Dưới lăng kính văn hóa, mỗi làng ở Quảng Nam đều ẩn chứa những dáng vẻ riêng "thấm đẫm chất Quảng":
"Quảng Nam có lụa Phú Đông
Có khoai Trà Đõa, có sông Thu Bồn Đất ta biển bạc non vàng
Biển bạc Đông Hải, non vàng Bông Miêu"
Hay:
"Thiên nhiên ai tạc như tranh
Cồn Đò mắm mọc vòng quanh sông đào Lò vôi ở ngọn Cầu Ngao
Vũng tôm, Miếu Vạn đời nào còn ghi".
Những phác họa đó trong vô vàn những phác họa khác đã tạo nên một bức tranh vừa lung linh vừa huyền ảo, tái hiện được những giá trị văn hóa của mảnh đất xứ Quảng. Và, thấp thoáng đâu đó bên những địa danh cụ thể nào đó chúng ta có thể nhận dạng được những giá trị văn hóa đã thấm sâu vào trong mỗi con người và truyền nhập vào trong các sự vật.
ở Quảng Nam nổi lên các dạng làng mang tính văn hóa đặc trưng, gắn chặt trong tâm thức của con người xứ Quảng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghiên cứu một cách có hệ thống các loại làng này giúp chúng ta hiểu sâu hơn về các biểu hiện của văn hóa làng xứ Quảng, về nhân cách con người xứ Quảng.
2.2.2.1. Làng văn
Đây là mô hình làng nổi tiếng ở xứ Quảng về truyền thống học tập, đỗ đạt cao trong thời phong kiến, để lại những tên tuổi mà ngày nay vẫn được mọi người ở xứ Quảng kính nể và con cháu trong làng tiếp tục phát huy trong thời đại mới.
Đất Diên Phước xưa của Quảng Nam - đất quê Phạm Phú Thứ là một trong những vùng như vậy.
Diên Phước nói riêng và toàn bộ xứ Quảng nói chung chỉ mới thực sự hòa nhập vào guồng máy giáo dục và thi cử của cả nước từ đầu thế kỷ XIX. Thời các chúa Nguyễn, xứ Đàng Trong tuy cũng có thi cử nhưng tổ chức chưa đều, quy chế chưa chặt chẽ, nên hệ thống học vị cũng chưa rõ ràng.
Năm Đinh Mão (1807), vua Gia Long cho mở khoa thi Hương đầu tiên của triều đại mình, lúc đó chỉ có 6 trường (Nghệ An, Thanh Hóa, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam và Hải Dương) - tất cả đều thuộc địa phận xứ đàng Ngoài cũ. Mãi đến năm Quý Dậu (1813), hai trường thi hương đầu tiên của xứ Đàng Trong cũ mới được thiết lập, đó là trường Quảng Đức (dành cho sĩ tử từ Quảng Bình đến Khánh Hòa ngày nay) và trường Gia Định (dành cho sĩ tử từ Ninh Thuận đến miền cực Nam của đất nước ta hiện tại).
Năm Kỷ Mão (1819), trường Quảng Đức đổi tên gọi là trường Trực Lệ và năm ất Dậu (1825) lại đổi gọi là trường Thừa Thiên. Tên gọi sau cùng này được giữ mãi cho đến ngày cáo chung của nền thi cử Nho học ở nước ta. Như vậy, trường Thừa Thiên là trường quy tụ sĩ tử của nhiều địa phương, trải dọc theo một tuyến đường dài hơn cả. Việc ứng thí của các thế hệ sĩ tử vì thế mà trở nên rất khó khăn.
