Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu Đổi mới phương thức huy động vốn trong các mô hình tập đoàn kinh doanh ở Việt Nam (Trang 54 - 58)

17 TCT CN Tàu thuỷ VN Bộ GTVT 27 Đã có 626.704 9

2.2.2.1.Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán

Cơ chế phát hành trái phiếu và cổ phiếu của doanh nghiệp được quy định trong Nghị định 144/2003/CP ban hành ngày 28/11/2003. Nghị định này thay thế cho Nghị định 48/1998/CP và là một bước cụ thể hoá về luật đối với chứng khoán và thị trường chứng khoán.

*Phát hành trái phiếu:

Phát hành trái phiếu của các tổng công ty 91 được xem là biện pháp an toàn về sở hữu để có được nguồn vốn huy động phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do mức độ tín nhiệm hiện nay của các trái phiếu tổng công ty nên các tổng công ty 91 mới chỉ huy động được vốn bằng hình thức phát hành trái phiếu phục vụ cho những dự án sản xuất kinh doanh lớn. Trong số các tổng công ty 91 phát triển theo hướng tập đoàn kinh doanh thì hiện nay mới chỉ có tổng công ty Dầu khí, tổng công ty Thép và tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ phát hành trái phiếu để huy động vốn, các tổng công ty 91 còn lại vẫn chưa khai thác nguồn vốn đầy tiềm năng này. Nguồn huy động được của trái phiếu chưa phải là rộng rãi trên thị trường tài chính mà chủ yếu trong nội bộ công nhân viên chức của các tổng công ty. Mặc dù xét về điều kiện phát hành trái phiếu thì cũng không phải là khó khăn đối với các tổng công ty. Theo Nghị định 144/2003/CP thì điều kiện để doanh nghiệp được phát hành trái phiếu, đó là:

1.Là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký phát hành tối thiểu là 10 tỷ đồng Việt nam

2.Hoạt động kinh doanh năm liền trước năm đăng ký phát hành phải có lãi.

3.Có phương án khả thi về việc sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt phát hành.

4.Phải có tổ chức bảo lãnh phát hành.

5.Tổ chức phát hành trái phiếu phải xác định đại diện người sở hữu trái phiếu.

Với các tổng công ty điều kiện vốn điều lệ 10 tỷ đương nhiên thoả mãn, xét về tổng thể thì đa số các tổng công ty hoạt động kinh doanh có lãi, các ngân hàng luôn sãn sàng đứng ra bảo lãnh cho các tổng công ty 91 phát hành trái phiếu. Vậy tại sao nguồn vốn này đến nay vẫn chưa được sử dụng rộng rãi? Điều này có thể do việc quản lý chi phí phát hành, quản lý sử dụng nguồn vốn

thu được bằng trái phiếu, cùng với cơ chế xác định mức lãi suất sao cho phù hợp, và đặc biệt là sự kém phát triển của thị trường tài chính nói riêng và thị trường chứng khoán nói riêng đang là những khó khăn đối với các tổng công ty 91 hiện nay.

Trước đây, cơ chế quản lý lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp nhà nước do Bộ tài chính và Ngân hàng Nhà nước quyết định dựa trên bản quy chế tạm thời về việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp Nhà nước (Nghị định 120-CP) nay đã hết hiệu lực thi hành. Hiện nay, nhà nước không quản lý lãi suất của các doanh nghiệp nhà nước phát hành mà để các doanh nghiệp tự xác định trên cơ sở lãi suất ngân hàng, do đó tạo tính năng động cho các doanh nghiệp nhà nước trong đó có các tổng công ty. Tuy nhiên để xác định được mức lãi suất hợp lý trong điều kiện biến động của thị trường tài chính đòi hỏi tổng công ty phải năng động trong tư duy và có kinh nghiệm trong thị trường tài chính và tiền tệ, đây là vấn đề còn yếu trong các tổng công ty. Bên cạnh đó tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán Việt nam vẫn không mấy sôi động sau thời gian hơn 5 nam hoạt động, do vậy khâu kết nối giữa doanh nghiệp phát hành và các nhà đầu tư còn yếu, tính lỏng của trái phiếu phát hành chưa cao nên mức độ hấp dẫn của trái phiếu thấp.

Vừa qua, trong đợt phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của Việt nam, trái phiếu Chính phủ của Việt nam đã được mua hết với khối lượng đặt mua gấp 6 lần số lượng phát hành (4,5 tỷ USD). Huy động được 750 triệu USD đầu tư cho tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ. Thực tế này cho thấy khả năng huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên việc huy động chưa thể do các tổng công ty tự phát hành để huy động mà phải có sự bảo lãnh của Nhà nước. Để có thể huy động dễ dàng, trực tiếp và có kế hoạch vay nợ và trả nợ linh hoạt đối với nguồn vốn này thì các tổng công ty phải lớn mạnh hơn nữa, uy tín hơn nữa, đây là một thách thức đối với các tổng công ty 91 theo mô hình tập đoàn ở Việt nam.

