Nhóm giải pháp về tổ chức quần chúng hoạt động thực tiễn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo trong quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 63 - 66)

- Tổ chức tốt lao động, sản xuất và việc làm cho đồng bào có đạo theo quỹ đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo. Số lượng tín đồ các tôn giáo có thể chiếm tới trên dưới 20% tổng dân số. Nếu kể cả những người có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì con số còn lớn hơn nhiều. Nước ta đang ở thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là sự nghiệp cách mạng đòi hỏi phải tập hợp được sức mạnh tổng hợp của quảng đại quần chúng nhân dân, trong đó quần chúng có tín ngưỡng tôn giáo là một lực lượng đáng kể. Để thu hút quần chúng có tín ngưỡng tôn giáo vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần phải tổ chức tốt các hoạt động lao động, sản xuất và việc làm cho đồng bào có đạo, theo quỹ đạo công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là việc làm thiết thực, không chỉ có ý nghĩa tập

hợp sức mạnh cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà còn là hoạt động có ý nghĩa tự thân phát huy tác dụng hình thành những phẩm chất đạo đức mới và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức tôn giáo.

Tổ chức tốt lao động, sản xuất và việc làm cho đồng bào có đạo trước hết là phải đảm bảo nhu cầu có việc làm cho những người đến tuổi lao động. Việc làm này có tính khả thi nếu ta biết thông qua việc khai thác các thế mạnh về công, nông, lâm, ngư nghiệp của từng địa phương với việc tham khảo kinh nghiệm những điển hình đã có trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu này. Hoạt động khai thác việc làm này sẽ góp phần vào phong trào "xóa đói, giảm nghèo" cho vùng đồng bào có đạo. Song như thế chưa đủ, bởi đó mới chỉ là bước đầu, việc làm tiếp theo là phải tổ chức ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với từng lĩnh vực công việc, ngành nghề để nâng cao năng suất lao động nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào có đạo và cho xã hội. Những hoạt động này phải được tiến hành thường xuyên, xem nó là nhu cầu bức xúc của các cấp, các ngành, các đoàn thể cơ sở và phải được sự chỉ đạo, quan tâm, đôn đốc, kiểm tra của các cấp ủy Đảng địa phương. Nếu tổ chức tốt các hoạt động trên chúng ta sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, về mức sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư có đạo với các vùng, các tầng lớp dân cư khác trong cả nước. Việc tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, nâng cao mức sống của bản thân sẽ giúp cho đồng bào có đạo dần hình thành niềm tin yêu lao động, tin yêu cuộc sống, tự tin ở khả năng sức lực của mình nơi trần thế, kích thích óc cải tiến sáng tạo trong lao động, sản xuất, đối lập với tính nhẫn nhục cam chịu mà đạo đức các tôn giáo đã khuyên dạy họ.

Tổ chức tốt lao động, sản xuất và việc làm cho đồng bào có đạo, cần phải từng bước đi đôi với đảm bảo công bằng xã hội gắn với tiến bộ xã hội, giải quyết tốt những vấn đề xã hội.

Ngoài việc đầu tư của Nhà nước, các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể nên thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, để xây dựng những công trình công cộng nhằm phục vụ nâng cao đời sống, phục vụ sản xuất của đồng bào có đạo như

các công trình đường điện, đường giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh xá, nước sạch v.v...

Tổ chức tốt việc phát triển kinh tế, tổ chức tốt đời sống đồng bào vùng đạo, giải quyết tốt các vấn đề xã hội nảy sinh thì mới tạo ra môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi cho việc hình thành, giáo dục những phẩm chất đạo đức mới. Chỉ có như vậy thì đạo đức mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa mới có cơ sở, điều kiện để hình thành, phát triển và khẳng định vị thế của mình trong đời sống tinh thần của đồng bào có đạo. Khi đạo đức mới trong vùng đồng bào có đạo đức được hình thành và phát triển thì cũng có nghĩa là những ảnh hưởng tiêu cực của đạo đức tôn giáo dần bị hạn chế, thu hẹp...

- Bên cạnh chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho nhân dân phải đồng thời cần hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo trong hoạt động từ thiện - xã hội.

Từ thiện xã hội là nội dung hoạt động nhạy cảm, là mối quan tâm thường xuyên của các tổ chức tôn giáo. Việc hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo thực hiện các điều quy định về từ thiện - xã hội, đã, đang và sẽ khẳng định chủ trương của Nhà nước ta là đúng đắn, vì chính những quy định này một mặt thể hiện chính sách đổi mới làm cho các tôn giáo, các giáo sĩ ngày càng hòa nhập vào cộng đồng, tích cực tham gia xây dựng đất nước, góp phần giải quyết khó khăn cho xã hội. Mặt khác, các cấp chính quyền qua đó cũng quản lý được các hoạt động của các tôn giáo trên lĩnh vực từ thiện. Hoạt động từ thiện của các tôn giáo có ý nghĩa tích cực đối với xã hội. Nhưng các hoạt động từ thiện cũng luôn là một lợi thế của các tổ chức tôn giáo, để qua đó họ khẳng định "bản chất nhân ái" của tôn giáo mình, đề cao quá mức vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên kẻ thù chính trị và kẻ thù giai cấp của chúng ta vẫn âm mưu phá hoại sự nghiệp cách mạng nước ta, chúng có thể khoác trên mình chiếc áo tín đồ, mang danh nhà tu hành để nuôi ý đồ và tham vọng của mình. Hoạt động từ thiện cũng là một lĩnh vực kẻ xấu dễ lợi dụng. Thực tiễn nước ta cho thấy, một số ít chức sắc, tu sĩ trong các giáo hội trong nước hoặc vì cuồng tín tôn giáo, hoặc vì quá trình gắn bó với chế độ cũ, còn có người giữ quan điểm chống chủ nghĩa xã hội, khi ta sơ hở đã lợi dụng tìm cách

gây rối, chống chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ bè phái trong các giáo hội, chúng muốn cô lập và loại trừ các tổ chức và các cá nhân có tinh thần gắn bó dân tộc, có tư tưởng tiến bộ trong các chức sắc, tín đồ tôn giáo. Lực lượng chống đối từ nước ngoài liên tục tác động vào trong nước. Trước hết là Mỹ và các thế lực thù địch đã phối hợp với nhau "trong diễn biến hòa bình" để chống Việt Nam. Họ đã tập hợp số người phản động trong các "tôn giáo hải ngoại" để dựng nên các tổ chức móc nối và chi viện cho bọn phản động trong nước (mà có thể là dưới chiêu bài tài trợ cho cá nhân hoặc các tổ chức tôn giáo để hoạt động từ thiện xã hội). Đài Va-ti-căng và báo chí phương Tây luôn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống lại Việt Nam, thủ đoạn của các thế lực phản động là: Tuyên truyền để đối lập chủ nghĩa Mác với tôn giáo; nêu luận điểm: "Chủ nghĩa xã hội là nhất thời; tôn giáo là vĩnh cửu"; vu khống nhà nước ta đàn áp tôn giáo, vi phạm dân chủ và nhân quyền, nhằm kích động quần chúng. Bọn xấu còn dùng vật chất để thu hút tín đồ; lợi dụng vào các sai sót, sơ hở của ta để xúi giục quần chúng, gây rối chống lại các quy định trong quản lý nhà nước. Do vậy, đi đôi với việc hướng dẫn, giúp đỡ và khuyến khích các hoạt động từ thiện - xã hội cần phải luôn luôn nâng cao cảnh giác đấu tranh chống các âm mưu thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng của các thế lực thù địch.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo trong quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 63 - 66)