qua
Trong bối cảnh tiến hành sự nghiệp CNH, HĐH, mở cửa hội nhập và xu thế toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa làng đang diễn ra sự biến động to lớn. Để có cách đánh giá toàn diện về quá trình xây dựng làng văn hóa ở nước ta trong thời gian qua, chúng ta cần nghiên cứu vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng làng văn hóa.
Trong thời gian đầu của công cuộc đổi mới, khi sự bao cấp đối với văn hóa cơ sở bị cắt giảm thì hệ thống các thiết chế văn hóa mới ở làng xã bị sa sút nghiêm trọng. Các thiết chế văn hóa hoạt động cầm chừng, giảm sút về số lượng và chất lượng. Theo thống kê năm 1991, số lượng nhà văn hóa ở cơ sở xã phường đã giảm từ 1.487 cái xuống còn 1.238 cái; thư viện huyện và cơ sở giảm từ 6.876 đơn vị xuống còn 2.575 đơn vị, số đội văn nghệ quần chúng giảm từ 16.252 xuống còn 9.504 đội, [5, tr. 265-266]. Đó là chưa kể về chất lượng (trang thiết bị, nội dung hoạt động...) của các thiết chế văn hóa cũng nhanh chóng bị xuống cấp.
Trong khi hệ thống thiết chế văn hóa mới được xây dựng từ thời bao cấp xuống cấp và giảm sút thì các thiết chế văn hóa làng truyền thống lại có sự phục hưng nhanh chóng. Nhiều đình, chùa, đền, miếu được trùng tu, sửa sang, nâng cấp, xây mới, nhiều hội làng, hội lễ dân gian được tổ chức lại khá qui mô; nhiều phong tục, tập quán, nhiều sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng dân gian được phục hồi...Điều đặc biệt là trong phong trào phục hồi văn hóa đó, người ta rất chú trọng đến bản sắc văn hóa cộng đồng làng với tư cách là chủ thể của các thiết chế và thể chế văn hóa ở làng.
Những thay đổi như vậy trong đời sống văn hóa làng, trước hết là kết quả của quá trình hiện thực hóa đường lối đổi mới của Đảng ta, trong đó có đường lối đổi mới về văn hóa. Hơn nữa, khi đời sống vật chất của nhân dân có bước phát triển nhanh chóng, thì đương nhiên, nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của họ cũng tăng theo. Trong khi đó, các thiết chế và thể chế văn hóa mới ở cơ sở chưa đủ số lượng cũng như chưa đảm bảo chất lượng để thỏa mãn hết những nhu cầu đang tăng nhanh và hết sức đa dạng đó. Những thiết chế và thể chế văn hóa làng truyền thống đã hình thành từ lâu đời và được thử thách qua hàng ngàn năm, đã gắn bó với bao nhiêu thế hệ dân làng và đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân làng nên có sức hút mạnh mẽ đối với đông đảo dân làng. Điều này cũng đủ để giải thích tại sao hội làng lại đua nhau nở rộ khắp nơi trong thời gian từ đổi mới đến nay.
Sự phục hồi các thiết chế và thể chế văn hóa làng truyền thống, trong đó bản sắc văn hóa làng được coi trọng, cho thấy nhu cầu liên kết cộng đồng làng đang còn rất mạnh trong làng xã Việt Nam. Thông qua các thiết chế và thể chế văn hóa và những sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng cộng đồng được tổ chức ở làng sẽ làm hồi sinh những xúc cảm, tâm trạng, tình cảm, mong muốn... đã từng tồn tại trong cộng đồng và chúng sẽ tiếp tục được sản sinh, nuôi dưỡng và củng cố trong mỗi người dân làng trong thời đại mới.
