Nhóm giải pháp về văn hóa tinh thần

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo trong quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 66 - 68)

- Tích cực đầu tư xây dựng các thể chế văn hóa - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo, nhằm tạo môi trường thuận lợi để hạn chế những mặt tiêu cực của đạo đức tôn giáo.

Một điểm khá phổ biến là ở những vùng sâu, vùng xa (trong đó có những vùng là vùng của đồng bào có đạo), các thể chế văn hóa - xã hội ít được chú ý xây dựng. ở những vùng này, thường thì mật độ dân cư thưa thớt. Việc thiếu vắng các cơ sở trường lớp, các trung tâm văn hóa, thể thao, các câu lạc bộ, thư viện... làm thiếu đi những sinh hoạt mang tính cộng đồng xã hội. Cuộc sống của con người đôi khi trở nên đơn điệu, tẻ nhạt. Trong bối cảnh đó, một số người rất dễ tìm đến với các sinh hoạt tôn giáo như một nhu cầu tìm lại cái bản chất xã hội của mình, như một nhu cầu gặp gỡ, trao đổi tâm tư,

tình cảm giữa con người với nhau như một nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rồi dần dần họ trở thành tín đồ các tôn giáo một cách rất tự nhiên. Họ không cần quan tâm đến giáo lý, cũng không quan tâm đến cuộc sống kiếp sau nơi Thiên Đường, chốn Bạch Ngọc kinh hay cõi Niết Bàn, họ chỉ cần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa...

Vì vậy, đồng bộ với giải pháp tổ chức tốt lao động, sản xuất việc làm và xây dựng các đường giao thông, trạm xá, thủy lợi, phải đầu tư xây dựng các thể chế văn hóa - xã hội ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào có đạo.

Một mặt các thể chế cứng (hay còn gọi là thiết chế) như nhà trường, các trung tâm văn hóa, thể thao, các câu lạc bộ v.v... và các thể chế mềm như các tổ chức xã hội, tổ chức phong trào, các khuôn mẫu ứng xử... có chức năng là cơ sở cho các sinh hoạt cộng đồng xã hội. Mặt khác các thể chế đó đóng vai trò hình thành khung của đạo đức, lối sống và phong tục tập quán mới, tạo môi trường đẩy lùi những tiêu cực của đạo đức tôn giáo.

Việc xây dựng các thể chế văn hóa - xã hội đó về thực chất là xây dựng các cơ sở vật chất cho các hoạt động văn hóa - xã hội và đào tạo đội ngũ cán bộ cùng các quy chế để đưa các cơ sở vật chất đó vào hoạt động. Công việc này đòi hỏi Nhà nước phải có kế hoạch quan tâm thích đáng và đòi hỏi tính tích cực chủ động cao của các địa phương. Trong việc đào tạo cán bộ điều hành các hoạt động văn hóa - xã hội cũng cần chú ý lựa chọn cả những người địa phương có đạo để công việc hoạt động sẽ thuận lợi hơn.

- Tổ chức tốt các phong trào văn hóa - xã hội và chú ý xây dựng đạo đức gia đình văn hóa trong vùng đồng bào có đạo.

Đã có các thể chế văn hóa - xã hội thì bước tiếp theo là phải tổ chức tốt hoạt động của các phong trào văn hóa - xã hội. Đó là những phong trào như văn nghệ quần chúng, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện xã hội, bảo vệ môi trường. Các phong trào này có tác dụng củng cố tính cộng đồng của đồng bào có đạo. Thông qua đó bồi dưỡng tính tích cực - xã hội. Tính tích cực xã hội sẽ là chất men kích thích sự hình

thành đạo đức, lối sống mới. Thông qua đó đồng bào có đạo hòa nhập và chủ động thích ứng với kinh tế thị trường, với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cũng cần chú ý xây dựng đạo đức, gia đình văn hóa trong vùng đồng bào có đạo. Bởi cùng với xã hội, gia đình là chiếc nôi nuôi dưỡng, hun đúc những khuynh hướng, tình cảm đạo đức của con người. Đạo đức gia đình của các tôn giáo vốn có những hạt nhân hợp lý, phù hợp với đạo đức, gia đình văn hóa. Tuy nhiên trong đó có những yếu tố tiêu cực hạn chế. Vì vậy cần chú trọng xây dựng đạo đức, gia đình văn hóa trong vùng đồng bào có đạo để khắc phục, đi đến hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố tiêu cực đó. Đây là công việc có thể thực hiện được thông qua các phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa và các phong trào thôn, xóm văn minh, làng văn hóa... vốn đã xuất hiện ở các vùng nông thôn Việt Nam.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo trong quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 66 - 68)