Hoàn thiện nội dung thẩm định khách hàng trong TDTTXNK

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác thẩm định khách hàng trong tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu (Trang 67 - 72)

Phòng kế hoạch

3.2.4. Hoàn thiện nội dung thẩm định khách hàng trong TDTTXNK

Chất lượng thẩm định khách hàng phụ thuộc rất lớn vào các nội dung được tiến hành thẩm định. Nếu nội dung thẩm định được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, đầy đủ sẽ góp phần giúp cho ngân hàng đưa ra các quyết định cho vay chính xác.

• Về nội dung thẩm định tư cách pháp lý của khách hàng

Ngân hàng cần phải nắm vững thông tin về khách hàng vay vốn: xác định xem khách hàng thuộc đối tượng nào, uy tín của họ đối với ngân hàng như thế nào, họ có sẵn lòng trả nợ ngân hàng hay không? Những thông tin này được thể hiện trong hồ sơ pháp lý của khách hàng. Chính vì vậy, ngân hàng cần chú ý quan tâm đến tính đầy đủ, hợp lệ và trung thực của các hồ sơ này. Hiện nay, trên thị trường tồn tại rất nhiều công ty “ma” đến vay vốn ngân hàng, từ đó hình thành nên những khoản nợ xấu và gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng. Mặt khác, cũng có những công ty hoạt động kinh doanh không đúng với ngành nghề đã đăng ký hoặc kinh doanh không đúng pháp luật có thể gây ra những rủi ro cho ngân hàng. Chính vì vậy, cán bộ thẩm định phải đặc biệt chú ý đến tư cách pháp lý của khách hàng vay vốn.

Bên cạnh tư cách pháp lý của khách hàng, cán bộ thẩm định cũng cần quan tâm đến uy tín của khách hàng. Việc đánh giá uy tín của khách hàng có chính xác hay không cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thẩm định khách hàng. Nếu đánh giá sai đối tượng khách hàng có thể sẽ làm giảm số lượng

những khách hàng có quan hệ tốt với ngân hàng hoặc quyết định cho vay nhầm đối với những khách hàng không có uy tín dễ dẫn đến nguy cơ mất vốn cao của ngân hàng.

Để có những đánh giá toàn diện, khách quan về phong cách làm việc, quản lý điều hành, mức độ trung thực, tính cách của khách hàng, việc thẩm định tư cách của khách hàng cần được tiến hành bằng nhiều phương pháp như phỏng vấn trực tiếp, kiểm tra giấy tờ cá nhân, trực tiếp đi khảo sát thực tế ở doanh nghiệp, tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin khác... Cán bộ thẩm định phải hướng dẫn doanh nghiệp lập và trình đầy đủ bộ hồ sơ theo quy chế cho vay của SGD Habubank ban hành đồng thời phải kiểm tra tính pháp lý của các con dấu, chữ ký trong hồ sơ. Ngoài ra, ngân hàng có thể lập một bảng câu hỏi những chi tiết, vấn đề cần tìm hiểu về khách hàng, như vậy sẽ tạo ra sự thuận tiện và chủ động cho cán bộ tín dụng trong việc đưa ra các kết luận về tư cách pháp lý của khách hàng.

Việc xác minh được các thông tin về khách hàng một cách chính xác, đầy đủ, hợp pháp sẽ giúp ngân hàng đưa ra quyết định cho vay đúng đắn, tránh rủi ro, tổn thất và ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.

• Về thẩm định tình hình tài chính của khách hàng

Đây là bước quan trọng trong quá trình thẩm định khách hàng và là cơ sở chủ yếu để đưa ra quyết định cấp tín dụng. Việc phân tích tài chính khách hàng thường dựa trên các báo cáo tài chính như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Các báo cáo tài chính của khách hàng chính là một trong những nguồn thông tin quan trọng để ngân hàng thực hiện công tác thẩm định có hiệu quả. Cán bộ thẩm định cần đánh giá một cách chính xác những thông tin có trong các báo cáo tài chính của khách hàng, phân tích, xem xét khả năng tài chính của khách hàng. Các báo cáo tài chính không những là cơ sở để đánh giá tình hình tài chính và sinh lợi