Trong giai đoạn đổi mới, cùng với sự phục hồi của văn hóa làng truyền thống, có sự mở rộng giao lưu văn hóa và trao đổi thông tin giữa làng với xung quanh. Các sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng, đặc biệt là lễ hội, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng..., là những dịp thu hút đông đảo những người dân làng khác, cùng đến tham gia, chiêm ngưỡng, chia sẻ. Ngược lại, người dân làng cũng thường xuyên hơn đi đến các lễ hội làng, lễ hội vùng cũng như tham gia vào các sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở các làng xung quanh. Do sự tham gia đông đảo của khách thập phương nên nhiều lễ hội làng đã trở thành lễ hội vùng. Trong quá trình mở rộng giao thương, trao đổi hàng hóa - dịch vụ, giao lưu văn hóa cũng được mở rộng. Bởi vì, khi mang hàng hóa và dịch vụ vào làng và ra khỏi làng, người ta thường mang theo lối sống, cách nghĩ và các giá trị văn hóa tinh thần kết tinh trên các hàng hóa và dịch vụ đó.
Mặt khác, trong giai đoạn đổi mới, các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền thanh, truyền hình, các loại sách báo, tạp chí và nhiều loại ấn phẩm khác có bước phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng. Mạng lưới phát thanh, truyền hình hầu như đã phủ sóng toàn quốc. Nhiều loại sách báo được đưa tới làng xã. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông đại chúng đã mang lại nhiều cơ hội hơn cho những người dân làng tiếp xúc, nắm bắt các luồng thông tin, mở mang tầm nhìn, mở rộng vốn hiểu biết của họ.
Sự phát triển của văn hóa làng trong thời gian qua đã cho thấy rằng: giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin giữa làng với bên ngoài được mở rộng không làm mất đi bản sắc của văn hóa làng mà ngược lại, càng làm cho bản sắc đó được khẳng định và phát triển. Bởi vì, khi tham gia vào quá trình giao lưu văn hóa trao đổi thông tin, những người dân làng sẽ thấy rõ hơn các giá trị văn hóa làng mình bên cạnh các giá trị văn hóa của các làng khác. Đó là cơ sở để tạo nên lòng tự hào đối với văn hóa làng mình, và mỗi người có ý thức bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo nó. Do vậy, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi thông tin trong giai đoạn mới không làm suy giảm tâm lý cộng đồng mà ngược lại, góp phần củng cố tâm lý cộng đồng làng, biến đổi nó theo hướng mở và hòa nhập hơn với xung quanh. Đó chính là điều kiện để tạo ra sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hóa làng trong môi trường xã hội hiện nay. Khơi dậy được sự phát triển của văn hóa làng cũng chính là nhân tố quan trọng để chúng ta tiến tới thực hiện một cách có hiệu quả nhất cuộc vận động xây dựng làng văn hóa mà Đảng và Nhà nước đang phát động.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CNH, HĐH, xây dựng kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu với bên ngoài, các loại nọc độc tư tưởng - văn hóa, lối sống thực dụng, vị kỷ cá nhân, xa lạ với truyền thống của dân tộc... có điều kiện phát triển, trở thành những nhân tố phá hoại sự bình yên, xói mòn tinh thần đoàn kết gắn bó, tương thân, tương ái trong cộng đồng làng. Những yếu tố tiêu cực đó đang góp phần làm suy yếu và biến thái đối với bản sắc văn hóa làng ở một số địa phương. Trước hết là tính tự phát trong việc trở về cái cũ và tính tự phát trong việc đón nhận cái mới. Lẫn trong những tập tục lành mạnh, đã khôi phục không ít tập tục xấu: bói toán, đồng bóng, rượu chè, mê tín, lễ lạt ở nông thôn và thành thị... Trong khi đó, sự du nhập ồ ạt những băng hình, phim ảnh đồi trụy, bạo lực...
nước ngoài không được sự kiểm soát đến nơi, đến chốn đã làm phương hại không nhỏ đến nhận thức và thẩm mỹ của thế hệ trẻ cả ở thành thị lẫn nông thôn. Mặt khác, bị ảnh hưởng bởi sắc thái thời thượng của văn hóa nước ngoài, nhiều chương trình điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, kể cả sách báo rơi vào con đường câu khách, chạy theo thị hiếu rẻ tiền, lai căng được chuyển tải đến với công chúng đã thực sự tạo ra một vạch đen cần xóa trong môi trường xã hội nước ta nói chung và ở các cộng đồng làng nói riêng hiện nay.
