Gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN đang là vấn đề nghiêm trọng trong xã hội, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm CTR – CTNH. Chính phủ đã ra nhiều quyết định, thông tư, văn bản pháp luật về quản lý, thu gom xử lý CTR – CTNH tại các cơ sở sản xuất tại các KCN, một số quyết định, nghị định tiêu biểu như:
− Quyết định số 152/1999/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ ngày 10/7/1999 về việc phê duyệt chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và các KCN đến năm 2020;
− Quyết định 23/2006/QĐ-BTNMT, Bộ tài Nguyên và Môi trường ban hành ngày 26/12/2006 về việc ban hành danh mục CTNH;
− Thông tư 12/2006/QĐ-BTNMT, Bộ tài Nguyên và Môi trường ban hành ngày 26/12/2006 hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại;
− Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 9/4/2007 về quản lý CTR…
Ngày 17/12/2009, thủ tướng chính phủ ký quyết định số 2149/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó Quyết định nêu rõ, quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội; quản lý chất thải rắn phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp; quản lý tổng hợp chất thải rắn phải đáp ứng theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Theo đó các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm đóng góp kinh phí, khắc phục, bồi thường thiệt hại.
Theo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2025, 100% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và nguy hại, 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường. Phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.
Nhà nước đã có những nhận thức sâu sắc về bảo vệ môi trường, giành không ít kinh phí cho việc điều tra, nghiên cứu, đánh giá các vấn đề môi trường liên quan đến sản xuất tại các KCN, trong đó vấn đề CTR – CTNH là một vấn đề quan trọng, được quan tâm nhiều hiện nay.
Công tác tái chế chất thải ở nước ta là một vấn đề được quan tâm từ lâu, các hoạt động thu mua phế liệu để tái chế đã có rất lâu, một số xí nghiệp công nghiệp như ngành giấy, thủy tinh, nhựa plastic…đã có những chính sách thu gom sử dụng lại phế thải của mình tạo ra. Tuy nhiên đa số là hoạt động tự phát, tùy thuộc vào nhu cầu của từng doanh nghiệp, phục vụ cho các lợi ích và tính toán kinh tế của riêng họ. Hơn nữa, chất lượng cuộc sống tăng nhanh, nhu cầu sử dụng hàng hóa chất lượng càng cao nên sản phẩm tái chế đứng trước nguy cơ gặp rất nhiều khó khăn, ngày càng bị hạn chế.
Đồng thời cần nhìn nhận rằng lĩnh vực công nghệ và khoa học môi trường là lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam, các nghiên cứu và ứng dụng nhằm giải quyết vấn đề quản lý CTR – CTNH còn quá ít, chủ yếu là kế thừa các tiến bộ khoa học kỹ thuật của các nước trên thế giới, chưa có bước đột phá riêng.
Một số nghiên cứu về vấn đề CTR – CTNH được thực hiện gần đây, tuy nhiên những nghiên cứu này chưa áp dụng được do chưa phù hợp với trình độ khoa học kỹ thuật trên thế giới đang thay đổi thường xuyên, chỉ có giá trị về mặt nhận thức và phương pháp luận.