của khách hàng mà còn đánh giá được khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng. Tuy nhiên, để được vay vốn của ngân hàng, đôi khi các báo cáo tài chính đó đã được làm đẹp lên, những con số trong báo cáo không còn đúng so với thực tế. Chính vì vậy, để đảm bảo các thông tin trong báo cáo tài chính không có sai sót trọng yếu ảnh hưởng đến quyết định cho vay của ngân hàng, ngân hàng nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp những báo cáo đã được kiểm toán. Các báo cáo đã được kiểm toán sẽ giúp ngân hàng thuận lợi hơn trong việc thẩm định, tiết kiệm được thời gian và chi phí nhưng vẫn đảm bảo được tính chính xác. Tuy nhiên, đối với những báo cáo đã được kiểm toán, cán bộ thẩm định cũng phải thận trọng vì có nhiều cách đánh giá khác nhau trong việc quyết định giá trị sổ sách kế toán của các khoản mục. Chính vì vậy, cán bộ thẩm định cần phải linh hoạt, tỉnh táo khi tiến hành phân tích các khoản mục được phản ánh trên báo cáo tài chính, từ đó có thể đưa ra những đánh giá chính xác và khách quan nhất.

Cán bộ tín dụng cần thẩm định các khoản mục trong báo cáo tài chính bao gồm:

- Đối với bảng cân đối kế toán, cần xem xét các khoản mục bên tài sản và nguồn vốn. Khi xem xét quy mô và kết cấu của tài sản cần chú ý đến mục tài sản lưu động của doanh nghiệp (như tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu, hàng tồn kho), tài sản tài chính, tài sản cố định hữu hình và vô hình. Các khoản phải thu cần được phân tích cẩn thận vì đó có thể là một trong những nguồn để chi trả khoản vay ngân hàng. Ngoài ra, cán bộ thẩm định cũng cần quan tâm đến thời gian, tính thanh khoản và sự ổn định của giá cả của hàng tồn kho, cần xem hàng tồn kho là thành phẩm hay nguyên vật liệu... Khi tìm hiểu cơ cấu tài trợ, nguồn gốc của tài sản cũng như khả năng độc lập về tài chính của doanh nghiệp, cán bộ thẩm định cần phân tích nợ ngắn hạn, nợ phải trả nhà cung

cấp, các khoản phải nộp, phải trả, nợ dài hạn, vốin chủ sở hữu của khách hàng.

- Báo cáo kết quả kinh doanh cho biết sự dịch chuyển của tiền trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho phép dự tính khả năng hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Báo cáo kết quả kinh doanh phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định. Nó giúp cho cán bộ thẩm định so sánh doanh thu với số tiền thực nhập quỹ, chi phí phát sinh với số tiền thực xuất quỹ để vận hành doanh nghiệp đồng thời đánh giá mức độ ổn định trong hoạt động kinh doanh và trình độ quản lý của doanh nghiệp.

- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh tình hình ngân quỹ của doanh nghiệp trong thời hạn ngắn. Tìm hiểu tình hình ngân quỹ của doanh nghiệp sẽ cho phép đánh giá được doanh nghiệp có đảm bảo được khả năng chi trả hay không. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh luồng tiền thực nhập quỹ, thực xuất quỹ của doanh nghiệp, từ đó phản ánh khả năng trả nợ trong ngắn hạn của doanh nghiệp.

• Về thẩm định chỉ tiêu tài chính

Để nâng cao hiệu quả của quá trình thẩm định, cán bộ thẩm định không nên chỉ sử dụng một phương pháp mà nên kết hợp nhiều phương pháp phân tích nhằm đưa ra các kết luận từng phần cũng như toàn diện về khả năng tài chính của doanh nghiệp làm cơ sở cho việc ra quyết định cho vay.

