và nhận xét
a. Mô típ hình tượng từ văn học dân gian, văn hoá dân gian
* Hình tượng người phụ nữ
Người phụ nữ là hình tượng khá tiêu biểu trong văn học dân gian. Đó thường là những cô gái hiền dịu, nết na nhưng số phận thì hẩm hiu, vất vả. Qua đó các tác giả dân gian muốn gửi gắm những mơ ước, khát vọng về một xã hội công bình và tốt đẹp. Nối tiếp truyền thống ấy, Xuân Hương tái hiện trong thơ mình nhiều số phận của người phụ nữ trong thời đại của bà.
Là một nhà thơ nữ, Xuân Hương có đủ sự tinh tế, nhạy cảm; là một người hứng chịu những bất hạnh, thiệt thòi trong cuộc sống tình duyên, Xuân Hương có đủ tấm lòng cảm thông và bao dung đối với những người phụ nữ gặp cảnh lầm lỡ, bất hạnh như mình. Bà dành nhiều thiện cảm cho họ. Nếu những trang nam nhi quân tử trong thơ bà xuất hiện vẻ ngoài lấm lét, bản chất ngu dốt, xấu xa, thì ngược lại những người phụ nữ hiện lên với vẻ đẹp thật rạng ngời. Xuân Hương đề cao người phụ nữ bởi bà nhận thấy trong cái xã hội mà người phụ nữ bị tước hết quyền lợi, chỉ là người thấp cổ bé họng, bản chất tốt đẹp cũng như sức sống mãnh liệt của họ. Các cô rất đẹp. Một vẻ đẹp đáng được đề cao và ngưỡng mộ. Trước hết là vẻ đẹp về hình thể : tươi tắn, viên mãn và tràn đầy nhựa sống. Như trong bài thơ "Bánh trôi nước" bà đã ca ngợi:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn Bảy nổi ba chìm với nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(Bánh trôi nước)
Bài thơ có hai lớp nghĩa. Bên ngoài là để miêu tả chiếc bánh trôi nước với hình dáng, tính chất của nó. Nhưng bên trong chính là ẩn dụ nghệ thuật về hình ảnh người phụ nữ. "Trắng" và "tròn" là hai tính từ miêu tả thân thể, nó gợi lên sự trắng trong, tinh khiết, viên mãn, tròn đầy. Người con gái đang ở trong độ tuổi thanh xuân- cái tuổi đẹp nhất, tràn đầy sức sống nhất. Cô giống như người thiếu nữ trong bài thơ "Thiếu nữ ngủ ngày":
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng Lược trúc biếng cài trên mái tóc Yếm đào trễ xuống dưới nương long Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm Một lạch đào nguyên suối chửa thông
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Người thiếu nữ được miêu tả trong trạng thái thật đặc biệt: lúc đang ngủ quên. Xuân Hương chắc cũng có dụng ý khi chọn hoàn cảnh này bởi đó là lúc con người trở về với vẻ tự nhiên của mình. Không có gì tô điểm, tất cả đều là vốn có. Cái đẹp đáng yêu và đáng trân trọng biết bao.
Thiếu nữ trong bài thơ chỉ nằm chơi mà hoá ngủ quên. nguyên nhân có lẽ là do nàng đã lao động mệt nhọc mà cái gió nồm đông mùa hè lại quá mơn man như vỗ về giấc ngủ. Chỉ vì quá giấc nồng một chút thôi nên bức chân dung cô gái vẫn thật đáng yêu. ở đó toát lên sự trẻ trung, mơn mởn, đầy khí lực. Vẻ đẹp không chút yêu kiều, đài các mà dân dã, chắc nịnh. Một mái tóc dài đen mượt buông xoã như còn thơm hương hoa cỏ đồng nội. Cái yếm đào vô tình trễ xuống dưới nương long phô ra vẻ đẹp của cơ thể trẻ trung, tròn đầy, thơm mát sức sống. Vẻ đẹp trời sinh, tự nhiên của người thiếu nữ còn được chiêm ngưỡng trong sự trinh nguyên, e ấp:
Đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông
"Đôi gò", "một lạch" là những biểu tượng đa nghĩa và gợi mở. Nhưng "Bồng Đảo"," Đào Nguyên" là cảnh tiên, cái đẹp lí tưởng. Và hơn nữa tất cả hãy còn phong kín, e ấp, trinh nguyên không có chút gì vẩn bợn. Chính điều này làm cho vẻ đẹp của cô gái trở nên hoàn mĩ hơn. Cô là biểu tượng của sức sống căng tràn, thiết tha và rạo rực.
