Làng thủy cơ là những làng thiết lập trên mặt nước (còn gọi là làng vạn chài hay làng chài), gồm những cư dân làm nghề chài lưới hay chở đò.
Quảng Nam có nhiều sông ngang dọc. Kể từ Bắc vào Nam có những con sông chính là sông Thủy Tú; sông Cẩm Lệ; sông Yên; sông Vĩnh Điện; sông Thu Bồn; sông Bà rén; sông Trường Giang; sông Ly Ly; sông Tam Kỳ; sông Vĩnh An; sông Cây Trâm; sông Bà Bầu; sông Trầu; sông An Tân. Sông Thu Bồn bắt nguồn từ Chiên Đàn chảy ra đến Cửa Đại là sông lớn nhất của Quảng Nam. Tuy nhiều sông, nhưng các làng thủy cơ chủ yếu tập trung ở sông Thu Bồn và một số ở sông Vu Gia.
Thông thường thì số làng chài nào cũng phụ thuộc với một xã thôn ở trên đất. Và như vậy làng chài chỉ là một thôn của làng khác. Đó là do Nhà nước phong kiến bắt theo về một xã thôn trên đất để tiện việc thu thuế. Cho nên những dân thủy cơ tuy phải đóng sưu thuế cho lý trưởng mà vẫn không có liên lạc gì với xã thôn ấy cả. Thực ra, làng thủy cơ là một đơn vị hành chính độc lập, có đủ tổ chức như một xã thôn trên cạn.
ở Quảng Nam, các làng thủy cơ không họp thành tổng thủy cơ như ở Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế; song các làng đều có mối quan hệ với nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất (đánh bắt cá, làm dịch vụ...) và đều có quan hệ mật thiết với các làng thuần nông. Hầu hết các làng đều có ruộng đất để sản xuất lúa, nông sản và có cả vườn tược. Đây là nét khá độc đáo của mô hình làng thủy cơ ở Quảng Nam so với các địa phương khác.
Nói là làng, song địa bàn của họ là mặt nước trên các sông. Sông Thu Bồn, Vu Gia... chưa có sự phân chia địa giới, nhưng hầu như có sự quy định ngầm về diện tích mặt nước mà mỗi làng được quản lý khai thác. Mỗi gia đình thủy cơ là một con thuyền lớn kèm theo một số thuyền con để đánh cá sông hoặc làm dịch vụ như: chuyển cát, sỏi hay đưa hàng từ miền xuôi lên miền núi và ngược lại. Đất Quảng Nam có câu ca dao ai cũng thuộc:
"Nhón chân kêu bớ nậu nguồn
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên".
đã chỉ rõ hoạt động trao đổi giữa hai làng là trao đổi các loại lâm thổ sản miền núi và hải sản, sản vật miền đồng bằng.
Gia đình thuyền chài sinh hoạt chung trong một con thuyền bao gồm cha mẹ, con cái và có khi cả ông bà, cháu chắt. Khi con cái có gia đình riêng thì có sự tách thuyền để lập gia đình mới. Việc hôn nhân thường diễn ra giữa thanh niên thanh nữ trong các làng thủy cơ với nhau.