- Phân tích hiệu quả sử dụng tài sản cố định:

Phân tích các tỷ lệ: Giá trị sản xuất công nghiệp/Tài sản cố định; Lợi nhuận gộp/ Tài sản cố định; Tỷ lệ trích khấu hao đưa vào chi phí…

Phân tích mức khấu hao đã đưa vào chi phí so với mức khấu hao cần được kết chuyển vào chi phí của năm phân tích để đánh giá mức độ lỗ, lãi của doanh nghiệp.

- Phân tích Doanh thu thuần trong mối quan hệ với Giá vốn hàng bán; phân tích tốc độ tăng trưởng của Doanh thu thuần và cơ cấu doanh thu thuần theo nhóm sản phẩm: nhóm sản phẩm nào quyết định đến sự tăng trưởng của doanh thu thuần, yếu tố nào quyết định đến sự tăng trưởng doanh số bán ra của nhóm sản phẩm đó. Phân tích Giá vốn hàng bán phù hợp với Doanh thu đã được ghi nhận để đánh giá mức độ lỗ lãi, lỗ thật của doanh nghiệp.

- Phân tích Lợi nhuận/Giá vốn hàng bán của nhóm sản phẩm đối với khối sản xuất và thương mại. Phân tích giá thành trong mối quan hệ với giá bán, phân tích theo cơ cấu, nhân tố quyết định sự biến động của giá thành và giá bán, phân tích sự biến đổi theo thời kỳ.

- Phân tích chi phí hoạt động quản lý của doanh nghiệp: Phân tích các yếu tố cấu thành khoản mục chi phí quản lý doanh nghiệp cũng như các nhân tố quyết định sự biến động của khoản mục này trong mối quan hệ so sánh với doanh thu thuần của năm phân tích. Phân tích các khoản mục chi phí đã phát sinh, cần phải phân bổ vào kết quả kinh doanh của kỳ phân tích. Phân tích phương thức quản lý của doanh ngiệp theo đơn vị sản phẩm.

- Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh chung của doanh nghiệp: Phân tích hệ số Lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu, Lợi nhuận/Doanh thu, Lợi nhuận/ Tài sản cố định.

• Về thẩm định tài sản đảm bảo

- Hình thành bộ phận chuyên định giá TSĐB: TSĐB là điều kiện cho vay và giá trị của TSĐB là căn cứ để xác định số tiền vay. Do vậy, định giá TSĐB là một yêu cầu cần thiết và rất quan trọng đối với mỗi ngân hàng.

Đối với những loại TSĐB là vật chất, giá trị của chúng lên xuống theo giá trị thị trường, tài sản luôn có khả năng mất giá theo thời gian, do nhiều yếu tố tác động như hao mòn hữu hình, hao mòn vô hình… Vì vậy, định giá TSĐB là một công việc hết sức khó khăn và phức tạp. Để định giá một cách

chính xác giá trị của TSĐB cần tổ chức theo hướng chuyên môn hoá về nghiệp vụ định giá, đối với tài sản có giá trị lớn, việc định giá phức tạp cần thuê chuyên gia tư vấn, đánh giá. Trong quá trình cho vay, TSĐB phải thường xuyên định giá lại để đánh giá được đúng giá trị của tài sản ở các thời điểm khác nhau.

- Đa dạng hoá danh mục TSĐB

Hiện nay, ngân hàng mới chỉ chú trọng tới các TSĐB thông dụng, có giá trị cao, an toàn như đất đai, nhà ở, sổ tiết kiệm, ô tô, các thiết bị đắt tiền…, cách làm này đảm bảo an toàn cho ngân hàng, tuy nhiên nó lại bỏ qua một lượng lớn khách hàng vay vốn có giá trị tài sản đảm bảo thấp. Mặt khác, hình thức bảo đảm bằng bảo lãnh hiện nay vẫn chưa được áp dụng phổ biến tại ngân hàng do mức độ rủi ro cao hơn hình thức dùng tài sản đảm bảo khác. Tuy nhiên, đây lại là hình thức bảo đảm mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng, vì vậy trong thời gian tới ngân hàng nên triển khai rộng rãi hình thức bảo đảm này và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn bằng các hình thức đảm bảo khác như tín chấp, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác thẩm định khách hàng trong tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu (Trang 67 - 72)