Xuân Hương không những nhìn thấy vẻ đẹp khoẻ mạnh của những cô gái trong đời thực, bà còn nhận thấy ngay cả những cô gái trong những bức tranh vẽ cũng mang một sức sống mãnh liệt:
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình Chị cũng xinh mà em cũng xinh Đôi lứa như in tờ giấy trắng Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh
Xuân Hương đã đem cái xuân xanh (vốn dĩ nhất thời) đối lập với cái ngàn năm (vĩnh hằng trường cửu) cho ta thấy đó là vẻ đẹp còn mãi với thời gian.
Người phụ nữ trong thơ Xuân Hương không chỉ đẹp về hình thể. Vẻ đẹp toả ra từ tâm hồn của họ cũng thật thuần khiết đáng đề cao và trân trọng. Đó là "tấm lòng son" của cô gái trong bài thơ "Bánh trôi nước", dù có bị bẩy nổi ba chìm với nước non, bị cuộc đời xô đẩy vẫn không làm méo mó hoặc hoen ố được tâm hồn cô:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(Bánh trôi nước)
Chữ "son" làm bừng sáng tâm hồn, bừng sáng bài thơ. Kết hợp vẻ đẹp "trắng", "tròn" về thân thể bên trên với vẻ đẹp của một tấm lòng son sắc bên dưới, hình tượng cô gái được dệt lên thật hoàn mĩ biết bao.
Người phụ nữ trong thơ Xuân Hương còn đẹp trong sự hi sinh, đảm đang, lo toan cho gia đình. Hãy nghe tâm sự của một cô gái:
Hỡi chị em ơi có biết không? Một bên con khóc một bên chồng Bố cu lổm ngổm bò trên bụng Thằng bé hu hơ khóc dưới hông Tất cả những là thu với vén
Vội vàng nào những bống cùng bông
(Cái nợ chồng con)
Không khắc họa chân dung ở hình dáng bề ngoài, chỉ chú ý vào đức tính đảm đang của người phụ nữ, Xuân Hương đã khơi dạy vẻ đẹp truyền thống ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam. Hình tượng người phụ nữ trong bài thơ này cũng làm cho ta nhớ tới câu ca dao quen thuộc nói về sự bận bịu của người phụ nữ có chồng và con nhỏ:
Có con chẳng được đứng lâu nửa giờ
Họ thu với vén, vội vàng với những bống cùng bông, quên đi chăm sóc cả bản thân mình. Nhưng chính trong sự hi sinh thầm lặng đó đã toát lên vẻ đẹp của họ. Hai câu kết bài thơ, dù cho người phụ nữ có muốn nói to lên với tất cả mọi người rằng: "Chồng con cái nợ là như thế" nhưng ta thấy đó chỉ là một lời trách yêu, một lời nói đùa, chứ không phải là một sự ngao ngán, muốn chối bỏ cái trách nhiệm cũng như hạnh phúc gia đình mà mình đang có. Họ chỉ muốn được cảm thông, được chia sẻ, còn nếu phải hi sinh, phải vất vả họ đâu có ngại gì.