Chính vì vậy, xây dựng làng văn hóa là nội dung quan trọng để tạo dựng một môi trường xã hội lành mạnh và trong sáng trong bối cảnh hiện nay ở nước ta nói chung và ở nông thôn nói riêng.
Trong phạm vi cả nước, sau 10 năm bền bỉ, liên tục và quyết tâm cao của cơ quan trực tiếp hướng dẫn và theo sát phong trào là Cục văn hóa - Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa Thông tin) đã thấy rõ những ảnh hưởng tích cực của phong trào đối với môi trường xã hội. Hoàn toàn có thể nhận diện được những làng văn hóa thông qua sự biến đổi ở các mặt: Đời sống kinh tế của làng ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; cảnh quan môi trường sạch đẹp; thực hiện tốt pháp luật và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Các yếu tố như: dân trí, dân sinh, dân chủ, dân gian... đã được nhìn nhận dưới góc độ tiếp cận khoa học và hội thành những tiêu chí của làng văn hóa trong thời kỳ mới.
ở khu vực các tỉnh phía Bắc, đặc biệt vùng Trung du và đồng bằng Bắc bộ là địa phương có phong trào xây dựng làng văn hóa sớm nhất so với các khu vực khác trong toàn quốc đã xuất hiện nhiều làng văn hóa tiêu biểu như: Làng Trang Liệt (Đồng Quang, Từ Sơn, Bắc Ninh), Làng Viêm Xá (Hòa Long, Yên Phong, Bắc Ninh); làng Duy Trinh (Vân Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa); làng Đông Ngạc (từ Liêm, Hà Nội); làng Do Nghĩa (Phú Thọ); làng Tảo Dương (Hà Tây); làng Lỗ Xá (Hưng Yên); làng Qui Hậu (Quảng Bình)...Đây là những làng có sự tương đồng về điều kiện địa lý và đặc điểm cư dân làng Việt cổ truyền, nằm trong khu vực mà các tỉnh đã thu được kết quả tốt trong quá trình thực hiện công tác
Nếp sống văn hóa trong nhiều năm trước đây; là những nơi lưu giữ nhiều loại hình văn hóa
của văn hóa làng trong các yêu cầu xây dựng làng văn hóa. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp như nghi lễ, hội lễ, diễn xướng dân gian truyền thống được phục hồi và khơi dậy là những tiền đề cho việc xuất hiện các phương thức mới về tổ chức đời sống văn hóa cơ sở, xác lập dần các làng văn hóa trong thời kỳ mới.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc khi triển khai xây dựng làng (thôn, bản, khóm) văn hóa gặp nhiều trở ngại so với đồng bằng và trung du. Vì điều kiện kinh tế và giao thông đi lại còn khó khăn, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu; các sản phẩm văn hóa đến với đồng bào chưa đều, chưa nhiều...Do vậy, các tiêu chuẩn đề ra đối với yêu cầu xây dựng làng (bản) văn hóa ở đây chủ yếu tập trung vào mục tiêu: xóa đói, giảm nghèo, giữ vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, loại bỏ các hủ tục mê tín, bỏ trồng và không hút thuốc phiện, đảm bảo cho trẻ em đến tuổi được đi học... Từ chủ trương và định hướng này, nhiều mô hình tiêu biểu đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi phía Bắc như bản Rừng Phe (Tam Tiến, Yên Thế, Bắc Giang); bản Bó (Chiềng An, Sơn La); bản Động (Thành Sơn, Anh Sơn, Nghệ An), bản Hu (An Hùng, Lạng Sơn)... Đặc biệt, có những tỉnh tiên phong triển khai xây dựng làng (bản) văn hóa, xây dựng Qui ước văn hóa bằng tiếng Dao và H'mông (Lào Cai). Các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang, Hòa Bình, Cao Bằng, Bắc Cạn cũng tích cực triển khai xây dựng làng, bản, gia đình văn hóa trong đồng bào các dân tộc vùng cao. Nhờ xây dựng làng, bản văn hóa nên đã dấy lên