Ảnh hưởng trong hành

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo trong quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 49 - 54)

Để thực hiện chủ trương của Va-ti-căng là làm cho Công giáo thích nghi với thời đại, với các dân tộc, giáo hội Công giáo Việt Nam đã cho phép giáo dân được thờ cúng tổ tiên, vì biết đó không chỉ là tín ngưỡng mà còn là biểu hiện của truyền thống đạo đức dân tộc - đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Với tinh thần triển đổi, nhập thế và cách tân của Va-ti-căng, trong những năm qua giáo hội Công giáo ở Việt Nam đã đẩy mạnh những hoạt động trong lĩnh vực đạo đức. Đó là các hoạt động cứu trợ người mù, giúp đỡ người bị nạn, lập sổ tiền tiết kiệm tình nghĩa, mở trường lớp dạy người câm điếc, thăm viếng tặng quà trại phong, tâm thần, mở hũ gạo tình thương, vui xuân với người nghèo v.v... Giáo hội Công giáo không những lên án hố sâu ngăn cách, hận thù, bạo lực, bất công mà còn tha thiết kêu gọi: Xây dựng công lý, kiến tạo hòa bình, mở rộng lòng nhân ái, để từng bước gia đình, nhân loại sống nhân bản hơn, huynh đệ và công bằng hơn. Những hoạt động này không nằm ngoài mục đích nhằm phát triển giáo hội và tạo ra ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm lý, tinh thần của các tín đồ và giáo dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Tuy nhiên xét dưới góc độ xã hội thì đó là những hành vi phù hợp với nội dung của quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay. Các hình thức hoạt động của giáo hội Việt Nam đa dạng phong phú, nhưng vẫn lồng ghép với những hoạt động đạo đức, nhân đạo để hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo tuổi trẻ tham gia. Đó là những buổi tọa đàm, giảng thuyết, dậy nghề, cầu nguyện, hoạt động văn hóa nghệ thuật, tham quan du lịch, hoạt động chữ thập đỏ,

thăm hỏi cứu trợ người nghèo, người cô đơn, không nơi nương tựa. Những hoạt động này một phần nhằm đáp ứng lợi ích thanh thiếu nhi, phần khác nhằm mục tiêu xác lập thế giới quan hữu thần, niềm tin mù quáng, lối sống thụ động phản khoa học, ý thức mê tín dị đoan, hướng tuổi trẻ trở thành những con chiên ngoan đạo, nhẫn nhục hoặc cực đoan. Song song với các hoạt động của giáo hội Công giáo ta thấy hầu hết trong các vùng Công giáo, giáo dân đều là những người lao động, sống giản dị, ít buông thả, ít chạy theo lạc thú trần tục, không kiêu ngạo, tranh cãi và tranh giành nhau. Họ giữ tốt được các mối quan hệ hàng xóm, phường, xã bởi chịu nhường nhịn và giúp đỡ người khác. Trong gia đình, người Công giáo cư xử với nhau thường đúng khuôn phép, kính trên, nhường dưới, yêu thương đùm bọc nhau, ít xảy ra cãi vã, đánh lộn nhau. Trong hôn nhân ít xảy ra ly dị. Tuy nhiên, đa số các vùng Công giáo đều sống khép kín, an phận thủ thường, ít có tinh thần đấu tranh chống những biểu hiện, hành vi sai trái, tiêu cực xảy ra quanh mình. Đồng bào Công giáo ít nỗ lực tham gia các phong trào phát triển giáo dục, phát triển sản xuất để nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của bản thân. Nhiều vùng Công giáo, tỷ lệ tăng dân số còn cao. Tình trạng trẻ em đến tuổi đi học mà không chịu đến trường không phải hiếm. Mọi hành vi đạo đức của người Công giáo suy cho cùng là vì lợi ích cá nhân - vì mong bản thân được Chúa chọn vào "Nước Đức Chúa Trời" trong ngày tận thế, để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi Thiên Đường, còn những lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng chỉ là hệ quả của sự mong ước cá nhân ấy, chứ không phải là mục tiêu. Bởi đức tin đã tạo cho tín đồ một sự tuân thủ các quy phạm đạo đức và đời sống đạo đức theo ý Chúa.