Đẹp về hình thức, đẹp về tâm hồn, nhưng nếu chỉ có vậy thì họ dễ bị chìm lấp đi trong các hình tượng khác và không gây được ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Xuân Hương là người có phong cách riêng và hình tượng người phụ nữ của bà cũng vậy. Họ còn đẹp bởi có cá tính mạnh mẽ, có sự phá cách khác với những gì nhạt nhạt bình thường. Đây chính là nét độc đáo riêng của nhân vật Xuân Hương.
Phải thừa nhận rằng có đôi khi người phụ nữ trong thơ bà thật hiền, nhún mình xuống trong hai chữ "Thân em..." dịu dàng, hoặc ý nhị khẳng định cái tôi của mình bằng cách xưng tên :"Này của Xuân Hương...", nhưng đa phần họ là những người mạnh mẽ và quyết liệt. Họ dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Xã hội xưa không chấp nhận cảnh người phụ nữ chửa hoang, nhưng người phụ nữ trong thơ bà thì dám phá bỏ luật lệ để bảo vệ cái mầm sống đang lớn lên từng ngày:
Cái nghĩa trăm năm chàng nhớ chửa Mảnh tình một khối thiếp xin mang Quản bao miệng thế đời chênh lệch Không có nhưng mà có mới ngoan. (Không chồng mà chửa)
Sự phá cách tức là làm trái, làm khác với lẽ thường. Người phụ nữ trong bài thơ thật dũng cảm. Chính điều này giúp cho chúng ta hiểu và cảm thông với những người không chồng mà chửa.
Hay trong bài "Làm lẽ", người phụ nữ đã không cam chịu tình cảnh bất công của mình. Cô bày tỏ bằng tiếng chửi:
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Lớn tiếng nói to lên những bất công cũng như những bức xúc, cô như muốn trách móc, muốn tung hê, muốn mọi người hiểu được những gì mà những người phụ nữ như cô phải chịu đựng. Nếu như trong ca dao người con gái thường nhẫn chịu những thiệt thòi, nhưng trong thơ Xuân Hương họ đã có dũng khí đứng lên để đấu tranh với những điều ngang trái, giành lại hạnh phúc cho mình. ý thơ thật mạnh mẽ, lời thơ cũng như muốn đảo lộn cả khuôn khổ.
Trong cái xã hội mà người phụ nữ bị đẩy xuống hàng thứ yếu, bị coi thường, không có quyền lợi cũng như tiếng nói, thì việc Hồ Xuân Hương khẳng định tài năng, cá tính của họ đã chứng minh họ không kém gì những tu mi nam tử. Nếu trong thơ bà quân tử thì lén lút, kẻ sĩ thì dốt nát, ngược lại người phụ nữ rất mực thông minh. Họ như đứng trên những kẻ vốn được đề cao đó. Xuân Hương đã xưng "chị" với chúng để khẳng định tầm vóc, vị thế của mình:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ Lại đây cho chị dậy làm thơ
(Lũ ngẩn ngơ)
Không còn là "em" hay "thiếp", không còn là "dạ" và "thưa" nữa mà là "chị và "dậy". Thật là một sự thay đổi ngôi thứ đáng ngạc nhiên, vừa hạ thấp đối tượng, vừa nâng mình lên cao. Bản lĩnh, cá tính Xuân Hương là thế!
Hay khi đứng trước đền thờ tên thái thú Sầm Nghi Đống người phụ nữ ấy cũng có thái độ thật khác thường: Bà không ngắm, không nhìn mà
ném vào đó một cái "ghé mắt trông ngang" đầy coi thường, khinh bỉ. Kẻ được thờ phụng trong ngôi đền kia bị hạ bệ một cách không thương tiếc. Sau cái nhìn là thái độ bất bình:
Ví đây đổi phận làm trai được Thì sự anh hùng há bấy nhiêu
(Đề đền Sầm Nghi Đống)
Cách xưng "đây" sừng sững hiện lên một cá tính Xuân Hương. Không thua kém bất cứ một nam tử nào và nếu được đổi phận thì cái "sự anh hùng" của kẻ ngồi trong ngôi đền kia nào có đáng kể gì?