Trong thời gian tồn tại (1818-1918), trường Thừa Thiên đã được phép tổ chức tất cả 41 khoa thi, lấy đỗ trước sau tổng cộng 1250 vị cử nhân, trong đó có 93 vị ở Diên Phước. Dựa vào Quốc Triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục, có thể lập bảng cụ thể như sau:
Thứ
tự Tên các triều vua
Tổng số khoa thi
Tổng số người đỗ
Toàn trường Tính riêng Diên Phước 1 Gia Long 02 26 01 2 Minh Mạng 07 152 11 3 Thiệu Trị 05 209 16 4 Tự Đức 15 445 37 5 Dục Đức 00 00 00 6 Hiệp Hòa 00 00 00 7 Kiến Phúc 01 31 02 8 Hàm Nghi 00 00 00 9 Đồng Khánh 02 71 00 10 Thành Chí 05 198 02 11 Duy Tân 03 96 03 12 Khải Định 01 22 01 13 Bảo Đại 00 00 00 Tổng cộng 41 1250 93 Nguồn: [67, tr. 6-7].
Như vậy, trừ 93 người ở Diên Phước, số còn lại (gồm 1.157 người) là từ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và sĩ tử của những khu vực khác trong tỉnh Quảng Nam.
Sĩ tử Diên Phước không những đỗ nhiều mà còn đỗ cao. Chúng tôi đã lập bảng xếp hạng thứ bậc cho những người Diên Phước đỗ đạt tại trường Thừa Thiên và thấy:
* Có 26 người đỗ từ thủ khoa đến hạng 10.
* Có 29 người đỗ từ hạng 11 đến hạng 20
* Có 29 người đỗ từ hạng 21 đến hạng 30
* Có 9 người đỗ từ hạng 31 trở xuống.
Và, Diên Phước vinh dự có hai vị thủ khoa và hai vị á khoa của trường Thừa Thiên:
* Hai vị thủ khoa: Phạm Phú Thứ (đỗ khoa Nhâm Dần, 1842); Phạm Liệu (Đỗ khoa Giáp Ngọ, 1894).
* Hai vị á khoa: Phạm Hữu Nghi (đỗ khoa Tân Tỵ, 1821; Nguyễn Trường Vĩnh (đỗ khoa Đinh Dậu, 1837).
Đặc biệt, gia đình Phạm Phú Thứ là một trong số rất ít gia đình lừng danh khoa
bảng của đất Quảng. Thống kê ghi chép của Quốc triều Hương khoa lục và Quốc Triều
Đăng khoa lục cho thấy:
* Phạm Phú Thứ: Đỗ đầu khoa thi Hương năm Nhâm Dần (1842), đỗ đầu khoa thi Hội năm Quý Mão (1843).
* Phạm Tân Hồng (anh ruột Phạm Phú Thứ): Đỗ cử nhân tại trường Thừa Thiên khoa Quý Mão (1843).
* Phạm Phú Lâm (cháu nội Phạm Phú Thứ): Đỗ cử nhân tại trường Thừa Thiên khoa Nhâm Ngọ (1918) tức khoa thi Hương cuối cùng của lịch sử thi cử Nho học ở Việt Nam.
Xứ Quảng sản sinh ra những người con mà tiếng thơm sẽ lưu truyền đến mãi muôn đời. Những nhân vật ấy gắn liền với một tên làng như: Làng Thái La của Trần Quý Cáp; làng Tư Phú của Trần Cao Vân; làng Xuân Đài của Hoàng Diệu; làng Bảo An của Phan Thanh, Phan Khuê; làng Quý Thạnh của Tiểu La...
Ca dao Đất Quảng thể hiện niềm tự hào về tinh thần hiếu học của mình rằng:
"Học trò trong Quảng đi thi
Mấy cô gái Huế chân đi không đành Võ Huy, Võ Uất, Võ Hoành Quảng Nam ba võ, kinh thành đều ghê"
Điểm nổi bật của các làng văn là sự phân định ngôi thứ và việc sinh hoạt mọi mặt rất chặt chẽ và nghiêm chỉnh hơn các làng khác. Trong làng văn thường nổi lên những họ có văn nghiệp đỗ đạt. Những họ này được cả làng tôn trọng, kính nể và xem đó là niềm tự hào chung của cả làng. Vì vậy, trong các làng văn thường tạo lập được môi trường học tập và rèn luyện bài bản. Tinh thần đó trong các làng văn vẫn duy trì được cho đến ngày nay. Đây thực sự là một vốn quí mà con người xứ Quảng trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy và phát triển. Con người xứ Quảng luôn gắn bó chặt chẽ với việc học và xem nó như một tiêu chí hàng đầu để tồn tại và phát triển. Từ nhận thức đó, trong các làng xưa và ngay cả hôm nay đã tạo ra được những mô hình rất đặc thù so với cả nước. Chẳng hạn, làng Thuận An (Tam An - Tam Kỳ) đã xây dựng mô hình "Ruộng khuyến học" để khuyến khích con cháu trong làng học hành đạt kết quả cao nhất. Theo thống kê mới nhất, hiện nay làng Thuận An có 800 con cháu đang học ở các trường Đại học trong ngoài nước. Chính vì những nỗ lực vượt bậc đó, làng Thuận An được gọi là "Làng cử nhân" và mô hình đó giống như hạt giống tốt trong việc phát huy những nhân tố mới trong cuộc vận động xây dựng làng văn hóa hôm nay của đất Quảng.
