Hình tượng nghệ thuật từ văn học dân gian, văn hoá dân gian

Một phần của tài liệu Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh (Trang 63 - 69)

III. Phân tích và nhận xét

a. Hình tượng nghệ thuật từ văn học dân gian, văn hoá dân gian

Bước vào thế giới thơ Trần Tế Xương ta bắt gặp rất nhiều hình tượng nghệ thuật mang hơi thở của văn hoá và văn học dân gian. Ví như hình tượng người phụ nữ lặn lội như thân cò nơi quãng vắng hay hình tượng của những ông chồng vô tích sự vốn là đối tượng chế giễu trong văn học dân gian. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ đi sâu vào hình tượng quan lại- một hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc mà Tú Xương đã rất thành công khi xây dựng.

*Hình tượng quan lại

Nếu như người phụ nữ là hình tượng nổi bật trong thơ "Bà chúa thơ Nôm" thì trong thơ Tú Xương ông lại quan tâm khắc hoạ hình tượng bọn quan lại. Nối tiếp truyền thống của thơ cơ trào phúng dân gian, ngòi bút sắc

sảo của ông dựng lên rất nhiều chân dung quan với vẻ mặt xấu xa và tính cách nhơ bẩn. Ta hãy cùng vào phòng trưng bày của ông, nơi đó những viên quan chỉ là những kẻ tham lam, keo kiệt, chuyên vơ vét của cải của dân để cho đầy túi mình. Một tri phủ Xuân Trường quen phê "một chữ tiền":

Tri phủ Xuân Trường được mấy niên Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên

Chữ y chữ chiểu không phê đến Ông chỉ quen phê một chữ tiền

(Tri phủ Xuân Trường)

Không biết ông này đã làm quan được bao nhiêu năm, nhưng chắc trong suốt thời gian đó, ông không biết gì khác ngoài ăn tiền của nhân dân. Hai câu mở đầu, nhà thơ nói bóng gió, mỉa mai cái "sự bình yên" giả tạo của hạt mà tri phủ này cai trị. Hai câu cuối nhà thơ nói thẳng, chửi thẳng vào mặt kẻ tham tiền. à, hoá ra sự bình yên ấy chỉ là bình yên dưới đôi mắt của kẻ quan liêu, nào có biết gì đến tình hình của dân. "Quen phê" tức là hành động này đã diễn ra rất nhiều lần. ăn tiền đã trở thành một thói quen của ông tri phủ. Bài thơ có kết cấu bất ngờ, độc đáo. Bộ mặt của viên quan này chỉ đến cuối bài thơ mới bị lột ra, để lộ rõ chân tướng của kẻ tham lam, giỏi đục khoét.

Tham lam, giỏi vơ vét đã là một điểm chung của lũ quan lại thời Tú Xương. Trong bài "Hót của trời" ông viết:

Nó rủ nhau đi hót của trời Đang khi trời ngủ của trời rơi Hót mau kẻo nữa kinh trời dậy Trời dậy thì bay chết bỏ đời

(Hót của trời)

Tú Xương gọi "nó" để chỉ chung lũ quan lại đương thời. Cả một lũ lúc nhúc đang rủ nhau đi vơ vét của nhân dân. Hành động của bọn chúng

thật lén lút chẳng khác gì những tên ăn trộm đội lốt quan bên ngoài. Giọng điệu thơ Tú Xương thật mỉa mai, châm biếm. Với bài thơ này ông đã giáng cho bọn chúng một trận đánh "bỏ đời" khiến cho những tên ăn trộm chuyên nghiệp đó phải e dè.

Trong một bài khác bằng một giọng đùa bỡn Tú Xương đã lên án thói tham lam của ông phó bảng nọ:

Tri huyện lâu nay giá rẻ mà Ví vào tay tớ quyết không tha ...

