- Đối với trái phiếu cần chủ động đưa ra mức lãi suất hợp lý và phát hành rộng rãi vào công chúng không giới hạn trong nội bộ tập đoàn.
c) Đối với nguồn vốn tín dụng thương mại và ký hợp đồng hợp tác liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.
Thông qua liên doanh liên kết nước ngoài, các tổng công ty có thể có được nguồn vốn kinh doanh lớn với mức lãi suất thấp, thời gian hoàn vốn chậm. Để huy động được nguồn vốn này các tập đoàn kinh doanh tăng cường uy tín, tăng khả năng khuyếch trương, quảng cáo và các nghiệp vụ thị trường, xúc tiến thương mại để tạo lập mối quan hệ với các đối tác kinh doanh lâu dài và uy tín. Tăng cường sử dụng thương phiếu như hối phiếu, lệnh phiếu và các công cụ thị trường khác để đẩy mạnh khả năng tín dụng thương mại đồng thời tạo thói quen sử dụng, tăng tính phổ biến và độ an toàn cho các công cụ này.
Các tổng công ty cũng phải lôi kéo và thu hút các tổ chức phi ngân hàng đầu tư vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Các công ty tài chính, bảo hiểm… là những nhà đầu tư cỡ lớn có thể cung cấp một lượng vốn không hạn chế cho các tập đoàn kinh doanh, tuy nhiên để có được sự đầu tư đó các tập đoàn phải chứng tỏ được sự hiệu quả của việc sử dụng vốn. Sự lớn mạnh của công ty tài chính thành viên tập đoàn sẽ giúp cho việc tiếp cập với nguồn vốn của các tổ chức phi ngân hàng bên ngoài tập đoàn trở nên dễ dàng hơn.
Đối với nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chính phủ và các tổ chức quốc tế, để nâng cao hiệu quả sử dụng các tổng công ty nên giao cho các công ty tài chính quản lý. Đây là nguồn vốn lớn, được nhiều ưu đãi nên nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ dễ gây ra thất thoát, sử dụng không hiệu quả, làm giảm uy tín với các tổ chức hỗ trợ và cho vay.
Cần phải hiểu rằng đây là nguồn vốn vay, tín dụng của các Chính phủ và tổ chức quốc tế chứ không phải là nguồn vốn “cho không”. Thời hạn cho vay dài thì có nghĩa là các thế hệ sau phải trả, tăng gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế trong tương lai. Vì thế việc sử dụng các nguồn vốn này phải có kế hoạch rõ ràng dựa trên hiệu quả sử dụng. Đó cũng chính là yêu cầu của các tổ chức cho vay và trực tiếp liên quan đến khả năng huy động của nguồn vốn này.
Hiện nay, các công ty tài chính (ví dụ điển hình là công ty Tài chính Bưu điện) đều có khả năng và muốn quản lý nguồn vốn ODA tuy nhiên các tổng công ty vẫn chưa giao nguồn vốn này cho các công ty tài chính quản lý. Vấn đề
này liên quan đến việc phân chia chức năng hoạt động giữa công ty tài chính và Phòng, Ban tài chính của các tổng công ty.