2.2.2.2. Làng chợ
Trong cơ cấu nông nghiệp nông thôn, từ trước đến nay, chợ là một biểu trưng của văn minh nông nghiệp, là một đặc điểm quan trọng của quá trình hội tụ văn hóa làng. Do vậy, trong trường hợp này chúng ta tiếp cận làng chợ dưới góc nhìn văn hóa.
Ngày trước, chợ là trung tâm giao lưu văn hóa giữa các khu vực, miền với nhau. ở Quảng Nam, các chợ nông nghiệp được mở khắp nơi và mỗi chợ là một tụ điểm kinh tế -
văn hóa của một số làng nhất định; rộng, hẹp không đều. Các chợ đã có từ lâu và gắn với các địa danh ở địa phương:
"Hòa Đa buôn mật bán đường,
Kim Bồng đục chạm miếu đường thờ vua. Vĩnh Điện tấp nập bán mua
Phú Bông dệt lụa sớm trưa rộn ràng".
Nổi tiếng nhất ở Quảng Nam ngày trước là chợ Hội An:
"Hội An là chốn hữu tình
Thuyền buôn, thuyền bán rập rình bến sông".
Đây là chợ có khả năng hội tụ nhiều sắc thái văn hóa của nhiều miền khác nhau và sức lan tỏa mạnh trong phạm vi rộng không chỉ ở Quảng Nam mà cả Đàng trong ở thế kỷ XVII-VXIII.
Ngoài ra, còn có các chợ mang đậm những đặc trưng văn hóa từng địa phương như: chợ Vĩnh Điện (Duy Xuyên), chợ bà Rén (Quế Sơn), chợ Hà Lam (Thăng Bình), chợ Phong Thử (Điện Bàn)... Làng chợ chính là làng có các chợ đóng trên địa bàn làng. Ngoài các chợ như ở các vùng nghèo chủ yếu là trao đổi sản phẩm nông nghiệp; các chợ lớn nổi tiếng có sự buôn bán, giao lưu hàng hóa với quy mô lớn. Các làng có chợ nổi tiếng này đã bộc lộ nét văn hóa riêng - văn hóa làng chợ. Trên thực tế, chợ vừa là nơi trao đổi về kinh tế, vừa là nơi giao lưu văn hóa, là niềm tự hào của mỗi làng. Chợ làm cho cuộc sống của làng quê trở nên sôi động hơn, do đó văn hóa của làng cũng sinh động hơn. Vì thế, làng chợ có những màu sắc văn hóa khác biệt so với các làng khác. ở các làng chợ, dân làng bị cuốn hút vào sinh hoạt mua-bán, giao lưu, tìm hiểu các đặc sản, nguyên liệu của các làng khác để tiến hành thăm dò, xem xét và trao đổi. Tất cả những hoạt động đó làm cho bộ mặt làng chợ thay đổi nhanh chóng cả về vật chất lẫn sinh hoạt tinh thần.
Hàng hóa bán ở làng chợ phần lớn là sản phẩm địa phương, được phân thành những khu vực nhất định, mỗi khu vực chuyên về một mặt hàng nào đó.