những phong trào đoàn kết, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, phong trào hộ nông dân sản xuất giỏi, phong trào bài trừ mê tín, dị đoan... Tất cả đều thiết thực với các dân tộc anh em sinh sống tại các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Mặc dù khó khăn hơn trong quá trình phát động và tổ chức xây dựng làng văn hóa so với khu vực miền Bắc; song, khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng đã xuất hiện nhiều làng văn hóa của đồng bào Chăm, Raglây, của đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo, đồng bào miền biển... mà tiêu biểu là những làng văn hóa Tùng Luật (Vĩnh Gianh, Vĩnh Linh, Quảng Trị); làng Duy Hậu (Quảng Bình), làng Tân Thành I (Bình Định)... Các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận đã kết hợp tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư với xây dựng gia đình văn hóa, dòng tộc văn hóa trong xây dựng làng văn hóa. Các tỉnh Gia Lai, Kontum, Đăklăk, Lâm Đồng...triển khai xây dựng
buôn, làng văn hóa gắn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chọn lọc các yếu tố tích cực trong luật tục để xây dựng Qui ước văn hóa. Tỉnh Đắk Lắk xây dựng 10 hương ước điểm có tác dụng tốt trong việc điều chỉnh mối quan hệ cộng đồng giữa các dân tộc trong khu vực này. Các tỉnh Gialai, Kontum quan tâm củng cố thiết chế nhà rông văn hóa. Nhờ phong trào xây dựng bản, làng văn hóa đến nay Gialai đã phục hồi và xây dựng mới 300 nhà rông truyền thống... là tấm gương cho các tỉnh trong khu vực học tập và khơi dậy vốn quý của dân tộc phục vụ cho cuộc sống hôm nay.
Phong trào xây dựng làng, ấp văn hóa đối với khu vực đồng bằng Nam Bộ trong những năm qua cũng có những tiến bộ rõ rệt. Với phương châm cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân; xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà thông tin, cụm panô, cổng chào ấp, phát triển các khu vực sinh hoạt văn hóa gia đình, xóa cầu khỉ, xây dựng đường liên thôn, liên xã... Bộ mặt của làng, ấp đã dần được thay da, đổi thịt. Điển hình cho hiệu quả của phong trào xây dựng làng, ấp văn hóa phải kể đến các tỉnh Cần Thơ, Cà Mau, Bà Rịa, Vũng Tàu...Tại đây, 100% số xã, ấp, phường xây dựng được trung tâm sinh hoạt văn hóa - thông tin góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Mười năm xây dựng làng văn hóa thật sự có một ý nghĩa quan trọng đối với đất nước trong bối cảnh hiện nay. Hiện cả nước đã có 14.911 làng (ấp, bản, thôn) văn hóa cấp huyện, tỉnh, đang góp phần tích cực vào việc nâng cao mức hưởng thụ về kinh tế và văn hóa cho nhân dân. Văn hóa đã thực sự trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, sự phát triển nhân cách con người, nét đẹp gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư trong điều kiện kinh tế thị trường còn nhiều tác động tiêu cực trong thời điểm hiện nay.
Có thể khẳng định, bằng phương pháp khai thác các yếu tố truyền thống tích cực của văn hóa làng truyền thống kết hợp với các hoạt động văn hóa mới; tổ chức xây dựng làng văn hóa là một phương thức thích hợp, một hướng đi đúng trong yêu cầu đổi mới công tác tổ chức, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu về phương thức vận động và cách thức tổ chức để tiếp tục xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam trong thời gian tới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.