Tuy nhiên, trong đời sống của người dân Công giáo có nhiều hành vi vì đạo đức cá nhân tín đồ song đã đem lại lợi ích xã hội. Vì thế, nếu ta bỏ qua yếu tố duy tâm và động cơ cá nhân thì đó là những yếu tố tích cực của đạo đức tín đồ trong thực tiễn. Bên cạnh sự củng cố đạo đức cá nhân, gia đình, cộng đồng tín đồ, nó còn có ảnh hưởng tích cực đối với đời sống xã hội hiện nay. Đạo đức của tín đồ Công giáo đã góp phần làm cho các vùng Công giáo giữ được trật tự an ninh xã hội tốt hơn nhiều vùng không có đạo. Trong tình hình hiện nay mặt trái của kinh tế thị trường đã làm phát sinh những biểu hiện suy thoái về đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội. Vì thế chúng ta không thể

phủ nhận thực tế đóng góp của đạo đức Công giáo vào việc hạn chế sự suy thoái đó và góp phần nâng cao đời sống đạo đức xã hội, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.

- Cũng như các tôn giáo khác, hơn lúc nào hết, người Phật tử Việt Nam hiện nay, ngoài việc chăm lo, thành kính thực hiện các nghi lễ của đạo mình, họ rất siêng năng trong việc giữ giới, làm thiện. Trong cuộc sống hàng ngày, họ chấp nhận sự biến đổi của thế giới và con người như một quy luật tự nhiên. Họ sống có nề nếp, trong sạch giản dị, quan tâm đến nỗi khổ của người khác, thương người, sẵn sàng cứu giúp người hoạn nạn, có ý thức tự giác trong mỗi hành vi đạo đức của mình. Khác với một số tôn giáo khác, Phật giáo du nhập vào nước ta bằng con đường hòa bình, không dính dáng đến một thế lực ngoại xâm nào nên ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo không chỉ giới hạn trong giới tăng ni phật tử mà còn lan tỏa ra hầu khắp các tầng lớp nhân dân, kể cả tầng lớp thanh thiếu nhi (như tổ chức các gia đình Phật tử). Gia đình Phật tử lúc đầu chỉ gồm những gia đình hướng thiện, gia đình thiện ở Huế, gia đình Minh Tâm, gia đình Liên Hoa ở Hà Nội. Đến nay tổ chức này đã lan ra nhiều miền trong cả nước và nước ngoài. Đây là một tổ chức giáo dục, đào tạo thanh thiếu niên, trở thành những người Phật tử chân chính, để phụng sự đạo pháp, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. Chí hướng của họ là góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đào tạo và giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên giữ được, truyền thống đạo đức của dân tộc khỏi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc mang theo nếp sống trụy lạc, đầy dục vọng và cạm bẫy. Lý tưởng của họ là tôn trọng hòa bình thế giới, yêu đất nước không phải bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống cụ thể của mỗi người, tự nguyện giữ luật nhà Phật, thực hành tam quy ngũ giới, mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống, trau dồi trí tuệ và tôn trọng sự thật. Giữ trong sạch từ lời nói đến việc làm... [62, tr. 245-246]

Đối với quần chúng nhân dân lao động thành phố, đa số những người chịu ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo thì họ đều lo tu tập để tạo nhiều công đức, lo giữ giới hoặc ăn chay, lo làm việc thiện, tránh làm điều ác, tránh làm tổn hại đến sự sống của các loài quanh mình...

Những người dân quê chịu ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo thì vẫn làm theo tinh thần của Phật: Không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không giết người... Họ giữ được mối quan hệ tình làng, nghĩa xóm và quan hệ gia đình êm ả...

- Xuất phát từ giáo lý khuyên dạy "làm lành, lánh dữ", chúng ta thấy trong các vùng đạo của hòa Hảo tại các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang v.v... mà điển hình là ở An Giang, đã tạo thành phong trào tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện.

Riêng theo con số của tỉnh An Giang cho biết, đến nay đã có 750 cơ sở điều trị bệnh bằng thuốc Nam, với 2.200 lương y đã và đang trị bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân/ ngày.

Với trình độ đông y khá vững vàng nên hầu hết các lương y là tín đồ Hòa Hảo đều chiếm được niềm tin và tình cảm lớn trong dân chúng. Cũng ở An Giang, bên cạnh những hoạt động trị bệnh bằng đông y, các tín đồ Hòa Hảo còn thực hiện tài trợ cho trẻ mồ côi và người già không nơi nương tựa, với nguồn chi 14.000.000 đồng mỗi tháng. Được sự hướng dẫn của tỉnh, của Hội chữ thập đỏ và của các hội khác, các tín đồ Hòa Hảo đã có mặt hoạt động thường xuyên tại 11 bệnh viện lớn của Tỉnh. Tại các điểm này, các tín đồ thường nấu nước nóng, cháo, cơm miễn phí cho bất kỳ ai có nhu cầu. ở bệnh viện đa khoa của tỉnh An Giang có trạm từ thiện thường xuyên phục vụ nước uống, cơm cháo đều đặn, ngày ba bữa. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân nghèo, phải điều trị dài hạn đều được trợ cấp mỗi tháng 100.000 đồng. Bệnh nhân và gia đình bệnh nhân, ai cũng phải xúc động trước lòng từ tâm, nhân ái của các tín đồ Hòa Hảo [51, tr. 117-118].