Ông mà giữ tính kiêu kỳ mãi Huấn đạo như ông huấn đạo già

(Bỡn ông phó bảng)

Đây là bài thơ mà tác giả nhân lấy cái thực tế mua quan bán tước lúc bấy giờ khuyên đùa ông huấn đạo này nên bỏ chân huấn đạo mà chạy chọt lấy một chân tri huyện thì mới mong có cơ trở nên giầu sang được! Ai ngờ lời khuyên của Tú Xương trở thành sự thực, tên này đã leo lên gần đến chức quan tuần phủ và nổi tiếng ăn hối lộ của dân. Như vậy đùa bỡn mà hoá thực bởi ông lạ gì lũ quan lại thời bấy giờ. Bọn chúng chỉ là lũ sâu bọ đục khoét của nhân dân chứ làm gì có sự thanh liêm, chính trực? Cái tính "kiêu kỳ" mà tác giả nhắc đến cũng chỉ mang nghĩa mỉa mai, không tránh khỏi sau đó một nụ cười nhếch mép khinh bỉ. Trong cái xã hội thời đó, Tú Xương nhận thấy bọn quan lại không chỉ là lũ tham lam mà còn keo kiệt vô cùng:

Tú kiệt, đồ keo cũng một môn Phải ai tai nấy, thất kinh hồn

Người sao rặt những phường thâm móng Trời để chơi khăm đứa nhẵn trôn

Bằng những hình ảnh thơ giầu sức gợi chân dung của ông tú và ông đồ đã hiện rõ lên là những kẻ keo kiệt, bủn xỉn. Thật đáng khinh, đáng ghét biết bao!

Lũ quan lại không những tham lam mà còn cực kì ngu dốt và háo danh. Chúng leo lên được chức quan này quan nọ chỉ là do tiền, giỏi chạy chọt nên nào có biết chữ gì trong bụng. Tú Xương đã giễu, đã chửi vào mặt những tên quan ngu dốt ấy một cách không tiếc lời. Nào là ông huyện nọ được cắt cử vào việc chủ việc thi nhưng chẳng biết chữ gì:

Thánh cắt ông vào chủ việc thi đêm ngày coi sóc chốn trường quy Chẳng hay gian dối vì đâu vậy Đ. mẹ thằng ông biết chữ gì

(Chế ông huyện)

không một chữ trong bụng nên nào biết người ta gian dối thế nào. Nhà thơ tức quá mà văng tục vào mặt kẻ ấy cho bõ ghét. Ông huyện đã vậy, còn ông hàn thì thế nào? Đó thực ra cũng chỉ là kẻ háo danh, mua quan bán tước nên ngu dốt chẳng kém:

Hàn lâm tu soạn kém gì ai Đủ cả vung nồi cả cóng chai ví phỏng quyển thi ông được chấm Đù cha, đù mẹ đứa riêng ai

(Đùa ông hàn)

Hoá ra ông này chỉ xuất thân từ nghề nấu rượu. Nấu rượu thì biết vung nồi, cóng, chai chứ biết gì chữ nghĩa. Vậy mà cũng leo lên được đến chức "hàn lâm tu soạn"- một phẩm hàm của triều đình- thì ta cũng thật đáng nể cái tài chạy chọt của ông. Rồi ông đồ Bốn ở phố hàng sắt cũng có bộ mặt thật là thằng bán sắt:

Hỏi ra mới biết thằng bán sắt Mũi nó gồ gồ trán nó giô

(Giễu ông đồ Bốn ở phố hàng Sắt)

Thế mới biết trong thời đại mua quan bán tước, những kẻ làm quan là những kẻ ngu dốt biết nhường nào. Đã vậy bọn chúng lại là những người cầm cân nảy mực, quyết định số phận của người khác. Thật đáng nực cười thay:

Sơ khảo khoa này bác cử Nhu Thật là vừa dốt lại vừa ngu

Văn trường nào phải là đơn thuốc Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu

(Ông cử Nhu)

Tú Xương không nề hà, ngần ngại. Ông nói thẳng vào mặt kẻ làm chủ kì sơ khảo là kẻ "vừa dốt lại vừa ngu". Bởi ông này xuất thân từ thằng bán thuốc, vậy thì đừng có khuyên xằng như quen tay vẫn làm trong nghề bốc thuốc mà "chết bỏ bu" đó. Không chỉ mua những chức quan địa phương, những kẻ ngu dốt, háo danh còn bỏ tiền ra mua được cả những chức quan to, hay những học vị rất cao như tiến sĩ:

Tiến sĩ khoa này đỗ mấy người? Xem chừng hay chữ có ông thôi! Nghe văn mà gớm cho ông mãi Cờ biển vua ban cũng lạ đời!

