0
Tải bản đầy đủ (.doc) (108 trang)

Cách nói lái

Một phần của tài liệu YẾU TỐ DÂN GIAN TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ TRẦN TẾ XƯƠNG TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH (Trang 95 -97 )

III. Phân tích và nhận xét

a. Cách nói lái

"Nói lái là cách người ta dùng lối đánh tráo phụ âm đầu và phần vần giữa các âm tiết để tạo nên những từ ngữ khác dưới dạng tiềm năng. Khi tiềm năng từ ngữ này được thực hiện thì nó sẽ tạo ra những nội dung mới, bất ngờ, hiểm hóc. Nói lái thường được dùng trong châm biếm, đả kích." (Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt- trang 324)

- Trong thơ Hồ Xuân Hương

Như trên đã thống kê, trong thơ Xuân Hương có bốn lần bà sử dụng cách nói lái. Và đối tượng mà bà muốn phê phán, chế giễu chủ yếu nhằm vào bọn sư sãi, nhà chùa. Ta hãy đọc lại những câu thơ đó:

Quán Sứ đâu mà cảnh vắng teo Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?

( Chùa Quán Sứ)

Chày kình tiểu để suông không đấm Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo

(Chùa Quán Sứ)

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo ....

Trái gió cho nên phải lộn lèo

( Cái kiếp tu hành)

Thú vui quên cả niềm lo cũ Kìa cái diều ai nó lộn lèo

(Quán Thánh)

Trong cả bốn bài thơ bà đều gieo vần thật lắt léo. Vần "eo" qua bàn tay xử lí tài tình của bà đã tạo nên những từ nói lái hiểm hóc. Nó giúp vạch rõ bản chất hổ mang của lũ sư sãi nhà chùa. Bọn chúng chỉ là một lũ ham mê nhục dục, nhưng bên ngoài thì ra vẻ ta đây. Thế nên với chúng, Xuân Hương không chửi thẳng mặt mà dùng cách nói lái với vỏ ngoài nghe có vẻ bình thường nhưng hiểu ra thì thật sâu cay. Nào là sư cụ, nào là tiểu, là vãi... tất cả đều bị hạ bệ một cách không thương tiếc.

Dân nhân ta từ xưa đã rất hay dùng cách nói lái để đùa vui hoặc đả kích châm biếm. Ví như để đả kích một tên quan, dân gian đã nói kín đáo: "Rực rỡ đường tây, kẻ lại người qua hết lời ca tụng sinh phần quan lớn lại"

(nói lái: Quan lái lợn). Nó là một hình thức ngôn ngữ rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt của người lao động, qua đó thể hiện trí tuệ sắc sảo và hóm hỉnh của người bình dân. Hồ Xuân Hương vận dụng cách nói dân gian này để nhằm đả kích những đối tượng mà bà căm ghét. Bà đưa lối nói của nhân dân vào thơ một cách thật sáng tạo, qua đó chúng ta thấy sự gần gũi của thơ Xuân Hương đối với cuộc sống bình dị của con người.

- Trong thơ Trần Tế Xương

Giống như Hồ Xuân Hương, trong một số trường hợp Tú Xương cũng sử dụng cách nói lái để làm tăng thêm giá trị biểu đạt cho câu văn:

Thôi thôi xin kiếu cô từ đấy Chiêu đãi thì tôi cũng váo đèo

(Không chiêu đãi)

Bỡn thì xin trả ngay cho tớ Không trả thì xơi cái tử cù

(Mất hai hào)

Không nhằm phê phán một đối tượng cụ thể nào, cách nói lái trong những câu thơ trên giúp người đọc thấy được sự dí dỏm, hài hước trong nghệ thuật cũng như trong con người Tú Xương.

Như vậy, với việc sử dụng hình thức nghệ thuật nói lái theo kiểu dân gian, thơ Hồ Xuân Hương và Trần Tế Xương đã tiến gần hơn đến đời sống bình dị của nhân dân lao động. Chính nó làm đậm hơn chất dân gian trong thơ của hai tác giả này.

Một phần của tài liệu YẾU TỐ DÂN GIAN TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ TRẦN TẾ XƯƠNG TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH (Trang 95 -97 )

×