Tập đoàn CT được thành lập cuối năm 1997 tại Hồng Kông dưới dạng công ty cổ phần do 2 cổ đông là Tổng cục viễn thông và công ty phát triển thông tin Trung Quốc, trong đó 51% vốn là của Tổng cục Viễn thông và 49% là của Công ty phát triển thông tin Trung Quốc. Hai cổ đông này đều là công ty 100% vốn nhà nước và chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Bưu điện Trung Quốc. Tập đoàn CT khi thành lập được giao nhiệm vụ khai thác mạng thông tin di động tại hai tỉnh Quảng Đông và Triết Giang. Đến tháng 10/1997, công ty cổ phần China Telecom của tập đoàn đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán ở Hồng Công và Thượng Hải với trị giá ban đầu khoảng 4 tỷ USD. Sau đó tập đoàn này đã bán 29,9% giá trị công ty cho những nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc cổ phần hoá một công ty ‘con’ và đã thu được gần 1 tỷ USD cho công ty ‘mẹ’ là tập đoàn CT.
Huy động vốn của tập đoàn kinh doanh này được dựa trên việc lượng hoá giá trị của công ty trên thị trường vốn quốc tế và phát hành cổ phiếu của các công ty khai thác cho những nhà đầu tư nước ngoài để bổ sung vốn trực tiếp cho
công ty. Thông qua hình thức này mà CT đã huy động được lượng vốn đầu tư lớn cho các vùng mà vẫn giữ được quyền quyết định của công ty ‘mẹ’ đối với các công ty ‘con’.
Trong thị trường viễn thông Trung Quốc, bên cạnh CT, Chính phủ còn thành lập tập đoàn China Unicom cạnh tranh với tập đoàn CT. China Unicom cũng là một doanh nghiệp nhà nước nhưng tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ chỉ chiếm 8-13% với 3 cổ đông quan trọng là: Bộ Điện tử, Bộ Điện lực và Bộ Đường sắt. Công ty China Unicom cung cấp tài chính và tư vấn trong việc xây dựng mạng lưới đối với các nhà khai thác nước ngoài (cũng đồng thời là nhà đầu tư) dưới dạng phân chia doanh thu. Với các hình thức huy động vốn đa dạng này, Trung Quốc đã huy động được nguồn vốn lớn đặc biệt là nguồn vốn nước ngoài để phát triển thị trường viễn thông trong nước.
Như vậy, kinh nghiệm của các tập đoàn trong lĩnh vực viễn thông của Trung Quốc là việc cổ phần hoá, bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài để huy động vốn. Nhà nước thực hiện cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông và giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà nước trong các công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, với đặc trưng của Trung Quốc là phân tán quyền lực, việc quản lý và sở hữu vốn nhà nước tại các công ty viễn thông do nhiều cơ quan nhà nước tham gia, phối hợp hài hoà cùng nhau quản lý và giám sát hoạt động của các công ty này.