Chợ ở Quảng Nam từ giữa thế kỷ XIX, theo các cụ cao tuổi tại địa phương cho biết được chia thành ba khu vực lớn: khu buôn bán các sản phẩm lương thực, khu buôn bán hàng thủ công nghiệp và khu buôn bán gia súc, gia cầm. ở mỗi khu vực này lại chia thành những khu vực nhỏ như ở khu thứ nhất có các dãy bày bán hàng lương thực, thực phẩm, đồ ăn uống; ở khu vực thứ hai với các dãy hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (cày, cuốc,dao, rựa...), các dụng cụ sinh hoạt gia đình (mâm, thau, dao, rựa...), hàng vải vóc, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ thờ cúng (bình, lư hương, chiêng...). Làng chợ với mô hình này vẫn được thể hiện rõ ở các chợ Bà Rén, chợ Chùa, chợ Được, chợ Phong Thử, chợ Tam Kỳ... ngày nay.
Mỗi làng chợ đều có những dáng vẻ riêng, tính cách riêng. Tính đặc thù của từng chợ qua nhiều đời đã đi vào trong tâm thức của người dân xứ Quảng và vì thế họ có sự ứng xử riêng đối với mỗi làng chợ:
"Nhớ cô dệt đũi chợ Chùa
Rượu ngon chợ Vạn bốn mùa anh say".
Hoặc:
"Bữa nay đợi bún chợ Chùa
Đợi mắm Nam ổ, đợi cua làng Gành".
Từ những đặc trưng đó, mọi người có sự chú ý đến các chợ sản xuất hàng hóa:
"Bà Rén lắm heo (lợn)
Khoai lang chợ Được Tơ tằm chợ Nhổn Cày, bừa chợ Bông".
Phát hiện được đặc trưng của các loại hàng hóa và phương tiện sản xuất của từng làng chợ và tiến hành tổng kết hàng loạt chợ như trên giống như đã lập được một " bảng biểu" để từ đó tất cả mọi người trong cộng đồng khi cần hàng hóa và phương tiện nào đều có thể tìm thấy để đáp ứng nhu cầu của mình.
Đặc biệt, người nông dân trong quá trình tiếp xúc với các làng chợ đã mô tả được cả phong cách sinh hoạt văn hóa thông qua mô hình và phương thức hoạt động của các chợ:
"Ăn đứng chợ Triều Ăn nằm chợ Cốc
Ba chân bốn cẳng chợ Dốc ông Theo Nằm chờ bảnh mắt chợ chiều Phú Bông".
Quả thật, làng chợ là nơi giao lưu văn hóa và tiếp biến văn hóa diễn ra với nhịp điệu nhanh nhưng rất bền vững. Mỗi phiên chợ có thể xem là chu kỳ văn hóa đang diễn ra. Cũng với những loại hàng hóa ấy và những con người ấy; song cũng như sự vận động của cuộc sống, những yếu tố mới của văn hóa (dù nhỏ) vẫn len lỏi từng ngày, từng ngày để qua một thời gian dài chúng kết tủa lại và trở thành văn hóa làng chợ. Chúng ta sẽ cảm nhận được sự kết dính của cộng đồng người trong làng đối với mỗi phiên chợ qua cách mô tả sau:
"Trên chính con đường, cả một đoàn người dắt đuôi nhau đi. Phải chăng họ từ
phiên chợ trở về, những người dân quê gánh nặng và đông đảo ấy! Họ bước thoăn thoắt vội vàng, chiếc đôi gánh ghé trên vai lủng lẳng thủng xuống như hai đĩa cân, hai rổ sảo giống như hai chiếc ly. Trong những thúng, mủng này chồng chất nghìn thứ khác nhau: thóc, gạo, chuối, rau cỏ, cau, trầu, rơm, nồi đất buộc rất tài tình và nhiều thứ khác nữa..."
[3, tr. 24].
Khung cảnh đầy thân thiện và thân ái ấy vẫn duy trì trong các làng quê. Mặc dù làng quê ngày nay có những biến đổi nhất định trong bối cảnh mới; song, làng chợ ở các làng quê của xứ Quảng vẫn là trung tâm hội tụ, giao lưu và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ.