xây dựng làng văn hóa và các thiết chế văn hóa ở cơ sở
Hiện nay, để xây dựng được cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt văn hóa của nhân dân, một số huyện đã có sự chỉ đạo cụ thể trong việc vận động nhân dân xây dựng cơ sở vật chất. Đại Lộc có mô hình 9 hạng mục ở cụm văn hóa làng; Hội An tận dụng cơ sở vật chất sẵn có xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa của làng; làng Châu Lâu xây dựng một nhà
văn hóa và tủ sách; làng Tà Vàng
(A Tiêng, Hiên) xây dựng nhà Gươl sinh hoạt văn hóa... Nhìn chung, ở các làng đã đăng ký xây dựng làng văn hóa đều đang cố gắng để có một nhà phục vụ hoạt động văn hóa, gắn với bia công danh anh hùng liệt sĩ; đồng thời qui hoạch các sân bóng chuyền, khu vui chơi cho trẻ em...
Một số làng có cụm truyền thanh, các bia tường cổ động, panô, và thiết bị phục vụ sinh hoạt... Câu lạc bộ " Hát cho nhau nghe" của làng Đại Bình tổ chức vào tối thứ bảy hàng tuần tại nhà sinh hoạt văn hóa là một mô hình hoạt động rất hiệu quả cần được nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh thời gian tới. Nhiều làng có khẩu hiệu tư gia trước cổng gia đình (Thăng Bình, Đại Lộc) có tác dụng nhắc nhở mọi người thực hiện qui ước văn hóa.
Tóm lại, nhờ bám sát các tiêu chuẩn làng văn hóa và xây dựng qui ước cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế nên phong trào xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Đối với một phong trào thời gian phát động không lâu như ở Quảng Nam, những thành quả đạt được là một niềm khích lệ lớn để trong thời gian tới phong trào sẽ được nhân lên cả chiều sâu lẫn bề rộng.