3.2.1. Chủ trương xây dựng làng văn hóa ở Quảng Nam
Tháng 7/1997, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Chỉ thị 04/CT-TU về xây dựng làng (thôn, bản) văn hóa. Sau khi có Chỉ thị, các ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã quán triệt sâu sắc tinh thần của Chỉ thị và đã đưa vào chương trình kế hoạch hàng năm bằng các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể cho việc thực hiện cuộc vận động xây dựng làng văn hóa. Sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương thông qua những kế hoạch cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình là điều kiện tiên quyết trong quá trình xây dựng làng văn hóa. Điều này thể hiện rất rõ trong các văn bản của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban dân tộc và miền núi, ủy ban dân số -kế hoạch hóa gia đình, ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Liên đoàn lao động, Sở văn hóa thông tin, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân...
Mặt khác, để thực hiện Chỉ thị 04/CT-TU của Tỉnh ủy Quảng Nam, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 30/1998/CT-UB "Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan" với 6 điều khoản cụ thể thực hiện; Sở văn hóa thông tin Quảng Nam phổ biến "Hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và bài trừ mê tín dị đoan" ở Quảng Nam. Hướng dẫn này nêu rõ những nguyên tắc chung và những việc cụ thể trong việc tiến hành những hoạt động nêu trên nhằm xác lập môi trường xã hội trong sạch, văn minh.
Chính sự liên kết có trách nhiệm và quyết tâm này đã thực sự tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ của đông đảo quần chúng. Người dân đều nhận ra quá trình xây dựng làng văn hóa là sự vận động gắn liền với mọi sinh hoạt của con người và đem lại những kết quả rất thiết thực đối với mọi người. Phần đông mọi người đều rất tin tưởng vào chiều hướng phát triển của phong trào.
Quá trình nhận thức được làm sáng tỏ và thông suốt từ trên xuống dưới và lan tỏa ra diện rộng là một tín hiệu tốt của phong trào. Vấn đề khơi dậy tiềm lực của nông dân cũng được bắt đầu cùng với quá trình đầu tiên này. Tạo được niềm tin trong nông dân để
họ dồn toàn tâm, toàn ý vào một công việc cụ thểvà thiết thực như xây dựng làng văn hóa có thể xem là kết quả ban đầu của phong trào; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Dễ
trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng qua".