Với sự xuất hiện của giai cấp công nhân và được sự giáo dục của Đảng, nhân dân ta ngày càng học tập, rèn luyện và tiếp thu chủ nghĩa tập thể trong đạo đức của giai cấp công nhân là giai cấp chỉ có thể giải phóng cá nhân với điều kiện giải phóng toàn giai cấp, chỉ có thể giải phóng giai cấp khi giải phóng toàn thể xã hội. Đạo đức mới của xã hội ta hiện nay là đạo đức đòi hỏi thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân. Đồng chí Lê Duẩn đã chỉ rõ: "Nguồn gốc đạo đức lớn nhất của chúng ta bây giờ là gì? Là vấn đề xây dựng chủ nghĩa tập thể, là vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân. Cá thể hay tập thể, cá nhân hay xã hội, đó là vấn đề cơ bản nhất của đạo đức mới trong xã hội hiện nay" [6, tr. 151].
Chủ nghĩa tập thể không hề phủ nhận lợi ích cá nhân như giai cấp tư sản xuyên tạc. "Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không bao giờ chủ trương xóa bỏ quyền lợi cá nhân, mà chỉ làm sao cho quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể được nhất trí... Ta khuyến khích mỗi người cố gắng tiến lên để cho đời sống chung và riêng được khá hơn... Đã là một người thì phải có cái riêng của con người, không thể có một con người siêu hình. Không thể phá đơn vị con người. Không còn cái riêng của con người nữa thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa, mất cơ sở" [7, tr. 36].
Chủ nghĩa tập thể phải vừa phấn đấu cho lợi ích chung của tất cả, vừa chăm lo đến tâm tư, nguyện vọng, hạnh phúc và tiến bộ của mỗi con người. Quá trình chuyển sang nền kinh tế thị trường ở nước ta đã và đang làm nảy sinh nhiều hiện tượng trái với định hướng xã hội chủ nghĩa và truyền thống của dân tộc ta. Mục đích sống lấy đồng tiền làm trung tâm, coi "đồng tiền là Tiên, là Phật" đang nổi lên mạnh mẽ, ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa người và người. Chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội được dịp ngóc đầu dậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ" [16, tr. 156].
"Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân" [16, tr. 156].
Tôn trọng chủ nghĩa tập thể đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần làm chủ. Con người có tinh thần làm chủ trên lập trường của giai cấp công nhân không phải chỉ quan tâm đến công việc chung của dân tộc, của giai cấp, của loài người, mà còn phải thiết thực quan tâm những cá nhân, những con người lao động mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày.
Làm chủ trên lập trường của giai cấp công nhân: "Nó không những chống lại ý thức làm chủ cá thể của bọn tư bản và của những người sản xuất nhỏ, mà còn chống lại cả tư tưởng "tập thể" theo lối phường hội, đem tập thể nhỏ của của mình tách rời sự lãnh đạo tập trung của nhà nước vô sản, đem lợi ích của tập thể này đối lập với lợi ích tập thể kia" [8, tr. 79].