Quá trình cổ phần hoá trong những năm qua đang diễn ra nhanh chóng và thu được kết quả khá cao. Việc tiến hành cổ phần hoá doanh nghiệp thành viên của tổng công ty 91 cũng đang diễn ra mạnh mẽ, đây là dấu hiệu tích cực cho quá trình đổi mới chế độ sở hữu theo hướng đa sở hữu trong đó nhà nước chiếm đa số trong các tổng công ty 91 phát triển theo hướng tập đoàn. Cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu đã giúp các công ty thành viên trong các tổng công ty này huy động được nguồn vốn lớn cho phát triển sản xuất kinh doanh. Vấn đề cần xem xét là phương thức quản lý phát hành cổ phiếu của các tổng công ty 91 cũng như kênh phân phối và sở hữu cổ phiếu khi tiến hành cổ phần hoá.

Theo nghị định 144/2003 thì điều kiện phát hành trái phiếu đơn giản hơn nhiều so với điều kiện phát hành trái phiếu, Điều 6 của Nghị định quy định như sau:

1.Là công ty cổ phần có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký phát hành cổ phiếu tối thiểu là 5 tỷ đồng Việt nam.

2.Hoạt động kinh doanh liền trước năm phát hành phải có lãi.

3.Có phương án khả thi về việc sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành cổ phiếu.

4.Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng để có vốn thành lập công ty cổ phần mới hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ cao không bắt buộc phải thực hiện quy định tại khoản 1 và 2 điều này.

Như vậy có thể thấy chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu và hoạt động theo mô hình công ty cổ phần của Nhà nước. Để có vốn kinh doanh đồng thời chia sẻ rủi ro cùng hoạt động của công ty của các cổ đông, các công ty cổ phần cần tích cực khai thác nguồn vốn này. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phát hành cổ phiếu của các công ty thời gian qua cũng gặp một số khó khăn cần khắc phục:

Thứ nhất, phát hành cổ phiếu phải đảm bảo tính đa dạng về sở hữu. Trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, không ít các công ty nhà nước sau khi cổ phần hoá chuyển giao cho người lao động thì một thực trạng đáng báo

động là hầu hết các vị trí chủ chốt trong ban quản trị và ban lãnh đạo công ty thuộc về những người trong gia đình của các lãnh đạo công ty trước đó. Cơ chế phát hành cổ phiếu không công khai, số lượng cổ phiếu bán ra ngoài quá ít và bưng bít thông tin ra ngoài dẫn đến tình trạng lãnh đạo công ty sử dụng quyền của mình để mua cổ phiếu cho người nhà người thân rồi cho họ vào những vị trí trong ban lãnh đạo mặc dù chưa có chuyên môn.v.v...Vì thế cần có những quy định cụ thể hơn trong quy chế giám sát phát hành cổ phiếu của các công ty nhà nước trong quá trình cổ phần hoá.

Thứ hai, các tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty ‘mẹ’ - công ty ‘con’ còn gặp khó khăn trong vấn đề phân chia cổ tức giữa công ty ‘mẹ’ và công ty ‘con’. Quyền của người đại diện vốn nhà nước đầu tư của công ty ‘mẹ’ vào các công ty ‘con’ trong chính sách chi trả cổ tức cho các cổ đông và quyền lợi của công ty ‘mẹ’ trong việc hưởng cổ tức cho phần vốn mà mình đầu tư vào các công ty con vẫn còn chưa được quy định cụ thể.

Thứ ba, sự kém phát triển của thị trường chứng khoán, dẫn đến hình thức huy động bằng phát hành cổ phiếu chưa thu hút được nhiều thành phần tham gia đặcbiệt lượng vốn thu được từ phía các nhà đầu tư nước ngoài còn ít. Thị trường mua bán cổ phiếu của các tổng công ty hiện nay chủ yếu vẫn là phát hành nội bộ và hoặc tham gia thị trường OTC. Điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch vẫn còn cao so với các doanh nghiệp thành viên và phức tạp trong quy trình niêm yết và phát hành chứng khoán ra công chúng.

Một phần của tài liệu Đổi mới phương thức huy động vốn trong các mô hình tập đoàn kinh doanh ở Việt Nam (Trang 54 - 58)