Như vậy, từ cách xưng hô đến cách nghĩ, cách làm, người phụ nữ trong thơ Xuân Hương đều thể hiện một bản lĩnh và một cá tính mạnh mẽ. Đó là nét riêng độc đáo, nó phản ánh chính con người nhà thơ.
Qua sự phân tích bên trên, ta có thể nhận thấy người phụ nữ trong thơ Xuân Hương vừa có nét giống với những cô gái trong văn học dân gian vừa có nét tính cách riêng độc đáo. Họ là những con người thật đẹp, tràn đầy sức sống, tràn đầy lòng yêu đời, luôn luôn muốn khẳng định mình. Đó là đóng góp mới mẻ của bà, là tinh thần nhân văn cao cả của một nhà thơ thời phong kiến.
* Hình tượng miếng trầu
Miếng trầu vốn là hình ảnh mang nghĩa biểu tượng quen thuộc trong thơ ca dân gian cũng như trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. "Miếng trầu là đầu câu chuyện", miếng trầu là vật giao duyên:
Miếng trầu là nghĩa tương giao
Muốn cho đây đấy duyên vào hợp duyên
Hay:
Cho anh một miếng trầu vàng Mai sau anh trả lại nàng đôi mâm
Trong bài thơ "Mời trầu" Xuân Hương tiếp tục khai thác ý nghĩa của hình tượng này. Nhưng miếng trầu và cách mời trầu của bà thì khác hẳn:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi Này của Xuân Hương mới quệt rồi Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá bạc như vôi
(Mời trầu)
"Quả cau nho nhỏ" đã có lần xuất hiện trong ca dao, nhưng "miếng trầu hôi" thì là sáng tạo riêng của nữ sĩ. Hai thứ cau, trầu đều bình thường, kém giá trị lại có vẻ gì đó thô lậu kết hợp với nhau, chắc người mời sẽ không tránh khỏi cảm giác ngượng ngùng, hèn mọn với một sản phẩm như thế. Nhưng ngược lại, Xuân Hương không hề xấu hổ, bà mời trầu với thái độ thật tự tin, thật táo bạo. Bà khẳng định: "Này của Xuân Hương ..." tức là xác định chủ thể của miếng trầu đó một cách rõ ràng, điều này tạo nên sự chú ý đặc biệt đối với người được mời. Miếng trầu này dù có thể nó không ngon nhưng nó là của Xuân Hương, nó là tấm lòng chân thành, cởi mở và hết sức dạt dào mãnh liệt của nàng. Lời mời có gì đó thật tha thiết, vừa như mời gọi, vừa như khẳng định. Xuân Hương đã gửi cả tấm lòng vào lời mời ấy.
Miếng trầu của Xuân Hương có ý nghĩa cá thể hoá. Nó thể hiện sự hồn nhiên táo bạo và tự tin kiêu hãnh nhưng khiêm nhường giản dị của con người Xuân Hương.
Một điều đặc biệt nữa là nếu như trong ca dao miếng trầu là tín hiệu giao duyên hay tín hiệu của hôn nhân thì trong thơ Xuân Hương bà đã mở rộng tín hiệu đó ở một thời điểm đặc biệt của quan hệ tình yêu và kéo dài sinh mệnh của tình yêu trong cả chặng đường lâu dài mai sau. Điều này được thể hiện trong lời nhắn gửi:
Có phải duyên nhau thì thắm lại Đừng xanh như lá bạc như vôi
Mời trầu- mời tình duyên kèm theo cả lời nhắn nhủ hãy luôn giữ cho mối lương duyên ấy keo sơn, thắm thiết mãi mãi với thời gian. Đó là tâm nguyện của Xuân Hương. Mượn hình ảnh biểu tượng của ca dao để lồng vào đó những ý tình riêng của mình, Xuân Hương quả thật độc đáo. Không ai dễ quên được miếng trầu của nàng.