Nhìn chung, những nội dung khuyên răn giữ nền nếp, gia phong trong giáo lý Hòa Hảo đã tạo nên "khuôn mẫu" gia đình, tuy có màu sắc phong kiến, gia trưởng, nhưng ông bà, cha mẹ, con cái hòa thuận, đầm ấm, vợ chồng thương yêu chung thủy với nhau (tỷ lệ ly hôn, bất hòa thấp hơn nhiều ở các gia đình ngoại đạo). Trong gia đình, cha mẹ là tấm gương đạo đức cho con cái. Con cái vâng lời, nể trọng cha mẹ; ít có sự xung đột gia đình và hiếm thấy biểu hiện con cái hỗn với cha mẹ... Tình hình trật tự an ninh thôn xóm yên ổn. Hiện nay, có khá nhiều nơi trong vùng đạo, buổi tối đến, nhà không

cần đóng cửa, bởi không có trộm cắp, quan hệ làng xóm khá bình yên, thuận hòa và tương trợ giúp nhau.

Tuy vậy, lợi dụng vào việc làm từ thiện, vào các hoạt động y học cổ truyền, các tổ thuốc Nam thường đặt gần chùa, am, cốc, gần cơ sở thờ tự của Phật giáo Hòa Hảo, để khi có người bệnh đến cắt thuốc, họ liền yêu cầu người bệnh xá, lạy trước bàn thờ ông Huỳnh Phú Sổ. Họ còn dặn dò người bệnh phải cầu nguyện "Đức thầy" thì bệnh mới khỏi. Thuốc bốc miễn phí cho người bệnh họ tuyên truyền là của "Đức Thầy ban cho", của "Đạo ban cho"... Sau đó họ vận động người bệnh ngoài đạo theo tôn giáo Hòa Hảo.

Người hòa Hảo còn thông qua các tổ từ thiện nấu cơm, cháo, nước sôi bên cạnh các bệnh viện, thành phố, tỉnh, huyện để duy trì và khuếch trương các hoạt động ngoài mục đích nhân đạo, nhằm tạo ra các hình ảnh tốt, thanh thế cho đạo, để từ đó mà lôi kéo mọi người tham gia vào đạo. Bên cạnh đó còn có những trường hợp thông qua các hoạt động từ thiện, bọn xấu tìm cách rỉ tai, khơi lại những vấn đề lịch sử, bịa đặt, xuyên tạc, khoét sâu mối hận thù giữa Phật giáo Hòa Hảo với cách mạng. Bọn xấu lợi dụng và khai thác mọi sơ hở, thiếu sót của ta trên các lĩnh vực để chỉ trích chính quyền, chúng kích động, ly gián quần chúng tín đồ với chính quyền cách mạng v.v...

Có thể nói, với hai triệu tín đồ là nông dân, những hoạt động đạo đức của Tôn giáo bản địa Hòa Hảo có vai trò nhất định trong đời sống xã hội mới ở đồng bằng sông Cửu Long. Những hành vi đạo đức của tín đồ Hòa Hảo như một liều thuốc giảm bớt nỗi đau của cuộc đời, như là sự góp phần ca ngợi đạo đức và cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống. Những hành vi đạo đức đó đã góp thêm hương hoa vào việc hình thành đạo đức mới của xã hội hiện nay. Mặt khác đôi khi những hoạt động từ thiện ấy cũng là mảnh đất tốt, là chiếc bình phong để che đậy những âm mưu đen tối vì mục đích ngoài tôn giáo của các thế lực thù địch với cách mạng.

Tóm lại, chúng ta đang tiến hành xây dựng nền đạo đức mới định hướng xã hội chủ nghĩa. Đạo đức tôn giáo không phải là nền đạo đức chính thống chi phối nhận thức và hành vi của toàn xã hội. Nhưng với số lượng gần 20% tín đồ thì đạo đức tôn giáo cũng có những ảnh hưởng đáng kể đến quá trình xây dựng đạo đức mới ở nước ta hiện

nay. Trong đó có cả những ảnh hưởng tích cực và ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy cần phải có những giải pháp thích hợp để phát huy những ảnh hưởng tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đạo đức tôn giáo với đạo đức mới của chúng ta hiện nay.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo trong quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 49 - 54)