Đây có thể xem là mô hình mới không chỉ riêng của Quảng Nam mà trở thành mô hình tiêu biểu trên phạm vi của cả nước. Đó là làng Duy Sơn II (Duy Xuyên).
Từ một làng xã thuần nông với trên 1250 hộ, đến năm 1995 do năng động chuyển sang hình thức hoạt động đa dạng, đa ngành nên đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Tính thuyết phục trong hoạt động của Duy Sơn II thể hiện trên các mặt sau:
* Huy động toàn bộ nhân lực của làng, đồng tâm hiệp lực và xây dựng được một trạm thủy điện có sản lượng hơn 2 triệu KW/năm, không chỉ phục vụ cho làng xã mà còn đáp ứng nhu cầu cả các vùng lân cận, doanh thu năm 1999 đạt hơn 1 tỷ đồng.
* Đáp ứng kịp thời các dịch vụ về làm đất, thủy lợi, giống, bảo vệ thực vật, thú y trong sản xuất nông nghiệp. Tưới tiêu chủ động 100% diện tích gieo trồng. Năng suất lúa đông - xuân cho sản lượng 44,8 tạ/ha, vụ xuân - hè đạt 40 tạ/ha. Vụ hè - thu đạt 52 tạ/ha và vụ ba đạt 37,5 tạ/ha. Đạt bình quân 570 kg thóc/người.
* Chú trọng phát triển ngành dệt và kinh doanh thương mại vải sợi ở địa phương. Các hộ xã viên có năm đã sản xuất được trên 700.000 m vải.
* Hình thành được ngành may công nghiệp, có 180 lao động làm việc thường xuyên. Năm 1999 đã sản xuất được 286.000 sản phẩm các loại để xuất khẩu, doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng.
* Ngành thủ công mỹ nghệ mây tre có 200 lao động doanh thu năm 1999 gần 3,5 tỷ đồng...
Toàn bộ doanh thu năm 1999 của hợp tác xã là 21 tỷ, lãi 256 triệu đồng.
Với những thành tựu đạt được nêu trên, Duy Sơn II thực sự là điển hình tiêu biểu của mô hình kinh tế mới ở nông thôn Quảng Nam thể hiện sự cần thiết và khả năng phát triển phổ biến của các cộng đồng làng xã qua đổi mới hoạt động hợp tác xã. Đổi mới hợp tác xã và phát triển nông nghiệp, nông thôn là quan hệ sống còn ở một cộng đồng làng xã hiện nay không chỉ ở Quảng Nam mà ở phạm vi toàn quốc.