Cần cù, sáng tạo, có kỷ luật trong lao động, tiết kiệm trong tiêu dùng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo trong quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 28 - 30)

Con người Việt Nam từ rất sớm đã phải vật lộn với môi trường tự nhiên khắc nghiệt để nuôi sống mình và xây dựng quê hương đất nước. Quá trình đó đã rèn luyện cho người lao động cần cù trong sản xuất, tiết kiệm trong sinh hoạt. Đức tính đó là một nét khá nổi bật, trở thành nếp nghĩ, việc làm của bao thế hệ từ xưa đến nay. Tính sáng

tạo trong nhiều lĩnh vực được thể hiện, nhưng nó chỉ thực sự được phát huy sức mạnh trong các công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.

Chuyển sang kinh tế thị trường với việc giải quyết đúng đắn một loạt các vấn đề về sở hữu, tổ chức, quản lý, phân phối, cùng với nó là việc tăng cường tính tự chủ của các chủ thể kinh tế, chăm lo đến lợi ích thiết thân của người lao động đã kích thích mạnh mẽ tính tích cực của người lao động trong lao động sản xuất, kinh tế thị trường với yêu cầu nghiêm ngặt về năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá thành sản phẩm trong một môi trường cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi hoạt động của con người phải mang tính sáng tạo, không ngừng đổi mới tư duy đến phương thức hoạt động để đạt hiệu quả cao.

Cạnh tranh trên thị trường không chỉ đòi hỏi cần cù theo kiểu "một nắng, hai sương" mà phải gắn với yêu cầu nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong các hoạt động của con người. Nếu trước đây ông cha ta đề cao đức tính cần cù trong lao động sản xuất, nhất là lao động chân tay, và dựa vào kinh nghiệm của người đi trước theo kiểu "xưa bày, nay bắt chước" ngại cải tiến kỹ thuật thì ngày nay cần cù phải đi liền với sáng tạo. Tính sáng tạo với tính cách là đặc trưng của con người hiện đại phải được quán triệt trong cách nghĩ, cách làm, vừa đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cuộc sống hiện tại vừa phải biết nhìn xa, trông rộng, mưu tính lâu dài vì cuộc sống của mình và sự phát triển lâu bền của đất nước.

Chuyển sang kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi hoạt động của con người phải mang tính kỹ thuật và kỷ luật cao. Phải biến kỷ luật lao động thành thói quen của từng người, từng tập thể và cả xã hội.

Lao động cần cù và sáng tạo, có kỹ thuật và kỷ luật là tiền đề để nâng cao năng suất lao động, tạo khả năng đem lại một cuộc sống phồn vinh cho xã hội, gia đình và từng cá nhân. Phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động còn là yêu cầu chính trị của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì "xét đến cùng, thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất, chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ xã hội mới" [38, tr. 25].

Trải qua thực tế hơn mười năm đổi mới, đời sống của nhân dân ta được nâng lên rõ rệt. Đó là một thành tựu rất đáng tự hào. Tuy nhiên một số ít người lại có xu hướng lao vào hưởng thụ. Đó là điều dễ xảy ra nên cần phải được ngăn ngừa và khắc phục sớm. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương tại Đại hội VIII đã nêu lên một trong những khuyết điểm và yếu kém của chúng ta là: "Nước ta còn nghèo và kém phát triển. Chúng ta lại chưa thực hiện tốt cần kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, dồn vốn cho đầu tư phát triển" [66, tr. 63].

Hiện nay, Việt Nam vẫn còn là nước nông nghiệp, lao động nông nghiệp chiếm hơn 70%, đời sống nhân dân ở nhiều vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn rất thấp, GDP bình quân đầu người mới khoảng 400 USD/năm nhưng tình trạng tiêu dùng xa hoa, lãng phí diễn ra khá phổ biến cả ở nông thôn và thành thị, trong một số khá đông cán bộ và nhân dân. Đó là điều rất đáng lo ngại, cần được điều chỉnh. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII), nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: "Chúng ta nhất thiết phải cần kiệm để công nghiệp hóa, phải khắc phục xu hướng chạy theo xã hội tiêu dùng, lối xa hoa lãng phí, đó là một trong những nhân tố quyết định thành công của chúng ta" [67, tr. 11]. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc nâng cao ý thức tiết kiệm, tích lũy để mở rộng sản xuất vẫn đóng một vai trò tích cực đối với việc nâng cao năng suất lao động, đáp ứng ngày càng có cơ sở tốt hơn nhu cầu cuộc sống của con người. Tuy nhiên, sự kiềm chế thái quá nhu cầu thiết yếu của cá nhân và gia đình, vô hình trung lại hạn chế sự phát triển của sản xuất, vì sản xuất quyết định tiêu dùng nhưng tiêu dùng đúng đắn đến lượt nó lại kích thích sản xuất phát triển theo hướng tiến bộ.

Tiết kiệm trong điều kiện kinh tế thị trường không phải là khuyến khích giảm thiểu nhu cầu mà chính là nhằm nâng cao khả năng thỏa mãn nhu cầu hợp lý của con người như là tiền đề để phát huy nguồn lực con người - nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Ảnh hưởng của đạo đức tôn giáo trong quá trình xây dựng đạo đức mới ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 28 - 30)