(Ông tiến sĩ mới)

Ông này là một trong số ít những người đỗ được tiến sĩ, "hay chữ" nhất, vậy văn chương của ông thế nào? Tú xương phải dùng đến từ "gớm" để diễn tả cái hay của văn ông. "Nghe văn mà gớm cho ông mãi". "Gớm" là gớm giếc, là đáng kinh tởm. Vậy mà ông vẫn đỗ cao khiến tác giả không khỏi ngạc nhiên, thắc mắc: "Cờ biển vua ban cũng lạ đời!". Lạ thay cái sự đời, người tài giỏi thì bị vùi dập, kẻ bất tài thì ngoi lên hàng thống trị

nghênh ngang. Đã vậy chúng lại không còn liêm sỉ, ngang nhiên chúc tụng nhau về cái "sang" của mình:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang đứa thời mua tước đứa mua quan phen này ông quýêt đi buôn lọng vừa bán vừa la cũng đắt hàng

(Năm mới chúc nhau)

Cả một xã hội đảo điên với việc mua quan, mua tước. Thử hỏi những người tài giỏi, còn lương tâm, nhân phẩm như Tú Xương không uất ức, không căm phẫn sao được? Tú Xương đã bất bình, đã lớn tiếng chửi lại bọn chúng. Nhưng những cái mặt quan vẫn cứ nhơn nhơn, vì ngu dốt, chúng đâu có liêm sỉ gì!

Bọn chúng không chỉ tham lam, ngu dốt mà còn giỏi ăn chơi và bịp bợm. Ông đốc học thì ham chơi cờ bạc:

Ông về đốc học đã bao lâu Cờ bạc ăn chơi rặt một màu Học trò chúng nó tội gì thế Để đến cho ông vớ được đầu

(Chế ông đốc học)

Viên quan trông coi việc giáo dục cho cả một tỉnh mà lại chỉ ham mê cờ bạc rặt một màu như vậy thì còn làm được việc gì nữa? Thật đáng thương cho lũ học trò!

Trong một bài khác, mượn lời của một cô hầu gửi quan lớn, Tú Xương đã vạch mặt viên quan giỏi bịp bợm, lúc nào cũng lên mặt trung hiếu nhưng thực ra bất trung, đi làm tay sai cho giặc:

Trách người sao chẳng trách mình? Mình trung đâu đấy trách người trinh?

...

Cổ cong mặt lệnh người đâu thế Cái cóc bôi vôi khéo dại hình.

(Cô hầu gửi quan lớn)

Bộ mặt gớm giếc rất hợp với tính cách giả dối, bịp bợm của tên quan này. Chỉ bằng một số chi tiết tiêu biểu, Tú Xương đã lột tả được bộ mặt thật của bọn chúng.

Như vậy có thể thấy hình tượng quan lại trong thơ Tú Xương thật đa dạng, sinh động. Tú Xương không ngần ngại đưa vào thơ mình một triển lãm tranh về các quan với đủ bộ dạng và tính cách. Nhưng điểm chung của chúng là xấu xa từ hình thức bên ngoài đến tính cách bên trong. Đáng gớm biết bao khi nhìn vẻ ngoài của các quan. Nào là:"Thành thì đen kịt đốc thì lang", "Mũi nó gồ gồ trán nó giô" đến những kẻ "cổ cong mặt lệnh"... Nhưng đáng ghê tởm hơn là bản chất của bọn chúng: Chúng tham lam, keo kiệt, ngu dốt, háo danh và chỉ giỏi ăn chơi, bịp bợm. Tú Xương đã cá thể hoá, điển hình hoá tính cách của từng viên quan, nên trong phòng triển lãm của ông dù có rất nhiều bức chân dung người ta vẫn không thể nhầm lẫn. Điều này giúp Tú Xương đi xa hơn so với các tác giả dân gian bởi các tác giả dân gian mới chỉ dừng lại ở mức độ phê phán chứ chưa cá thể hoá, chỉ mặt, gọi tên từng viên quan ra mà chửi như Tú Xương. Bản lĩnh của nhà thơ sông Vị thật đáng để chúng ta kính phục.

Thời đại của Tú Xương là thời đại Tây ta lẫn lộn, thời đại của sự lố lăng và ô hợp. Thông qua hệ thống hình tượng lấy từ hiện thực cuộc sống Tú Xương đã một lần nữa làm nổi rõ lên bức tranh xã hội đương thời.

Một phần của tài liệu Yếu tố dân gian trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương từ góc nhìn so sánh (Trang 63 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(108 trang)
w