Một số bài học rút ra từ kinh nghiệm đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án của một số nước và các địa phương ở nước ta

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án tại Hà Nội pptx (Trang 36 - 39)

hình dự án của một số nước và các địa phương ở nước ta

Thứ nhất, về vai trò của Nhà nước trong đầu tư phát triển nhà ở. Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động đầu tư phát triển nhà ở. Kinh nghiệm của các nước và một số địa phương cho thấy rằng hoạt động này chỉ thực sự đạt hiệu quả cao khi có sự quản lý chặt chẽ, sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư phát triển nhà ở được thể hiện qua việc Nhà nước là người hoạch định chính sách vĩ mô; thực hiện quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở; thực hiện hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, tái định cư, vay vốn ưu đãi,… Từ kinh nghiệm thực tiễn, có thể nói rằng Nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động đầu tư phát triển nhà ở, do đó, cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của Nhà nước để hoạt động này đạt được các mục tiêu đề ra.

Thứ hai, kinh nghiệm huy động vốn trong đầu tư phát triển nhà ở. Tại nhiều nước trên thế giới cũng như các địa phương khác ở nước ta, các dự án đầu tư phát triển nhà ở muốn huy động được nguồn vốn lớn thì phải thực hiện việc đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Tại Nhật Bản và Mỹ nguồn vốn cho đầu tư phát triển nhà ở chủ yếu được huy động thông qua thị trường chứng khoán; tại Trung Quốc, nguồn vốn này được huy động thông qua các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đa xây dựng cơ chế ưu đãi cho người dân vay vốn tạo lập nhà ở thông qua các hình thức như: vay vốn ưu đãi, hỗ trợ tiền mua nhà, thuê nhà đối với những hộ gia đình có khó khăn về nhà ở... Tại nhiều địa phương ở nước ta, vấn đề huy động vốn đầu tư xây dựng nhà ở trong những năm vừa qua được thực hiện hết sức đa dạng. Điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tốt mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu nhà ở trong việc xây dựng nhà ở thông qua việc bảo lãnh cho vay dài hạn của doanh nghiệp đối với người lao động và sự liên kết với

các doanh nghiệp xây dựng nhà ở. Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng nhiều mô hình phát triển nhà ở xã hội, mà điển hình là mô hình Hợp tác xã nhà ở Gia Phú. Những kinh nghiệm này là bài học hết sức quí báu đối với thành phố Hà Nội trong quá trình đầu tư xây dựng nhà ở trong hiện nay.

Thứ ba, kinh nghiệm quản lý thị trường bất động sản. Thực tiễn cho thấy rằng quản lý tốt thị trường bất động sản thì là cơ sở hết sức quan trọng cho hoạt động đầu tư phát triển nhà ở. Để quản lý tốt thị trường bất động sản, ở các nước, khung pháp luật về bất động sản đã qui định hết sức chặt chẽ và chi tiết các điều kiện về sở hữu, sử dụng, khai thác và kinh doanh bất động sản. Hệ thống các qui định pháp luật về đất đai tương đối đồng bộ, ổn định và minh bạch, do đó hiện tượng đầu cơ, tranh chấp bất động sản thường ít xảy ra, các giao dịch về đất động sản được thực hiện nhanh chóng, thủ tục hành chính về đầu tư vào bất động sản không rườm rà, đó là những điều kiện hết sức quan trọng để quản lý thị trường bất động sản. Từ kinh nghiệm các nước cho thấy rằng, ở nước ta muốn quản lý tốt thị trường bất động sản, Nhà nước cần phải tiến hành sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật cho phù hợp với sự dịch chuyển của hàng hóa quyền sử dụng đất trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường hơn nữa vai trò quản lý của Nhà nước nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý thị trường nhà đất thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến thị trường quyền sử dụng đất, nhằm khắc phục những qui định chồng chéo, mâu thuẫn, làm hạn chế hiệu quả của thị trường quyền sử dụng đất, làm cho thị trường này đi vào ổn định và vận hành tuân theo qui luật cung - cầu.

Thứ tư, kinh nghiệm trong việc phát triển nhà ở xã hội. Tại một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vấn đề nhà ở xã hội luôn giành được sự quan tâm của chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội. ở các nước này, vấn đề phát triển nhà ở xã hội thường do các tổ chức phi chính phủ đảm nhận, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước (Mỹ), theo đó, các tổ chức này sẽ đứng ra kêu gọi sự hảo tâm của xã hội, sự đóng góp của các tập đoàn, các công ty… đóng góp tiền xây dựng nhà ở cho người nghèo. Tại Trung Quốc, vấn đề đầu tư phát triển nhà ở xã hội chủ yếu do chính phủ đảm nhận, chính phủ Trung Quốc đã xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ người dân có thu nhập thấp như: hỗ trợ vay vốn, bảo lãnh vay vốn mua nhà ở, bù giá lương vào nhà ở, thiết lập đa dạng các hình thức tạo lập nhà ở như nhà cho

thuê, nhà mua trả góp...

ở một số địa phương trong nước, chính quyền các cấp đã hết sức linh động trong việc xây dựng quỹ nhà ở xã hội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, để giải quyết nhà ở cho các đối tượng xã hội, chính quyền đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi đối với các đối tượng này, như hộ trợ các dự án nhà ở xã hội trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu đãi về tiền sử dụng đất, bảo lãnh cho vay vốn mua, thuê mua nhà ở; xây dựng các mô hình về phát triển nhà ở xã hội theo hướng xã hội hóa nhằm huy động hết các nguồn lực trong dân cư, mà tiêu biểu là mô hình của Hợp tác xã nhà ở Gia Phú và của Tổng Công ty địa ốc Sài Gòn…

Kết luận Chương 1

Chương 1 của luận văn đã trình bày một số vấn đề lý luận chung và thực tiễn đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án hiện nay. Chương này gồm 3 tiết, với các nội dung cụ thể như sau:

Tiết 1: Luận văn đã trình bày những vấn đề lý luận chung về đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án. Theo đó, luận văn đã đi từ việc tìm hiểu khái niệm đầu tư phát triển, khái niệm dự án đầu tư, từ đó đi đến tìm hiểu khái niệm, đặc điểm đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án. Sau khi tìm hiểu các vấn đề chung về đầu tư và đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án, luận văn đã đi vào phân tích các tiêu chí đánh giá hiệu quả của đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án tại thành phố Hà Nội.

Tiết 2: Trên cơ sở của những vấn đề lý luận chung, luận văn đã đi vào tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án tại Hà Nội. Gồm các nhân tố như: Nhà nước; vốn, nhân lực, khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu của thị trường nhà ở.

Tiết 3: Luận văn đã đi vào tìm hiểu kinh nghiệm của một số nước và các địa phương về phát triển nhà ở theo mô hình dự án. Trên cơ sở đó, luận văn đã rút ra các bài học mà thành phố Hà Nội có thể nghiên cứu áp dụng.

Chương 2

Thực trạng đầu tư và phát triển nhà ở theo mô hình dự án của thành phố Hà Nội hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Đầu tư phát triển nhà ở theo mô hình dự án tại Hà Nội pptx (Trang 36 - 39)