- Cần quán triệt rõ quyền và trách nhiệm trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo theo tinh thần, đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước tới các đối tượng chức sắc và quần chúng tín đồ các tôn giáo.
Hiện nay cách mạng nước ta đang bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đi liền với tiến trình phát triển kinh tế là quá trình xây dựng đạo đức mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn nước ta khẳng định các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo đã góp phần khôi phục và phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên trong hoạt động tín ngưỡng tôn giáo gần đây đã và đang phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực, trong đó có cả những hiện tượng lợi dụng các hoạt động từ thiện xã hội, một lĩnh vực nổi trôi của các tổ chức tôn giáo để thực hiện những mục đích phi đạo đức. Cũng không thể không nói tới sự tiếp tay của các thế lực phản động bên ngoài cho một số phần tử chống đối lại nhà nước ta, hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây chia rẽ giữa đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo và giữa các tôn giáo với nhau, hòng làm rối ren trật tự xã hội, gây mất ổn định an ninh chính trị, qua đó góp phần vào chiến lược "diễn biến hòa bình" nham hiểm của các thế lực thù địch đang ráo riết tiến hành để chống phá toàn diện cách mạng nước ta. Một trong những nguyên nhân mà kẻ thù của cách mạng có thể lợi dụng tôn giáo để thực hiện những mưu đồ đen tối của chúng chính là có nơi, có lúc các quần chúng tín đồ, chức sắc còn chưa thật sự hiểu rõ, hiểu đúng đường lối chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, mà cụ thể hơn là chưa thật sự hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Vì không nhận thức được chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, tin theo hoặc không theo một tôn giáo nào là quyền của mỗi công dân nên khi gặp những hiện tượng một số cán bộ làm công tác tôn
giáo còn có thái độ định kiến, hẹp hòi, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo thì những quần chúng tín đồ này dễ dàng tin theo luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, rằng chủ nghĩa xã hội không chấp nhận sự tồn tại của các tôn giáo, do đó họ dễ bề bị lợi dụng, bị kích động, lôi kéo chống lại chính quyền.
Cần phải bằng nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền qua đài, loa thôn xóm hay nói chuyện lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, lễ hội tôn giáo làm cho quần chúng tín đồ, chức sắc hiểu được Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân, và vì dân. Vì lẽ đó Nhà nước không chỉ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân, mà còn đảm bảo quyền bình đẳng giữa các tôn giáo, không công nhận một tôn giáo nào tự cho mình là chính đạo, còn các tôn giáo khác là tà đạo. Nhà nước ta mong muốn các tôn giáo đoàn kết; phản đối mọi hành vi chia rẽ, xung đột tôn giáo, phá hoại đoàn kết dân tộc. Phải làm cho quần chúng tín đồ, chức sắc hiểu Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng nhưng kiên quyết đấu tranh chống mọi vi phạm chính sách tự do tín ngưỡng và chống việc lợi dụng tôn giáo vào mục đích phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cũng cần tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng tín đồ chức sắc hiểu được vấn đề Nhà nước quản lý các tôn giáo cũng như quản lý tất cả các tổ chức khác trong xã hội bằng pháp luật. Việc quản lý bằng pháp luật không phải là dùng pháp luật để hạn chế các tôn giáo sinh hoạt mà là lấy pháp luật đảm bảo cho các tôn giáo được sinh hoạt bình thường theo chính sách tự do tín ngưỡng, dùng pháp luật để hạn chế, để xóa bỏ mọi vi phạm chính sách tôn giáo, cũng như lợi dụng tôn giáo để xâm phạm lợi ích quốc gia dân tộc. Ngược lại những hoạt động có lợi cho quốc gia, dân tộc, xã hội đều được Nhà nước khuyến khích và khen thưởng nếu xứng đáng.
Mỗi quần chúng chức sắc, tín đồ không chỉ là một người có tín ngưỡng tôn giáo mà còn là một công dân nước Việt. Vì vậy ngoài những quyền về tín ngưỡng tôn giáo họ còn có những quyền bình đẳng như các công dân khác trước pháp luật và họ cũng có những trách nhiệm bình đẳng như các công dân khác trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước không ngăn cấm bất cứ một tôn giáo nào trong mọi sinh hoạt hợp pháp của tôn giáo đó, nhưng Nhà nước chống lại những kẻ lợi dụng tôn giáo để phá hoại sự nghiệp đoàn kết dân tộc, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó việc
ngăn chặn và đấu tranh chống những thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo vì những mục đích chính trị cũng là trách nhiệm của mỗi người có tín ngưỡng tôn giáo.
+ Cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Tôn giáo là một thực thể xã hội phức tạp, liên quan đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Để đáp ứng nhu cầu về tôn giáo mà vẫn đảm bảo cho yêu cầu phát triển của xã hội, bất cứ một nhà nước nào, tùy theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể, cũng phải định ra một thái độ ứng xử đối với tôn giáo. Đó là chính sách tôn giáo.
Trong những năm qua, nhiều chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tôn giáo hoặc có liên quan đến tôn giáo đã được ban hành. Đó là Nghị quyết 24-TW và Chỉ thị 37-CT của Bộ Chính trị; đó là Hiến pháp năm 1992, điều 70 nói về quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo; là các Nghị định số 69/CP trước đây (1991) và Nghị định 26/CP mới đây (1999) của Chính phủ.
Việc quán triệt và thực hiện các văn bản trên đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, đảm bảo các sinh hoạt tôn giáo được bình thường, phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân, làm cho đồng bào các tôn giáo xóa bỏ mặc cảm, nâng cao nhận thức, nhận rõ trách nhiệm hiểu rõ thêm các quy định của Nhà nước, tránh được những sai phạm, có cơ sở để đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, trái pháp luật trong tôn giáo...
Đối với cán bộ làm công tác tôn giáo, các văn bản trên là chỗ dựa pháp lý giúp cho họ có nhận thức đúng đắn hơn về quan điểm, chính sách đối với tôn giáo, là căn cứ pháp lý cho việc giải quyết, điều chỉnh các hoạt động tôn giáo đi vào nề nếp, tuân thủ pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để phá hoại, gây khó khăn cho việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vẫn còn. Sở dĩ các thế lực thù địch còn lợi dụng được tôn giáo phục vụ cho ý đồ chống phá của chúng và còn có thể lôi kéo được một số lượng đáng kể đồng bào
hành động theo sự chỉ huy của chúng là do nhiều nguyên nhân. Trong số đó có nguyên nhân hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo của ta còn thiếu, tạo kẽ hở cho kẻ thù lợi dụng. Chẳng hạn, Nhà nước ta chưa có chính sách hoàn chỉnh đối với giáo sĩ, chưa thực sự chú trọng và có phương thức đồng bộ trong việc thực hiện công tác tranh thủ giáo sĩ nên chưa sử dụng được lực lượng giáo sĩ phục vụ hữu hiệu cho công tác tôn giáo, trong việc xử lý các mối quan hệ giữa tín đồ và xã hội. Trong khi đó sử dụng giáo sĩ hỗ trợ cho các hoạt động chống phá là phương thức quen dùng của các thế lực thù địch.
Hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta không chỉ thiếu mà nhiều chính sách còn chung chung, chưa cụ thể. Nhiều quy định về xin phép, cho phép thiếu những quy định ràng buộc về trách nhiệm, thiếu xác định các điều kiện cụ thể để giải quyết.
Vì vậy, để thực sự đưa các hoạt động tôn giáo đi vào nề nếp, tuân theo pháp luật của Nhà nước, góp phần ngăn chặn những âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo.